Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi!

    PAV,  

    Dù chưa thành công, nhưng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm các phương pháp khác để tìm ra công thức chuẩn cho món ăn này.

    Một ngày đẹp trời, tôi nhận ra máy tính của mình không thể khởi động được như bình thường. Một "phép màu" nào đó đã khiến cho chiếc SSD có tuổi đời 3 năm của tôi không còn xuất hiện trong list ổ cứng nữa.

    Không còn cách nào khác, để có máy sử dụng trở lại tôi buộc phải mua một chiếc ổ mới, nhưng còn ổ hỏng này làm gì được nhỉ?

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 1.

    Hóa ra bên trong cái hộp to đùng này, SSD chỉ bé tí như vậy.

    Trong đầu tôi chợt nhớ tới phương pháp cứu ổ cứng của thanh niên Cao Thanh Lâm đình đám trong làng điện ảnh Việt Nam...

    Lý Thuyết có thật

    Làm giống Cao Thanh Lâm là nói đùa, thực tế trên thế giới cũng có 1 phương pháp cứu ổ cứng SSD mà chúng ta từng được biết.

    Còn nhớ cách cứu chiếc LG G4 đột tử không? Lý thuyết cứu SSD cũng vậy, quăng nó vào lò nướng!

    Các thiết bị điện tử thường hỏng do trong quá trình hoạt động bị sinh nhiệt làm cho 1 số chân hàn linh kiện bị bong hoặc mất khả năng dẫn điện. Việc bỏ linh kiện vào lò nướng có thể giúp thiếc hàn chảy ra và kết dính lại các chân này.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 2.

    Đây là chiếc SSD 256 GB chưa "chín"

    Nhân tiện có cái SSD bệnh viện trả về, tôi thử làm theo lý thuyết này một chút và ghi lại những thông tin mà mình nhận được trong bài viết này.

    Đặc biệt chú ý: Không thử nghiệm những việc này tại nhà. Vì khi đun nóng linh kiện điện tử, kim loại nặng sẽ bay hơi vào ám vào đồ dùng trong nhà hoặc trực tiếp gây hại tới cơ thể người. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu thí nghiệm gây ra hậu quả đáng tiếc.

    Không có lò nướng, dùng tạm bếp gas vậy

    Muốn thí nghiệm nhưng không có lò nướng, tôi trộm nghĩ, nướng cá mình vẫn dùng bếp gas vậy thì SSD chắc là cũng...

    Để tránh ngọn lửa tiếp xúc trực tiếp với bảng mạch và cũng là để giữ cố định các linh kiện nằm yên trên bảng mạch khi các mối hàn bắt đầu chảy lỏng, tôi đã sử dụng giấy bạc nướng cá vẫn sử dụng trong các món ăn cao cấp.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 3.

    Bọc nhiều lớp giấy bạc nướng cá.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 4.

    Cuộn thật chặt, để giấy nhôm áp sát vào mặt linh kiện, giữ cho chúng không rơi khỏi bảng mạch.

    Gọi là giấy bạc nhưng thực tế nó là giấy nhôm. Thiếc hàn sẽ chảy lỏng ở nhiệt độ khoảng gần 200 độ C nhưng giấy nhôm thì cần tới hơn 600 độ mới chảy nên đây là loại vật liệu khá hợp lý.

    Lý thuyết khá ngon lành, chắc nướng cũng đơn giản thôi!

    Để đảm bảo hơn, tôi còn dùng thêm 2 bản kim loại kẹp vào 2 mặt của gói cá... À không gói SSD cho chặt và tránh nhiệt trực tiếp.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 5.

    Kẹp thế này cho chắc.

    Nổi lửa lên em!

    Theo bài hướng dẫn của các "cao thủ" sửa đồ điện tử bằng lò nướng thì chúng ta chỉ được nướng nó ở nhiệt độ 380 đến 400 độ C trong vòng 8 phút và bỏ ra để đến khi nguội hẳn.

    Nhiệt của bếp gas rơi vào khoảng hơn 600 độ C, vậy chắc chỉ cần 2-3 phút là ổn, tôi nghĩ trong đầu.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 6.

    Để dễ lật, tôi còn mạnh dạn cho nó vào cái vỉ nướng chả hết sức chuyên nghiệp và bắt đầu nướng mỗi mặt hơn 1 phút ở mức lửa to nhất. Thao tác nướng trông y như mẹ tôi nướng mực trong một buổi liên hoan gia đình.

    Kết quả

    Món SSD nướng bắt đầu có mùi, tôi tắt bếp, bật quạt và chờ nguội.

    Món SSD nướng đầu tay!

    30 phút sau, bóc từng lớp giấy bạc với tâm trạng khá hưng phấn, xem thành quả của mình tạo ra.

    Thật đáng tiếc, những thứ mình nghĩ và thực tế diễn ra hoàn toàn khác nhau. Bảng mạch hơi bị quá lửa nên chuyển sang một màu đen rất đều và đẹp, đâu đó còn thấp thoáng những mẩu giấy bạc bám lại trên ổ, nếu đây là 1 con cá nướng thì những chỗ cháy xém này là những phần tuyệt vời nhất.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 8.

    Chân SATA không bị chảy phần nhựa nhưng chân đồng thì đã bị xô lệch.

    Bảng mạch phồng rộp lên giống như bánh đa nướng, các linh kiện vẫn còn nằm nguyên ở vị trí, các mối hàn chắc đã tốt trở lại.

    Phần chân cắm SATA bằng nhựa tưởng sẽ bị chảy ra thành nước thì lại không hề hấn gì, vẫn còn nguyên hình như lúc ban đầu, chỉ có phần chân đồng tiếp xúc thì bị cong lên vào xô lệch.

    Không có lò nướng bánh, tôi đã thử tự cứu SSD bằng bếp gas, các bạn đừng như tôi! - Ảnh 9.

    Bề mặt của NAND bị phồng rộp chắc là khó "thọ".

    Kinh nghiệm thu được từ thí nghiệm đầu tiên

    Không phải là thợ sửa chữa, cũng chẳng phải đầu bếp, đây là lần đầu tiên tôi thử nấu món SSD nướng dựa trên những công thức làm món SSD bỏ lò truyền thuyết đã tồn tại nhiều năm trên Internet.

    Dù không thành công nhưng tôi đã có 1 số trải nghiệm thực hành khá thú vị

    - Bếp gas nhiệt quá lớn và nhanh, nếu lần sau có thử tôi sẽ để cách mặt bếp khoảng 15 cm và hơ nóng trong thời gian dài thay vì bật to lửa vừa nướng chín nhanh như lần này.

    - Nướng SSD cần một nguồn nhiệt thấp (khoảng 300 độ) và gia tăng nhiệt một cách chậm rãi. Ít nhất là nó sẽ còn nguyên hình.

    - Nên tháo chân SATA khỏi mạch trước khi nướng, hoặc ít nhất cần dùng những mảnh kim loại cứng để bảo vệ phần chân cắm, nếu không dù có thành công cũng không thể kiểm tra được.

    Đôi lời kết

    Quả thực, hướng dẫn nghe thì khá đơn giản, nhưng làm theo thì cũng không ít đau thương. Tôi sẽ tìm thêm những chiếc SSD hay USB hỏng để thực tập thêm tay nghề đầu bếp của mình và tiếp tục gửi tới các bạn những trải nghiệm mà tôi có được.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày