Khởi nghiệp bằng dán điện thoại online với thu nhập tiền triệu/ngày: Không phải là chuyện bất khả thi
Sáng tạo và biết cách nắm bắt cơ hội, cộng thêm một chút bản lĩnh, kiên trì nữa thì mọi thứ đều có thể được hiện thực hóa và thỏa mãn ước mơ kinh doanh của bản thân.
Khởi nghiệp trong suốt những năm gần đây đang nổi lên là một xu thế trên toàn thế giới. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của những loại hình dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực công nghệ, can thiệp trực tiếp vào từng khía cạnh nhỏ của đời sống. Nước ta cũng đang trong giai đoạn phát triển, mở cửa thị trường và đầu tư, từ đó việc ngày càng nhiều loại hình dịch vụ nổi lên đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khách hàng cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, chưa kể đến quy mô lớn hay nhỏ, dù nhiều tiềm năng hay đầy mạo hiểm thì không phải hình thức nào cũng gặt hái được thành công nhất định cũng như quyết tâm bám trụ và phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Vậy mà một mô hình dịch vụ kinh doanh mới gắn liền với chiếc smartphone thân yêu của bạn lại đang thu về những khoản doanh thu mơ ước đối với nhiều người: Dán điện thoại lưu động, online.
Lần này, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nhân vật chính của câu chuyện: anh Nguyễn Văn Quang. Qua cuộc trò chuyện thân mật, vui vẻ, anh tỏ ra là một người khá cởi mở, sẵn sàng chia sẻ những khía cạnh sâu sắc trên con đường khởi nghiệp của mình. Hiện tại, anh cùng một vài đồng nghiệp khác đang làm chủ dịch vụ dán điện thoại của riêng mình và tiếp tục từng bước phát triển, hoàn thiện hơn trong quá trình kinh doanh. Vậy, có điểm gì đặc biệt ở dịch vụ này mà dù nghe qua có vẻ nhỏ bé nhưng lại có sức hút tiềm ẩn với khách hàng như vậy?
1. Khởi đầu cho ý tưởng
Thông qua lời kể của anh, chúng tôi được biết loại hình này đi vào hoạt động đến nay đã được hơn 2 năm. Ban đầu anh học tập mô hình từ một người bạn, sau đó bắt đầu dấn mình phải tự thân vận động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sót. “Phải thử nhiều cách chứ, tiếp đến là tính toán cả về khu vực, địa bàn chính, sau lập kế hoạch tạo dựng thương hiệu để thu hút sự chú ý, quan tâm từ phía khách hàng hay những người có nhu cầu,” anh Quang chia sẻ. Được biết, anh đã tốn đến vài tháng để học cách vật lộn với những gian nan, bao gồm việc tìm hiểu thị trường, dần dần khắc phục từng nhược điểm để rồi thích nghi và đi lên từ lúc ấy.
Nói về động lực và lý do để anh nảy lên ý tưởng kinh doanh của mình, anh không ngần ngại cho biết mình đơn giản chỉ biết cách đánh giá và nắm bắt xu thế của thị trường hiện tại cũng như tâm lý con người trong thời đại phát triển nói chung và khách hàng nói riêng. Cụ thể, các lĩnh vực kinh doanh tiếp cận qua loại hình online cũng như sự phổ biến của smartphone là điều mà ai cũng nhận thấy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là mảnh đất màu mỡ cho các hình thức phục vụ tận nơi, trực tiếp tại chỗ, chẳng hạn như shopping online hay gọi đồ ăn ship hàng tận nơi vậy. “Như thể chúng ta đang ngày càng lười đi và muốn được phục vụ nhiều hơn, không phải động tay động chân vào việc gì cả,” anh Quang hài hước nhận xét.
“Thật ra khối lượng công việc nói chung cũng đòi hỏi chiếm nhiều thời gian, nên không hẳn là thời tiết khắc nghiệt hay không, mà đơn thuần là người ta không có nhiều lúc rảnh rỗi để quan tâm chăm chút đến những thứ nhỏ bé xung quanh. Có thể thấy giờ đây rất ít người chịu mất công tự mình di chuyển đến một cửa hàng phụ kiện chỉ để tìm một tấm dán màn hình cho điện thoại cả. Do đó dù nhiều người có thể coi đây chỉ là khía cạnh nhỏ trong đời sống nhưng lại có tiềm năng khai thác lớn vì hiện không có nhiều người nhận ra để đầu tư vào thị trường này.”
2. Cách thức hoạt động, triển khai
Ở thời điểm này, anh Quang đang làm việc cùng một đội ngũ khoảng 10 người, trong đó tầm 6 người chuyên đồng hành với anh ở những khu vực dễ khai thác quanh Hà Nội, còn lại thì tách ra và thử sức ở những địa phận xa hơn. Nhóm của anh sử dụng phương pháp quảng bá offline khởi đầu bằng tờ rơi. Nghe có vẻ đơn giản và bình thường nhưng sự thực thì lại không hề như bạn hình dung.
Theo lời anh: “Dù mọi người nghĩ rằng tác động và mức độ ảnh hưởng của hình thức quảng bá này là không đáng kể, nhưng thực ra chỉ cần một phần nhỏ thôi cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Cụ thể, bản thân khách hàng hay người đi đường khi nhìn vào một cửa hàng cố định chuyên dán điện thoại sẽ không có nhiều động lực và thu hút nhiều, nhưng nếu có một sự tác động gián tiếp như tờ rơi hay lời nói truyền nhau thì sẽ khác.”
Khi được hỏi về mật độ khách trung bình mỗi ngày, anh cho biết mình rất hiếm khi vắng khách gọi đến. Đơn giản, đội ngũ của anh hoạt động theo phương châm chủ động đi tìm khách chứ không thụ động để khách tự tìm đến như các cửa hàng thông thường. Do đó, thời gian tưởng như tốn kém để di chuyển nhưng thực ra vẫn tiết kiệm được hơn rất nhiều so với việc chỉ ngồi chờ dài cổ mà không có khách nào chịu để tâm đến cửa hàng.
Một điều khá độc đáo mà mọi người cần biết đó là mọi công đoạn, kỹ thuật dán điện thoại, đặc biệt là ở vị trí màn hình, đều không được lấy từ các tấm dán theo khổ cho sẵn mà là cắt thủ công bằng tay trực tiếp ngay tại chỗ. Lý giải cho việc này, anh Quang nhận định: “Đa số ngày xưa smartphone có nhiều nguồn cung cấp miếng dán sẵn, nhưng ngày nay do nhiều thương hiệu và mẫu mã điện thoại mới nổi lên, kích thước tùy chỉnh cho màn hình cũng vì thế mà tăng đáng kể, với cả xu thế giờ đây sử dụng kính cường lực là nhiều nên chẳng nhiều nơi có nguồn hàng đủ phong phú để phù hợp với mọi nhu cầu của khách.”
Khách hàng có thể tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình cắt miếng dán của anh, bằng những đường nét mềm mại ôm sát theo viền màn hình, tinh tế ở từng góc cạnh, tùy tay biến hóa sao cho lộ ra phần loa thoại và cảm biến mặt trước. “Cắt bằng tay muốn đẹp và chuẩn xác thì cũng khá khó và phải luyện tập kỹ thuật nhiều thôi. Ý thức xác định rõ quyết tâm theo nghề thì sẽ luyện được tay dẻo, cắt đẹp, còn nếu chưa thực sự nhận thức nghiêm túc thì chắc phải mất lâu hơn nhiều.”
Về mặt chất lượng, anh cũng khẳng định là những sản phẩm qua tay mình đều đẹp hơn hầu hết những cửa hàng khác hiện nay. Đây là điều mà bất kỳ một khách hàng nào cũng phản hồi và đánh giá thực tế. Hơn nữa, họ cũng hài lòng ở những mẫu mã dán điện thoại để chọn lựa rất đa dạng và hiếm có so với thị trường chung.
3. Phương thức tiếp cận thị trường
Theo kế hoạch hiện thời, anh Quang cùng nhóm của mình vẫn chủ yếu gắn bó với hình thức PR offline, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, anh cũng cho biết mình đang dự định tiến dần vào lĩnh vực online, cụ thể là khả năng về việc thành lập nên một nền tảng web với cơ chế tương tự như Uber Taxi để khách hàng - người dùng smartphone – có thể theo dõi liên hệ bất cứ khi nào.
“Vì quy mô nhân lực chưa lớn và tầm ảnh hưởng, bao quát theo khu vực cũng chưa thực sự đa dạng nên việc mở hình thức online quá sớm có thể đi kèm nhiều hạn chế, rủi ro khi không làm vừa lòng khách hàng, đánh đổi chất lượng dịch vụ. Bọn anh chủ yếu hoạt động ở quận Cầu Giấy và Thanh Xuân hoặc lân cận, chứ giả sử như khách hàng ở xa có nhu cầu nhưng chưa chắc đã có người đảm nhận khu vực đó, và nếu đúng như vậy thì thời gian di chuyển có lẽ sẽ tương đương với vài người khách khác ở bán kính gần đây rồi,” anh Quang cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về quan điểm liên quan đến sự ra đời của một fanpage trên Facebook hỗ trợ cho quá trình kinh doanh, anh thẳng thắn nhận định rằng dù có đi theo hướng đó thì cũng chỉ là bước đệm, vì anh muốn đầu tư công sức vào hình thức tiếp cận offline là chính. Chất lượng dịch vụ và danh tiếng thương hiệu vẫn là thứ mà anh chú tâm đến gây dựng đầu tiên, chứ không phải tầm phổ biến và bao quát lớn.
4. Tiềm năng quảng bá, mở rộng quy mô
Bên cạnh việc tính toán những bước dự trù cho việc mở trang web như vấn đề phụ trách và quản lý IT, anh cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ thống cộng đồng người tiêu dùng liên kết với nhau theo mô hình đa cấp. Cũng phải nói thêm, đa cấp về bản chất không phải một hình thức xấu, mà đây đích thực là một phương thức marketing tuyệt vời liên quan đến mục đích tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng qua những cách thức gần gũi, nhờ đó tiết kiệm nhiều chi phí mà lại nhân rộng quy mô.
Việc nhiều người có chung suy nghĩ, định kiến xấu về kinh doanh đa cấp là do cách nó bị một vài tên tuổi doanh nghiệp trước đây ở nước ta lợi dụng để trục lợi, lừa đảo tiền của người được giới thiệu, chứ về cơ bản hình thức này không đáng bị lên án, ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng áp dụng rất thành công để tăng lợi nhuận một cách hợp pháp.
Mẫu mã đa dạng phù hợp với nhiều loại máy
Về phần quan điểm của mình, anh Quang hy vọng mình sẽ thử nghiệm tốt mô hình đó, mở đầu bằng những ưu đãi hấp dẫn như giảm giá tỷ lệ thuận theo số lần giới thiệu dịch vụ đến một khách hàng khác, hoặc mở những chương trình trao thưởng định kỳ để tăng sức hút đối với thị trường. Lợi ích thu được sẽ hiệu quả hơn nhiều so với các kiểu hình quảng cáo, PR bằng nội dung, hình ảnh thông thường khác, vì đây là yếu tố tác động trực tiếp đến tâm lý khách hàng thông qua tương tác giữa con người với con người sau mỗi lần sử dụng dịch vụ và chia sẻ lại cho nhau.
Ngoài ra, danh sách các mặt hàng kinh doanh có thể được mở rộng thêm trong tương lai, bao gồm một số dòng điện thoại tầm trung giá rẻ được nhiều người săn đón, hay kết hợp khuyến mãi khi mua hàng với những phụ kiện liên quan như ốp lưng, tai nghe… tùy theo ý thích của khách. Dù sao thì đây vốn cũng là lĩnh vực được nhiều người tập trung từ trước rồi, nên anh chỉ lấy nó làm đòn bẩy cho mục tiêu chính của mình mà thôi.
5. Ưu điểm/nhược điểm tồn tại và cạnh tranh thị trường
Nói về khía cạnh đóng vai trò chủ chốt cho những bước đi kinh doanh của anh, chúng tôi được biết giá cả cạnh tranh cũng là một phần mà các cửa hàng phụ kiện đang dần gây khó dễ, hoặc một vài người có ý định học tập mô hình này để áp dụng tương tự. Nhưng may mắn là do đã có một kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng giai đoạn, hơn nữa chất lượng sản phẩm cũng phần nào được khẳng định nên bấy nhiêu đó không có gì là quá gian nan với anh cả.
Khi nói đến những cửa hàng bán lẻ thông thường khác, anh không ngần ngại chia sẻ về hiện trạng và những rủi ro tồn tại như mất công thuê mặt bằng, nhập hàng nhiều và phong phú thì mới có thể đáp ứng hết thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng hầu hết không phải lúc nào cũng bán hết hàng, đặc biệt là những mẫu mã dù có thể mới ra mắt nhưng lại không được ưa thích. Chưa kể đến việc lợi nhuận do đó mà cũng bị dàn trải, bão hòa, khó mang lại doanh thu lớn nếu không biết cách thích nghi nhanh chóng.
Với dịch vụ của anh, khách chỉ cần “gọi là có” nên số lượng khách gọi đến không bao giờ thiếu và khan hiếm như tại các điểm bán phụ kiện. Áp lực thời gian cũng nhờ đó mà không hề bị áp đặt như những công việc khác, trong khi doanh thu vẫn đảm bảo tích cực. Địa phận phụ trách cũng gần nên chi phí đi lại hầu như không đáng kể so với tiền lãi thu được.
Một ngày, nếu năng suất, người đảm nhiệm một khu vực có thể tiếp cận được 30-50 khách nhờ dán. Nhờ đó, “thu nhập vài triệu một ngày là chuyện bình thường và khả thi, nhất là ở những khu văn phòng làm việc tập trung, nhiều khi dán xong một khách lại có thêm đồng nghiệp của họ tò mò và thích thú cũng muốn chiếc điện thoại của mình trông độc đáo như vậy.” Quả là một công đa việc!
Nhìn tổng thể, những gì anh Quang đã và đang làm được thực sự là một hình mẫu đáng học tập cho thế hệ ngày nay nói chung và những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp nói riêng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng kinh doanh là một lĩnh vực to tát và cần nhiều kiến thức hàn lâm cũng như những yếu tố áp đặt khác, nhưng thực ra chỉ cần học cách chú tâm đến thực tế, lên kế hoạch từng bước, cộng thêm một chút sáng tạo cũng như can đảm để nắm bắt tiềm năng đột phá trên những con đường cơ hội còn đang bị ẩn giấu là chúng ta đã bước đầu thành công rồi. Hãy kiên trì và bám vững lấy đam mê thì bất kỳ khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng