Khi siêu anh hùng "đuối lý" trước ác nhân trên màn ảnh: Ranh giới tốt - xấu chưa từng mong manh đến thế!
Chúng ta vẫn luôn cho rằng siêu anh hùng là những người cao thượng dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nhìn chung vẫn đứng về phía "đại chúng". Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ thì có lẽ nào họ chỉ là một đám "đầu gấu" có sức mạnh và năng lực khác thường?
Cuối phim Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực), nhóm các siêu anh hùng của Marvel phải đối đầu với siêu phản diện Thanos, kẻ đang lăm le tiêu diệt cả nửa dân số vũ trụ. Để ngăn chặn hắn, Disney và Marvel sẽ phải tập hợp tất cả những anh hùng mà họ có bản quyền sử dụng trên phim. Đây cũng là một sự kiện hợp nhóm được lên kế hoạch và tính toán kỹ lưỡng tuyệt vời nhất trong lịch sử điện ảnh, sau cả một thập kỷ với 18 bộ phim khác nhau.
Nhưng Infinity War còn là một nước cờ cuối theo một nghĩa khác. Phim siêu anh hùng chính là câu chuyện thành công không phải bàn cãi trong thế giới Hollywood ngày nay. Họ đã làm được hết những điều quan trọng nhất: kết hợp nhuần nhuyễn hình ảnh mãn nhãn giải trí với ấn dụ về chính trị, xã hội.
Không có dấu hiệu gì cho thấy cơn sóng lớn này đang bị cản bước, mọi dòng phim từng hưng thịnh trên phòng vé như khoa học viễn tưởng (sci-fy), hài tình cảm (romcom) đều đã bị nhấn chìm trong cơn bão phòng vé từ khi phim siêu anh hùng đổ bộ. Nhưng trải qua một thời gian dài phát triển, thể loại này đang bắt đầu trở nên mâu thuẫn với chính thông điệp của mình.
Anh hùng càng mạnh thì nguy hiểm càng hiện hữu
Sự kiện tập hợp cuối cùng của các nhân vật Marvel ngay trước Infinity War chính là Captain America: Civil War , khi Tổng Thư ký Chính phủ Mỹ tới thăm trụ sở Avengers và chỉ ra một sự thật "đắng lòng": "Các anh nghĩ thế nào về một nhóm các cá nhân người Mỹ có sức mạnh đặc biệt, thường xuyên lờ đi giới hạn quốc gia, gán ghép tư tưởng của mình lên bất cứ đâu họ muốn, và thật sự là không hề quan tâm đến những gì họ bỏ lại đằng sau?"
Vision hàm ý các anh hùng càng mạnh thì mối nguy càng hiện hữu với trái đất.
Iron Man, Captain America, và các đồng đội cũng vẫn luôn tự cho rằng mình đang phục vụ lẽ phải, dù còn thiếu sót, hợp tác lại vì một lý tưởng nào đó – cho tới khi họ phải đối mặt với khả năng rằng chính họ mới là những kẻ nguy hiểm và vô tổ chức. Chúng ta đã bắt đầu được chứng kiến những tình tiết tương tự như thế này trong các bộ phim dựa trên truyện tranh gần đây. Một câu thoại đắt giá ngay sau đó trong Civil War đến từ Vision: "Trong vòng 8 năm sau khi Stark tự giới thiệu mình là Iron Man, số lượng những người có năng lực đặc biệt đã tăng lên đáng kể. Trong cùng quãng thời gian đó, số lượng những sự kiện mang tính nguy hiểm toàn cầu cũng tăng lên với tốc độ chóng mặt."
Một câu hỏi rất đáng đặt ra là: Siêu anh hùng tốt ở chỗ nào? Nghe thì có vẻ thừa thãi nêu bạn đã xem nhiều phim như vậy. Nhưng dường như sau bao nhiêu cuộc chiến chống người ngoài hành tinh xâm lược và bảo vệ Trái Đất, người ta đã bắt đầu cảm thấy các "anh hùng" không còn đứng về phía "công lý" nữa rồi.
Thông điệp ẩn đằng sau bộ áo choàng
Các siêu anh hùng thời kỳ đầu được sử dụng như những lá bài chính trị
Ngày xửa ngày xưa, các siêu anh hùng kiểu "Mỹ" này vốn được sáng tạo ra để đứng về phía "nước Mỹ" và các đồng minh một cách cụ thể. Superman của DC Comics tuyên thệ chiến đấu vì "những người dân thường". Anh chống lại bất công và hủ bại trong một xã hội hậu khủng hoảng kinh tế. Batman thề sẽ trả mối thù giết cha mẹ bằng cách "dành cả tuổi thanh xuân chiến đấu với bọn tội phạm". Wonder Woman thì đơn giản chỉ cần sự thật và tình yêu. Có thể nói Superman có phần hơi "cánh tả", Batman lại hơi "cực hữu", trong khi Wonder Woman thì lại hơi lý tưởng hóa đến mức vô lý, nhưng họ đều "đứng về phía Mỹ".
Marvel vào những năm 1960 lại khiến cho câu chuyện phức tạp hơn 1 chút. Những đầu truyện kiểu X-men hay Black Panther đề cập đến phong trào đấu tranh cho quyền công dân của các nhóm thiểu số, và bắt đầu khiến ranh giới đạo đức mờ dần đi. Nhưng chúng ta vẫn có Captain America, người đã đấm cả vào mặt Hitler và Spider-man, người hiểu rằng quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Họ nói tóm lại vẫn đều là người tốt cả.
Khán giả vẫn có thể dễ dàng xếp các nhân vật này về phía "người tốt" khi bộ phim Spider-man đầu tiên của Sam Raimi khởi động cả một thời kỳ điện ảnh dựa theo truyện tranh. Thảm họa 11/9 vẫn còn ám ảnh tâm trí người Mỹ khi họ phải dùng kỹ xảo để xóa tòa tháp đôi khỏi bộ phim, và chủ đề về lòng dũng cảm cũng như tình đoàn kết cộng đồng càng có sức nặng. "Gây sự với một người là gây sự với tất cả chúng tôi đấy!" Một người New York qua đường hét lên với Green Goblin – đối thủ của Spider-man. Hầu hết các phim siêu anh hùng thời kỳ đầu này đều theo một công thức tương tự như vậy, kể cả Iron Man (2008) với đối thủ là bọn khủng bố tới từ Trung Đông.
"Chủ nghĩa anh hùng" hay "chủ nghĩa côn đồ"?
Ở thời kỳ trước, anh hùng như Batman của Michael Keaton hay Superman của Christopher Reeve thường tồn tại trong những thế giới có nhiều phần tưởng tượng hơn, nhưng khi các siêu anh hùng ngày càng tiến sát với môi trường chính trị trong thực tế, cách làm việc của họ cũng gặp phải những trở ngại mới. Bộ truyện tranh Watchmen của tác giả Alan Moore ra mắt vào năm 1987 là một trong số những câu chuyện đầu tiên gợi ra ý tưởng rằng những người thích mặc đồ kỳ quái và tấn công người khác chắc chắn có vấn đề về tâm lý, hoặc phải ra tòa án binh. "Chủ nghĩa anh hùng" càng ngày càng giống "Chủ nghĩa côn đồ".
Thế nên những "người tốt" theo kiểu Batman, hành tung ngang ngược như "người phán xử" mà không hề bị kiểm soát bởi bất cứ ai, thật ra giống với các nhà độc tài hơn.
Cũng như Avengers, Batman cũng đã bị chỉ trích ngay trong Batman v Superman: Dawn of Justice . Bruce Wayne, thân phận thật của Batman đã bị Clark Kent – Superman nói thẳng vào mặt: " Quyền tự do công dân ở thành phố của anh bị coi thường, người tốt sống trong sợ hãi… anh ta tự cho mình cái quyền sống ngoài vòng pháp luật."
Dám nói anh như thế hả?
Một thay đổi khác chính là ở chính sách đối ngoại của nước Mỹ và phương Tây nói chung. Những cảm xúc đau thương sau ngày 11/9 nhanh chóng trở thành một "cuộc chiến chống khủng bố " với cuộc xâm lược Iraq, Afghanistan, còn người dân thì theo dõi sát sao hành động của chính phủ.
Cùng thời điểm đó, các bộ phim siêu anh hùng cũng bước vào thời kỳ của "đội nhóm", với cả Avengers và Justice League . Những giá trị cá nhân trở thành những giá trị phức hợp của cả nhóm – về quyền lực và sự lạm dụng nó, về sự trung thành, lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm cũng như lợi ích cả hành tinh.
Bộ ba phim về Captain America cho thấy sự biến chuyển rõ rệt về quan điểm đạo đức của nhân vật này.
Câu chuyện "ly dị" và băn khoăn "anh ở phe nào"?
Với tư cách là trụ cột về chính trị của Vũ trụ Điện ảnh Marvel, bộ ba phần phim Captain America phản ánh rõ sự thay đổi này. Trong The First Avenger vào năm 2011, anh ta là một "người tốt" cơ bản: Một thanh niên yêu nước chống Phát xít. Tới phần thứ hai ra mắt vào 2014, The Winter Soldier , hệ thống đạo đức kiểu mẫu của anh ta bị thách thức trước những âm mưu theo dõi diện rộng và tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí không người lái của chính phủ Mỹ. "Đây không phải là tự do, đây là sự sợ hãi," anh nói và quyết định quay lưng lại với chính quyền (cũng đúng: vì sau đó họ phát hiện ra rằng S.H.I.E.L.D. đã bị xâm chiếm bởi điệp viên ngầm của tổ chức Phát xít mới HYDRA).
Trong thời kỳ của Edward Snowden và chiến tranh từ xa, đây là một chủ đề đột phá dành cho một bộ phim siêu anh hùng. Tới phần 3 vào năm 2016, Civil War, Captain America từ chối ký tên vào bản Hiệp ước kiểm soát hoạt động của các anh hùng do Liên Hiệp Quốc soạn thảo, và thành lập một nhóm anh hùng nổi loạn. Nhờ đó chúng ta được chứng kiến một màn đối đầu vô tiền khoáng hậu giữa các anh hùng.
Chuyện tương tự xảy ra trong Batman v Superman ra mắt cùng năm. Và trong cả 2 trường hợp, những bất đồng này xuất phát từ sự can thiệp của một bên thứ 3, cài cắm thông tin giả mạo và khiến các siêu anh hùng phải đánh lẫn nhau. Có thể nói điều đó phản ánh bầu không khí chính trị ở cả Mỹ và châu Âu trong thời điểm này. Nhưng cũng có thể chúng chỉ là chiêu trò để tìm kiếm sự quan tâm từ phía khán giả thông qua sự đối đầu giữa các anh hùng. Dù sao thì, câu hỏi đặt ra vẫn là: Rốt cuộc ai mới là người "tốt" ở đây?
Chìa khoá nằm trong tay đám "kẻ xấu"
Một phương pháp hiệu quả để xem xét vấn đề này chính là quay ra nghiên cứu đám "kẻ xấu". Có thể bắt đầu từ bom tấn mới nhất: Black Panther. Michael B. Jordan trong vai Killmonger được ca ngợi là yếu tố tuyệt vời nhất của bộ phim là có lý do chính đáng của nó: Anh ta thực ra không "xấu" đến thế. Sự "cay cú" của anh ta hoàn toàn có cơ sở: Tại sao một quốc gia giàu tài nguyên như Wakanda có thể làm ngơ trước những tội ác như nạn nô lệ, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh thế giới, nạn phân biệt chủng tộc – xảy ra với những người anh em châu Phi? Cũng giống như Themiscyra, quê nhà của Wonder Woman vậy.
Killmonger cuối cùng vẫn bị hạ gục, nhưng anh ta thắng về lý: Black Panther nhận ra rằng mình không hẳn là chính nghĩa ở đây. Cuối phim, Wakanda bắt đầu mở cửa và giao thiệp với cả thế giới, cho dù với những điều kiện khắt khe và hoàn toàn khác với giấc mơ cách mạng bạo lực của Killmonger.
Những "kẻ xấu" này sở hữu cái lý mà đối diện với nó các siêu anh hùng cũng phải bối rối
Đây dường như là một khuôn mẫu mới trong phim siêu anh hùng: Những tư tưởng chính trị nhức nhối không tới từ các anh hùng, mà từ chính các nhân vật phản diện trong phim. Dù rằng những quan điểm này cũng có lúc bị lờ đi trong các màn chiến đấu cháy nổ đì đùng.
Chuyện tương tự cũng có thể thấy trong Thor: Ragnarok . Cate Blanchet đương nhiên vào vai Hela, thần chết, nhưng cô ta cũng tiết lộ rằng sự thịnh vượng của Asgard hoàn toàn được xây dựng dựa trên hàng ngàn năm đô hộ thực dân các thế giới khác . Cô ta vạch trần sự thật này bằng cách phá tan bức tranh trên trần điện Odin, để lộ ra một bức tranh cũ hơn, mô tả những cuộc chinh phạt đẫm máu của 2 cha con trong quá khứ.
Một ví dụ khác là Vulture trong Spider-man: Homecoming . Hãng dọn dẹp vật liệu xây dựng của hắn bị phá sản khi hợp đồng sửa chữa thiệt hại ở New York sau sự kiện Avengers được chuyển nhượng sang cho một công ty con của Tony Stark/Iron Man và chính phủ Mỹ. Chính là Stark, nhà tỉ phú từng sản xuất vũ khí với khối tài sản thừa hưởng lại từ cha mình. Vulture chỉ ra rằng chính những kẻ gây ra đổ vỡ lại đang được trả tiền để dọn lại đống đổ nát.
Hắn đay nghiến: "Những kẻ ngồi trên cao, bọn lắm tiền nhiều của, chúng có thể làm bất cứ thứ gì. Chúng ta xây đường xá và chiến đấu trong các cuộc chiến của chúng. Nhưng chúng không quan tâm đến chúng ta." Đó là một tâm trạng hoàn toàn có thể thấu hiểu bởi tầng lớp trung lưu ở Mỹ, và là một bước tiến dài từ "gây sự với một người là gây sự với tất cả."
The Dark Knight Rises – phần 3 trong dòng phim Batman của Christopher Nolan được ra mắt vào thời điểm phong trào Occupy Wall Street (Chiếm lấy phố Wall) đang lên cao ở Mỹ, và cuộc chiến giai cấp đang bắt đầu bén lửa. "Khi cơn bão tới, tất cả các người sẽ phải tự vấn bản thân về cuộc sống xa hoa của mình và chẳng chừa lại chút gì cho phần còn lại của xã hội." Anne Hathaway trong vai Catwoman mỉa mai vào tai Bruce Wayne trong một buổi tiệc.
Kẻ phản diện trong phim, Bane của Tom Hardy, đã đánh sập cả tập đoàn Wayne, vạch mặt những dối trá chính trị, và kích động một cuộc nổi dậy ngay trong thành phố Gotham. Thậm chí có lúc, hắn và đồng bọn thực sự đã "chiếm lấy phố Wall". "Chúng ta chiếm lại Gotham từ bọn đồi bại! Bọn nhà giàu! Những kẻ thống trị đã đè nén các bạn qua nhiều thế hệ với những huyễn hoặc về cơ hội, và chúng ta sẽ trả lại cho các bạn… người dân." Cũng phải nhắc lại rằng, Bane đang là kẻ xấu trong câu chuyện này. Thế nên ngay sau đó, cuộc nổi loạn của hắn bắt đầu biến tướng thành những cuộc xử án công khai, thanh trừng và bạo lực đường phố.
Cũng như mọi khi, Batman lại được làm anh hùng, giành lại trật tự và hi sinh bản thân cho những người dân Gotham (đại loại thế). Bộ phim chạm ngõ những lý tưởng chính trị cấp tiến, nhưng cuối cùng vẫn chùn bước và để chỗ cho những màn hành động nghẹt thở.
Quay trở lại với Thanos của Infinity War. Ngay từ cái tên của hắn là người ta đã thấy không phải người tốt. Nhưng hắn cũng không hẳn là một kẻ xấu truyền thống. Hắn không hề muốn gây dựng một đế chế, trở nên giàu có, hay những thứ thông thường mà kẻ xấu hay theo đuổi. Hắn chỉ muốn lập lại cân bằng cho vũ trụ mà không phân biệt giai cấp. "Vũ trụ thì có hạn, tài nguyên càng ít hơn. Nếu không kiểm soát lại, sự sống sẽ biến mất," Thanos giải thích. "Quá nhiều miệng ăn, và không đủ thức ăn." Khó có thể nói đó là một tư tưởng xấu xa.
Thật ra cách làm của hắn vẫn quá tàn nhẫn, nhưng luận điểm đó vẫn có logic nhất định. Biến đổi khí hậu và sự tàn phá môi trường thật sự là những mối đe dọa không thể chối cãi. Sự tồn tại của con người là không vững vàng. Nhưng Avengers vẫn cần có đối thủ để chiến đấu. Thay vì tranh luận về những triết lý như vậy và thừa nhận rằng có nhiều điều cần phải thay đổi, các anh hùng một lần nữa xả thân chiến đấu quên mình để giữ nguyên hiện trạng thế giới.
Dù sao thì, có một điều Thanos cũng đã làm được trong Infinity War chính là hợp nhất những nhánh đang bị chia cắt của Avengers. Họ lại trở lại làm người tốt. Trước những đe dọa đến sự tồn vong cho cả hành tinh, họ không còn vướng bận về những bất đồng khác nữa. Và thông điệp cuối cùng chính là sự lắng nghe lẫn nhau giữa người với người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng