Không có công nghệ gì cao siêu, đây là cách Apple chinh phục người dùng và cũng là lý do iFan "cuồng" đến vậy

    Liam,  

    Tháng 3/2019, một nhà sản xuất tai nghe không tên tuổi từ Trung Quốc tạo ra cú sốc khi "nhái" được tính năng ăn tiền nhất từ Apple: tự động kết nối khi đưa tai nghe tới gần smartphone. Nhưng, cũng chính vào lúc này, người ta mới nhận ra một sự thật bất ngờ về nhà Táo.

    Sự kiện AirPods ra mắt năm 2016 gắn liền với một tranh cãi lớn của thị trường smartphone: liệu Apple có đúng khi loại bỏ cổng tai nghe và kéo theo một loạt các nhà sản xuất smartphone khác thực hiện bước đi tương tự? Bất chấp tranh cãi đó, AirPods nhanh chóng tạo ra bước ngoặt cho thị trường tai nghe toàn cầu, cùng lúc khai sinh ra một phân khúc tai nghe hoàn toàn mới (True Wireless), nơi Apple vẫn tiếp tục thống trị cho đến ngày hôm nay.

    Một trong những tính năng đỉnh nhất của AirPods là khả năng tự động kết nối khi đến gần điện thoại. Cùng với những tính năng "nhỏ mà hữu ích" khác như tự động ngừng khi bỏ tai nghe khỏi tai hay chạm nhẹ để kích hoạt Siri, tính năng kết nối đơn giản này giúp AirPods nhanh chóng trở thành biểu tượng của tính tiện dụng. Trước Apple, chưa một nhà sản xuất nào khác có thể tạo ra tính năng tương tự - ngay đến cả kết nối "1 chạm" NFC cũng phức tạp hơn.

    Và rồi đến khi AirPods bị nhái, người ta mới nhận ra sự khác biệt của Apple: kết nối "nhiệm màu" của AirPods hóa ra chẳng có gì cao siêu. Không cần dùng đến NFC, cũng chẳng cần dùng đến con chip "thửa" W1 trong máy, nhà Táo chỉ dùng duy nhất sóng Bluetooth "thường" để tự động kết nối AirPods vào iPhone. Cách kết nối đơn giản chỉ là tính toán góc độ di chuyển của tai nghe so với điện thoại: xác định được chiếc AirPods đang tới gần, iPhone sẽ tự động ghép đôi (pair) và phát nhạc.

    Không có công nghệ gì cao siêu, đây là cách Apple chinh phục người dùng và cũng là lý do iFan cuồng đến vậy - Ảnh 1.

    Vẫn chỉ là Bluetooth, không nhà sản xuất smartphone nào khác tạo ra cách kết nối tai nghe thông minh như Apple.

    Lịch sử sản phẩm Apple không thiếu những tình huống tương tự, khi công ty của Steve Jobs/Tim Cook chiến thắng không phải bằng những công nghệ cao siêu mà bằng những giải pháp đơn giản. Apple Watch chẳng hạn. Ra mắt muộn hơn hẳn Android Wear, Tizen và cũng đắt hơn hẳn nhưng Apple Watch vẫn dễ dàng vươn lên đứng đầu thị trường, thậm chí là vượt mặt cả đồng hồ cơ truyền thống. Chìa khóa giúp cho nhà Táo làm được điều này là cơ chế sử dụng "mới mà cũ": thay vì cố nhồi nhét tính năng vào màn hình cảm ứng nhỏ bé của đồng hồ, Apple tìm đến vòng xoay truyền thống. Kết quả là người dùng không phải vật lộn với những nút bấm tí hon nhưng vẫn có thể điều hướng một cách dễ dàng bên trong không gian dưới 2 inch của Apple Watch.

    Đó là một giải pháp siêu đơn giản, thậm chí là đã có trên đồng hồ từ cả thế kỷ trước: từ xa xưa, các hãng đồng hồ đã biết dùng vòng xoay để chỉnh giờ và chỉnh ngày. Nhưng trên chiếc Android đầu tiên – Moto 360, cả Google lẫn Motorola đều chỉ nghĩ đến chuyện dùng linh kiện cơ bản này làm… nút bấm. Tư duy thua kém hơn hẳn về trải nghiệm người dùng đã khiến Android Wear gục ngã trước Apple Watch, dù rằng smartphone Android vẫn đang chiếm thị phần thượng phong trước iPhone, và dù cho Android Wear có lợi thế ra mắt trước Apple Watch hẳn nửa năm.

    Không có công nghệ gì cao siêu, đây là cách Apple chinh phục người dùng và cũng là lý do iFan cuồng đến vậy - Ảnh 2.

    Thành công của smartwatch bắt đầu từ một linh kiện vốn đã có trên đồng hồ cơ từ vài chục năm trước.

    Cũng chính một loại vòng xoay khác đã làm nên lịch sử cho Apple: ClickWheel trên iPod. Trong thời đại nhạc số vừa mới lên ngôi, các nhà sản xuất mp3 cùng thời không hiểu vì sao luôn bắt người dùng duyệt bài hát bằng cách nhấn từng nút bấm để chuyển bài trong những danh sách hàng chục hay thậm chí là hàng trăm bài hát. Vòng xoay ClickWheel của iPod là một giải pháp đơn giản đến đáng ngạc nhiên, và một lần nữa đó chẳng phải là thứ gì xa xôi khi các loại máy nghe nhạc đã dùng núm xoay để chỉnh âm lượng, chỉnh âm thanh hay chọn kênh từ rất lâu rồi.

    Hay như trường hợp của iPad: so với những chiếc tablet chạy Windows 7 cùng thời, máy tính bảng của Apple kém cỏi tính năng hơn hẳn. So sánh giữa iPad và Lenovo X201 hay Fujitsu Lifebook là so sánh giữa "iPhone phóng to" và PC đầy đủ. Song, chính điều này lại giúp cho iPad trở thành dòng tablet thành công đầu tiên trong suốt lịch sử điện toán. Vì chỉ mang giao diện iPhone OS phóng to, iPad dễ sử dụng hơn hẳn, trở thành loại thiết bị cá nhân lấp nốt chỗ trống còn lại trong nhu cầu của người dùng, cho giải trí, cho lướt web đơn giản. Còn tablet Windows 7, cũng giống như tablet Windows XP từ đầu thập niên 2000, do quá nhồi nhét tính năng nên cồng kềnh và khó sử dụng.

    Nói nôm na, giải pháp của Apple để giải quyết vấn đề của máy tính bảng chẳng phải là công nghệ màn hình hay chip gì mới, mà chỉ là phóng to giao diện mà thôi.

    Không có công nghệ gì cao siêu, đây là cách Apple chinh phục người dùng và cũng là lý do iFan cuồng đến vậy - Ảnh 3.

    Đi vào lòng người bằng những giải pháp đơn giản mà không ai khác nghĩ đến.

    Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng Apple chưa từng tung ra những tuyệt phẩm công nghệ đúng nghĩa. Năm 2007, khi iPhone ra mắt, CEO Mike Lazaridis của BlackBerry đã từng phải thốt lên "Chúng ta đang cạnh tranh với máy Mac chứ không phải là với Nokia nữa". Chiếc iPhone khi đó không chỉ tiên phong cho công nghệ cảm ứng điện dung và giao diện multitouch trực quan mà còn là một trong những mẫu smartphone đầu tiên sử dụng kiến trúc giống-PC.

    Song, mấy ai có thể hiểu được sự vượt trội ấy của nhà Táo. Nhắc đến các thiết bị công nghệ vẫn là nhắc đến một thế giới sản phẩm đại chúng, nơi tính tiện dụng phải được đặt lên trên tất cả. Bảo sao mà người ta chỉ coi Apple là vua design trong thế giới công nghệ: không cần thứ gì cao siêu, Apple tìm thấy sự thiên tài trong những điều nhỏ nhặt nhất.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày