Không cần tới Elon Musk, những người đàn ông này tự xây hệ thống tích điện Powerwall của riêng mình từ pin laptop cũ
Và họ có cho mình cả một cộng đồng mẫn cán, tận tụy với việc dựng nên những hệ thống tích điện powerwall đó.
- Phát triển thành công pin kẽm, dễ sản xuất và có tuổi thọ lâu hơn so với pin lithium-ion
- Các tấm pin mặt trời lão hóa sẽ là thách thức môi trường lớn với Trung Quốc trong tương lai
- Một báo cáo mới nói pin mặt trời sản sinh ra chất thải độc nhiều lần lò phản ứng hạt nhân
- Trung Quốc muốn "nhấn chìm" Tesla trong biển pin
Vào tháng Năm năm 2015, Elon Musk cho công chúng biết tới sự tồn tại của Powerwall. Đó là một hệ thống pin lưu trữ điện năng trong nhà, có thể lấy điện từ lưới điện được lắp hay từ các tấm pin Mặt Trời. Công nghệ này thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng cái giá 3.000 USD khiến nhiều người phải lắc đầu quay đi. Họ đành phải từ chối sở hữu thiết bị có thể lưu trữ tới 10 kWh điện – bằng với 1/3 lượng điện mà một hộ gia đình Mỹ sử dụng một ngày.
Có lẽ điều đó đã thôi thúc những người ủng hộ việc sử dụng những nguồn năng lượng thay thế tìm những giải pháp thay thế cho nguồn năng lượng Powerwall của Tesla. Họ tự chế tạo cho mình một phiên bản Powerwall khác, tái chế lại những viên pin bỏ đi. Một khi thành công, họ sẽ chia sẻ cách làm với những người đam mê khác. Chẳng bất ngờ khi tồn tại những forum lớn, những nhóm Facebook mẫn cán, những kênh YouTube hướng dẫn chi tiết cách tạo nên những thiết bị như vậy.
“Ấy là tương lai. Nó là năng lượng sạch, đơn giản, hiệu quả và mạnh mẽ”, Jehu Garcia, một trong những người chế tạo powerwall nổi tiếng nhất, nói với phóng viên Motherboard. Anh và nhiều người khác cùng sở thích, đam mê tự tạo nên tương lai của năng lượng sạch cho mình, chứ chẳng chờ một công ty hào nhoáng nào đó dựng nên.
Đa số họ đều tạo ra được những thiết bị lưu trữ điện chứa được nhiều năng lượng hơn Powerwall của Tesla (phát ngôn viên của Tesla cũng từ chối nói thêm về vấn đề này). Một trong số những thành viên của forum Diypowerwall.com còn nói rằng hệ thống powerwall của anh có thể chứa tới 28 kWh. “Toàn bộ ngôi nhà của tôi sử dụng thứ năng lượng này, thực tế tôi còn mua thêm một cái bếp điện về để dùng hết số năng lượng thừa thu được trong mùa hè nhiều nắng”.
Peter Matthews, một YouTuber người Úc và là một trong những “tượng đài” ở lĩnh vực tự xây dựng thiết bị lưu trữ năng lượng powerwall cho hay anh tạo ra được một cục pin có thể lưu trữ tới 40 kWh năng lượng. Lượng năng lượng ấy tới từ hơn 40 tấm pin Mặt Trời được lắp trên nóc nhà anh, và nó được dùng để cung cấp điện năng cho toàn bộ căn nhà. À quên, Matthews chính là người dựng nên DIYpowerwall.com và cũng là người dựng nên nhóm Facebook về powerwall hoạt động mạnh nhất.
Phóng viên cũng gặp cả an Daniem Römer, một YouTuber khác cũng tạo ra được một thiết bị powerwall khổng lồ. Pin của anh Römer có tới 22.500 cục pin nhỏ, chứa tới được 100 kWh điện – gấp 10 lần Powerwall của Tesla. “Hệ thống này được thiết kế để cung cấp năng lượng cho ngôi nhà 10 trên 12 tháng”, anh nói với Motherboard.
Rất nhiều người chế tạo powerwall khác thổ lộ rằng họ được truyền cảm hứng từ anh Garcia. Và những kế hoạch mà anh Garcia dự kiến thực hiện quả thực cực kì ấn tượng: anh dự kiến tạo ra một hệ thống pin khổng lồ có thể chứa được 1 megawatt năng lượng – 1000 kWh. “Nó sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho một xưởng tái chế”.
Đa số những người tự dựng powerwall sử dụng pin lithium-ion, loại thường thấy trong pin đồ điện tử như laptop. Một trong những khó khăn lớn nhất của việc tạo nên một hệ thống lưu trữ năng lượng lớn như vậy, đó là kiếm ra được một lượng pin khổng lồ.
Đi mua thì hiển nhiên là tốn kém, cộng tổng vào khéo còn quá cả giá tiền mua một bộ Powerwall của Tesla về. Đâm ra họ phải dựa vào những viên pin được tái chế, lấy từ những chiếc laptop đã cũ.
Người sử dụng vẫn thưởng quẳng pin đi khi không dùng tới nữa, và anh Garcia nghĩ rằng đó là một sự phí phạm. Bởi lẽ ở trên mạng Internet, không ít những người như anh đang chỉ cho cộng đồng thấy rằng những viên pin kia có thể được tái sử dụng.
Và đúng như thế, nếu như mà không xử lý được đống pin kia, các bãi phế thải sẽ tràn ngập loại rác này. “Khoảng 95% pin được bán trên đất Mỹ không được tái chế và bị ném đi”, Carl E. Smith, CEO của Call2Recycle, một tổ chức tái chế pin hàng đầu cho hay. Và việc đi nhặt từng cục pin ấy về cũng vất vả lắm, thế nên cần những con người mẫn cán, tận tụy với công việc tự dựng powerwall này: vừa tìm được cách lưu trữ năng lượng, lại vừa tái sử dụng được lượng rác thải khổng lồ.
Thế nhưng sự nổi tiếng của powerwall tự chế cũng là con dao hai lưỡi. Người ta cũng tự giữ pin laptop cho mình để tự tạo nên những hệ thống powerwall cho riêng mình, vì thế nguồn pin cũng không dồi dào cho lắm. Bên cạnh đó còn một vấn đề mà chẳng ai rõ tại sao nữa: người tiêu dùng chẳng mấy khi vứt laptop đi, hay mang chúng đi tái chế.
Một vấn đề khác nữa, các công ty sản xuất laptop không giao pin cũ cho bất kì người sử dụng, người mua hàng nào. Cả Dell và HP đều không khuyến khích bất kì ai tự xây powerwall bằng cách tái chế pin của họ. Họ cũng đều nói rằng pin của họ chỉ được tạo ra để sử dụng trong các sản phẩm của họ mà thôi. Lenovo từ chối trả lời, và LG không có động thái phản hồi gì.
Lôi được một lô pin về mới chỉ là bước đầu tiên trong công cuộc dựng nên bức tường tích điện powerwall mà thôi. Từng cục pin phải được thử nghiệm, bởi lẽ không phải cục nào cũng an toàn – điều này được rất nhiều người kiểm chứng. Pin lithion-ion có tuổi thọ riêng của mình, không thể bắt chúng tiếp tục làm việc khi đã quá “tuổi về hưu” được.
Việc “tái chế” pin có nghĩa là bạn phải rút toàn bộ năng lượng trong cục pin đó ra, và sạc vào đầy điện. “Những cục pin này có tuổi rồi ... bạn cần phải gọi chúng dậy bằng cách tái chế nó”, anh Garcia nói.
Khi số lượng pin đã đủ, họ sẽ xếp pin thành từng gói, từng cụm một. Có tâm thay, nhiều nhà cung cấp pin còn bán kèm cả giá đựng pin, nhưng đa số những người tự xây powerwall muốn tự làm từ đầu đến cuối hơn. Làm vậy là để họ có thể chủ động trong việc thay thế những phần hỏng hóc trong quá trình sử dụng.
Đa số họ không treo cái giá hàng trăm cục pin trong nhà, hiển nhiên là vì lý do an toàn.
Và đó cũng chính là vấn đề được quan tâm, và nhắc đến thường xuyên. Liệu những hệ thống powerwall này có an toàn? Nối liền những viên pin có tiềm năng trở thành một quả bom bé tí thành một quả bom to đùng, quả là một quyết định liều lĩnh. Những bài đăng khuyến cáo treo đầy forum, những video khuyến cáo được đăng đầy trên YouTube.
Mà đa số những người thợ tự làm powerwall chẳng phải thợ, chẳng phải kỹ sư cũng chẳng phải thợ điện – họ chỉ đơn giản là có đam mê tự chế mà thôi. Nhưng có vẻ là họ không mấy lo lắng về những mối nguy hại rình rập, bởi bản thân họ cũng là những người cẩn thận, và cộng đồng này vẫn thường xuyên hối thúc nhau phải cài đặt thêm những biện pháp an toàn vào hệ thống nhà mình.
“Trên mạng có rất nhiều video kiểu như: ‘Để tôi cho bạn thấy những viên pin này nguy hiểm đến mức nào’”, anh Garcia nói. “Nhưng nội dung video thì toàn thấy họ cưa đôi những viên pin ấy, hay đẩy vào chúng lượng năng lượng khổng lồ”.
Bản thân những video ấy “ngay từ đầu đã chứa đầy ý phủ định, phản đối rồi”, anh Williams đồng tình.
Nhưng qua thời gian, cộng đồng tự chế powerwall và bản thân những sản phẩm ấy cũng đã tự khẳng định được mình, rằng họ có thể lưu trữ năng lượng một cách an toàn và hiệu quả, thế là toàn bộ cộng đồng cứ dần lớn mạnh lên. Mới đây, họ còn kết hợp được thêm hệ thống quản lý pin vào powerwall của mình, có khả năng báo cho họ biết tình trạng của pin (quá nóng, đang yếu, đã sạc đủ điện, v.v...)
“Tôi thấy trách nhiệm của mình cứ lớn dần lên. Ai đó sẽ làm cháy nhà nếu như chúng tôi không đưa ra những biện pháp chất lượng, những hệ thống đảm bảo an toàn cho những cục pin này”, anh Garicia nói.
Cô nàng phóng viên của Motherboard có thể thấy rõ những nét tươi sáng trên từng khuôn mặt những con người tận tụy xây nên hệ thống powerwall cho mình: họ đều tin tưởng rằng nguồn năng lượng mà họ tạo nên này hoàn toàn xứng đáng với công sức họ bỏ ra, với những rủi ro họ có thể gặp phải. Không chỉ tiết kiệm tiền điện hàng tháng – những đồng tiền vất vả mới kiếm được, họ còn xây nên một cộng đồng tuyệt vời giúp đỡ nhau từng chút một.
“Tôi nghĩ điều tuyệt vời nhất của việc dựng nên một hệ thống powerwall đó là mọi người từ mọi nơi trên thế giới tụ họp lại và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề”, anh Williams hồ hởi nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng