Không chỉ SpaceX của Elon Musk, một công ty tư nhân khác vừa trở thành đối tác mới của NASA
Dường như sau 15 năm âm thầm phát triển, Blue Origin đang trở thành một quả tên lửa bắt đầu được phóng đi với tốc độ kinh hồn.
Blue Origin, công ty tên lửa được thành lập bởi Jeff Bezos, đã trở thành đối tác với NASA để thử nghiệm các chuyến bay có tải trọng ở độ cao dưới quỹ đạo với tên lửa New Shepard.
Như vậy, công ty của Bezos trở thành đối tác thứ sáu được NASA lựa chọn thông qua Chương trình các phương tiện bay tái sử dụng (Suborbital Reusable Launch Vehicle Flight) và chương trình phục vụ Tích hợp Tải trọng (Payload Integration Services). Blue Origin sẽ phải cạnh tranh với các công ty khác, bao gồm Virgin Galactic và World View Enterprises, để giành các hợp đồng trong chương trình này với tổng giá trị có thể lên đến 45 triệu USD.
Hợp đồng với NASA là dấu mốc gần đây nhất của quãng đường phát triển nhanh chóng của Blue Origin trong mấy năm gần đây.
Khởi đầu lặng lẽ nhưng phát triển với tốc độ tên lửa
Cho dù công ty đã được thành lập từ năm 2000, Blue Origin vẫn rất bí mật về kế hoạch, tiến bộ và công nghệ của mình cho mãi đến gần đây. Thậm chí công ty còn không có website chi tiết cho đến gần cuối những năm 2000. Vào đầu năm nay, họ đã tạo ra cơn địa chấn lớn khi lần đầu tiên ông Jeff Bezos mời các phóng viên đến trụ sở của Blue Origin tại Kent, Washington.
Do sự kín đáo về thông tin, phần lớn những gì công chúng nghe nói về Blue Origin chỉ mới bắt đầu từ năm ngoái, nhưng đến nay công ty đang xúc tiến quảng bá về lộ trình phóng và thu hồi lại tên lửa New Shepard.
Vào tháng Tư năm 2015, Blue Origin tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cho tên lửa New Shepard. Từ đó đến nay, mọi thứ đang diễn ra rất nhanh với công ty này.
Vào tháng Mười Một năm 2015, công ty làm nên lịch sử khi hoàn thành lần hạ cánh đầu tiên của New Shepard sau khi nó đã bay vào vùng không gian dưới quỹ đạo.
Khoang hành khách của New Shepard được thiết kế để có thể chở theo một phi hành đoàn sáu người vào không gian, cũng tham gia chuyến bay này. Sau khi khoang hành khách đạt độ cao tối đa 62 dặm (hơn 99 km), nó đã quay trở lại Trái Đất với sự trợ giúp của 3 chiếc dù.
Quá trình phóng và hạ cánh tên lửa, cũng như đưa khoang hành khách trở lại mặt đất bằng dù.
Trong vòng 6 tháng ngắn ngủi sau chuyến bay vào tháng Mười Một của New Shepard, Blue Origin đã phóng và thu hồi tên lửa của họ thêm hai lần nữa. Mỗi lần phóng thử nghiệm cũng bao gồm việc thu hồi khoang hành khách, khi nó dần hạ độ cao xuống mặt đất bằng ba chiếc dù bung ra thành công.
Tầm nhìn tham vọng cho tương lai của Blue Origin
Chuyến bay thứ tư với tên lửa tái sử dụng New Shepard đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong khi ngày chính xác vẫn chưa được xác định, tỷ phú Bezos đã cho biết rằng có thể ngày đó sẽ rơi vào trước khi hết tháng này.
Chuyến bay thử nghiệm lần này được dự tính sẽ có một dù bị lỗi không bung ra trong khi khoang hành khách quay trở lại mặt đất. Trong email của mình gửi đến những người theo dõi, ông Bezos giải thích kịch bản này như là sự mô phỏng lại lần bung dù thất bại của Apollo 15 vào năm 1971.
Lần bung dù hỏng một bên của Apollo 15 năm 1971.
Ngoài ra, trong chuyến thăm quan của các phóng viên vào đầu năm nay, ông Bezos cũng tuyên bố dự định của công ty ông sẽ có chuyến bay thử nghiệm với phi hành đoàn đầu tiên vào năm 2017, và hy vọng sẽ đưa những hành khách trả tiền đầu tiên vào không gian sớm nhất là năm 2018.
Bên cạnh việc hoàn thiện dần khả năng tái sử dụng tên lửa ở tầng dưới quỹ đạo dành cho mục đích nghiên cứu và du lịch không gian, Blue Origin cũng đang hợp tác với Liên minh United Launch Alliance (ULA) nhằm tạo ra một động cơ hiệu năng cao có tên gọi BE-4. Động cơ BE-4 vẫn đang trong quá trình phát triển từ năm 2011 đến nay và sẽ sử dụng nhiên liệu phản lực là khí tự nhiên và oxy hóa lỏng.
Trong khi BE-4 sẽ được sử dụng cho chương trình tên lửa ngoài quỹ đạo tương lai của Blue Origin, nó cũng có thể được bán cho Liên minh ULA để sử dụng cho thế hệ tên lửa tiếp theo của họ, Vulcan. ULA cũng có sự lựa chọn khác cho mục đích này với động cơ AR-1 của Aerojet Rocketdyne, nhưng dường như BE-4 đang là sự lựa chọn ưu tiên hơn.
Ông Jeff Bezos và ông Tory Bruno, CEO của ULA.
Một phát biểu dưới đây của ông Brett Tobey, cựu giám đốc điều hành của ULA, cho thấy phần thắng đang nghiêng về bên nào (ông Tobey sau đó đã bị buộc phải từ chức do phát biểu này):
“Việc này có thể so sánh với việc có hai vị hôn thê, hai cô dâu tiềm năng. Blue Origin như một cô gái siêu giàu, và bên kia là cô gái nghèo, Aerojet Rocketdyne. Nhưng chúng tôi phải tiếp tục đi đến bữa ăn diễn tập như kế hoạch, mua bánh ngọt và những thứ còn lại cho cả hai. Chúng tôi đang làm mọi thứ cho cả hai công ty, nhưng cơ hội để Aerojet Rocketdyne đánh bại vị tỷ phú là khá thấp. Về cơ bản, chúng tôi đang đặt toàn bộ sức lực vào BE-4 của Blue Origin.”
Mười hai tháng qua là một thời gian tốt đẹp cho Blue Origin. Họ đã trở thành công ty đầu tiên phóng, hạ cánh và tái sử dụng các tên lửa không gian (vượt mặt SpaceX của Elon Musk). Động cơ BE-4 của họ có thể sẵn sàng cho chuyến bay trong ba năm nữa và giúp Mỹ chấm dứt sử dụng các động cơ tên lửa của Nga. Và nếu các chuyến bay thử tiếp tục thành công như họ đã làm, họ có thể trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa khách du lịch trong không gian dưới quỹ đạo.
Tất nhiên họ còn một quãng đường dài trước mắt với rất nhiều việc cần phải chứng minh, nhưng Blue Origin đã có một thời gian dài gần 15 năm im hơi lặng tiếng. Giờ đang là lúc họ lấy lại những gì đã mất.
Tham khảo Techcrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng