Khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất mọi thời đại: Vét sạch túi góp hơn 200.000 USD cho con lập Amazon dù 'chẳng hiểu nó kinh doanh gì', giờ thì cha mẹ Jeff Bezos cũng là tỷ phú

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất mọi thời đại: Vét sạch túi góp hơn 200.000 USD cho con lập Amazon dù 'chẳng hiểu nó kinh doanh gì', giờ thì cha mẹ Jeff Bezos cũng là tỷ phú

    Năm 1995, Jackie và Mike Bezos đã bỏ ra 245.573 USD góp vốn đầu tư vào website thương mại điện tử còn non trẻ của người con trai. Thời điểm đó, Mike Bezos - bố dượng của tỷ phú giàu có nhất hành tinh Jeff Bezos nghĩ rằng đó là một món đặt cược đầy rủi ro (Cha ruột Jeff Bezos đồng ý để Mike Bezos nhận ông là con nuôi khi mới 4 tuổi sau khi li hôn với bà Jackie. Từ đó Jeff đổi tên và họ theo cha dượng).

    Điều khiến ông Mike do dự khi ấy chủ yếu là vì Jeff muốn từ bỏ cuộc sống và công việc nhẹ nhàng ở phố Wall để theo đuổi thứ gì đó nhiều rủi ro hơn.

    Khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất mọi thời đại: Vét sạch túi góp hơn 200.000 USD cho con lập Amazon dù chẳng hiểu nó kinh doanh gì, giờ thì cha mẹ Jeff Bezos cũng là tỷ phú - Ảnh 1.

    Đây có lẽ là khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất mọi thời đại.

     Mẹ của Jeff thì khuyên Jeff thử mạo hiểm nhưng chỉ coi công việc đó như nghề tay trái, thay vì từ bỏ tất cả mọi thứ khác. Nhưng Jeff nói với bà: "Không, thế giới đang thay đổi rất nhanh và con buộc phải chạy theo nó".

    Ông Mike nhớ lại thời điểm đó dù có thấy kế hoạch kinh doanh của con nhưng cũng "chẳng hiểu gì". Mặc dù vậy họ vẫn quyết bỏ toàn bộ số tiền dành dụm để đầu tư vào công ty của con trai. Bản thân Jeff Bezos cũng phải cảnh báo bố mẹ mình về nguy cơ họ sẽ mãi mãi không thể thu hồi lại được số tiền này: "Con muốn bố mẹ hiểu việc này rủi ro đến mức nào. Con chỉ mong về nhà ăn tối vào lễ Tạ ơn mà không khiến bố mẹ phát điên lên", Jeff nhớ lại.

    Nhưng may mắn đã mỉm cười với cả gia đình họ. Khi công ty IPO, số cổ phần mà cha mẹ Jeff nắm giữ có thể trị giá 30 tỷ USD theo giá trị thị trường hiện tại của Amazon. Nếu như vậy, họ còn giàu hơn cả nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen - người giàu có thứ 30 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

    Lượng cổ phần của ông bà Bezos không được công khai kể từ cuối năm 1999. Hiện không rõ họ còn sở hữu bao nhiêu cổ phần nhưng việc tiếp tục hiến tặng cổ phiếu Amazon cho quỹ từ thiện mà họ thành lập cho thấy cặp đôi này vẫn kiểm soát một lượng tài sản rất lớn ở công ty giá trị lớn thứ 2 thế giới này.

    Theo dữ liệu từ chuyên trang thu thập số liệu GuideStar thì cha mẹ Jeff Bezos đã quyên góp tổng cộng 595.027 cổ phiếu Amazon cho Bezos Family Foundation kể từ năm 2001 tới 2016. Số lượng 25.000 cổ phiếu mà họ cho tặng vào năm 2016 trị giá khoảng 20 triệu USD thời điểm đó. Quỹ từ thiện này tập trung vào việc nâng cao giáo dục cho người trẻ.

    Nếu họ chưa bán hoặc cho làm từ thiện bất kỳ cổ phiếu nào, cặp đôi này sẽ sở hữu 16,6 triệu cổ phiếu - tương đương 3,4% cổ phần công ty - biến đây trở thành những cổ đông lớn thứ 2 tại Amazon, sau con trai mình.

    Khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất mọi thời đại: Vét sạch túi góp hơn 200.000 USD cho con lập Amazon dù chẳng hiểu nó kinh doanh gì, giờ thì cha mẹ Jeff Bezos cũng là tỷ phú - Ảnh 2.

    Tính toán sơ bộ của Bloomberg các trường hợp có thể xảy ra với lượng cổ phiếu mà cha mẹ Jeff Bezos đang nắm giữ ở Amazon

    Tỉ suất lợi nhuận mà cha mẹ Jeff Bezos nhận được trong trường hợp này có thể vào khoảng 12 triệu % - mức mà bất kỳ nhà đầu tư mạo hiểm nào cũng phải khao khát. Đến thời điểm này, mới chỉ xuất hiện một vài khoản đầu tư có tỉ suất lợi nhuận tới hàng trăm nghìn % như khoản 20 triệu USD của Softbank đầu tư vào Alibaba mang về mức lợi nhuận 720.000% kể từ năm 2000. Hay một con số ấn tượng khác phải kể đến là tỷ suất lợi nhuận gần 36.000% mà Sequoia Capital thu về thời điểm Facebook mua lại WhatsApp vào năm 2014 với mức giá 22 tỷ USD.

    "Là những người nhập cư, chúng tôi đã rất may mắn khi sống sót được ở nước ngoài và vẫn tiết kiệm được một số tiền nhỏ để trở thành một nhà đầu tư thiên thần. Mọi chuyện sau đó là do lịch sử", Mike Bezos nói.

    Ông Mike đã mua 582.528 cổ phiếu Amazon vào tháng 2/1995 theo bản cáo bạch nộp lên vào năm 1997. 5 tháng sau đó, Jackie Bezos mua 847.716 cổ phiếu. Gia đình của Bezos nắm lượng cổ phiếu này thông qua 4 quỹ tín thác theo dữ liệu vào cuối năm 1999. The Jacklyn Gise Bezos 1996 Revocable Trust nắm 8,9 triệu cổ phiếu, theo sau đó là Miguel A. Bezos 1996 Revocable Trust với 4,8 triệu cổ phiếu trong khi đó Bezos Family Trust và Bezos Generation Skipping Trust nắm giữ lần lượt 2,9 triệu cổ phiếu và 675.000 cổ phiếu.

    Theo chuyên gia Eduardo Gruener - đồng sáng lập GFF Capital thì bất kỳ chuyên gia tư vấn tài sản nào cũng sẽ khuyên gia đình như Bezos đa dạng hoá sở hữu cổ phần của họ như vậy.

    Sau khi tính toán dựa trên các tài liệu về quá trình mua bán trong lịch sử và các món làm từ thiện được tiết lộ thì Bloomberg nhận định rằng ông bà Jackie và Mike Bezos vẫn sở hữu khoảng 10 tỷ USD cổ phiếu Amazon, biến họ thành tỷ phú đôla, ngồi cùng danh sách với con trai mình.

    Thậm chí ngay cả khi cặp đôi này bán đi toàn bộ cổ phần của Amazon ở mức giá thấp nhất có thể thì họ vẫn có thể thu về 100 triệu USD.

    Một vài tài liệu khác mà Bloomberg thu thập được cũng cho thấy vận may còn tới với cả các anh chị em gồm Mark và Christina của Jeff Bezos. Mỗi người này đã mua 30.000 cổ phiếu Amazon với mức giá 10.000 USD vào năm 1996. Nếu số lượng này còn nguyên vẹn, mỗi người đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 640 triệu USD.

    Nhìn chung khi mà Amazon, Alphabet và Apple đang ngày một tiếp cận gần hơn tới cột mốc vốn hoá thị trường 1 nghìn tỷ USD thì thế giới có thể còn có vô số những tỷ phú đôla ẩn danh khác. Chỉ những người trong nội bộ tập đoàn hoặc cổ đông với lượng cổ phần lớn hơn 5% mới có được quyền được biết cấu trúc sở hữu cổ phần của công ty. Trong trường hợp của Apple, điều này có nghĩa là những cá nhân đang nắm lượng cổ phiếu có giá trị trên 46,7 tỷ USD mới có được đặc quyền đó.

    Câu chuyện kể trên chỉ để nói rằng, nhìn chung thì phụ huynh của Jeff Bezos đã thực sự "trúng quả" khi đặt cược vào cậu con trai của họ. "Mức siêu lợi nhuận như vậy không nhiều. Cứ thử thay thế Amazon bằng một cái tên khác, kết cục có thể là một cơn ác mộng", Gruener - một chuyên gia tư vấn tài sản nói.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày