Không còn là 'bộ não', Arm giờ tự làm CPU: Đối đầu Intel, AMD và ‘hút máu’ nhân sự từ chính khách hàng?

    Anh Việt,  

    Bên cạnh việc tự sản xuất CPU, Arm còn đang ráo riết chiêu mộ nhân sự từ chính các đối tác của mình, theo Reuters. Kể từ cuối năm 2023, công ty đã tuyển dụng nhiều chuyên gia từ các hãng chip lớn, nhằm củng cố đội ngũ phát triển và bán hàng cho bộ phận phần cứng của mình.

    Arm Holdings, lâu nay được biết đến như một công ty chuyên cấp phép kiến trúc CPU, giờ đây đang chuyển hướng chiến lược khi chuẩn bị tung ra bộ vi xử lý đầu tiên do chính mình thiết kế. Theo báo cáo từ Financial Times, con chip này sẽ tập trung vào thị trường data center và đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều khách hàng lớn, trong đó có Meta. Tuy nhiên, điều khiến giới công nghệ bất ngờ hơn cả không chỉ là việc Arm lấn sân vào thị trường chip, mà còn là chiến lược chiêu mộ nhân sự từ chính các đối tác—những công ty vốn dựa vào Arm để phát triển CPU của riêng họ.

    Không còn là 'bộ não', Arm giờ tự làm CPU: Đối đầu Intel, AMD và ‘hút máu’ nhân sự từ chính khách hàng?- Ảnh 1.

    Arm từ lâu đã đóng vai trò là “bộ não” đằng sau nhiều con chip di động và data center, nhưng giờ đây, họ lại quyết định trực tiếp cạnh tranh với chính khách hàng của mình, bao gồm Ampere và cả Nvidia. Đây là một thay đổi quan trọng trong chiến lược của công ty, có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hệ sinh thái chip dựa trên kiến trúc Arm.

    Theo thông tin rò rỉ, CPU đầu tiên của Arm sẽ là một thiết kế dành cho data center, có khả năng tùy chỉnh theo nhu cầu của từng khách hàng, như Meta. Mặc dù thông số kỹ thuật cụ thể chưa được tiết lộ, nhiều chuyên gia dự đoán bộ vi xử lý này có thể dựa trên Neoverse V3 (hiệu năng cao) hoặc Neoverse N3 (tiết kiệm năng lượng) thuộc kiến trúc Armv9.2. Nếu tận dụng hệ thống Neoverse Compute Subsystem (CSS) của mình, Arm hoàn toàn có thể xây dựng một CPU với lên đến 64 lõi V3 trên mỗi chiplet, và con số này có thể tăng nếu họ sử dụng thiết kế nhiều chiplet.

    Mặc dù Arm đang bước vào cuộc chơi phần cứng, chưa rõ họ sẽ cho phép tùy chỉnh ở mức độ nào. Nếu đủ linh hoạt, sản phẩm của Arm có thể khác biệt hoàn toàn so với các CPU của AMD hay Intel, vốn thường có thông số cố định. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh trực tiếp với các đối tác của mình, đặc biệt là những công ty đã và đang phát triển CPU riêng dựa trên công nghệ của Arm, như Ampere hay Huawei.

    Không chỉ làm CPU, Arm còn "hút máu" nhân sự từ khách hàng

    Bên cạnh việc tự sản xuất CPU, Arm còn đang ráo riết chiêu mộ nhân sự từ chính các đối tác của mình, theo Reuters. Kể từ cuối năm 2023, công ty đã tuyển dụng nhiều chuyên gia từ các hãng chip lớn, nhằm củng cố đội ngũ phát triển và bán hàng cho bộ phận phần cứng của mình.

    Điều đáng nói là CEO Rene Haas của Arm từng phủ nhận công ty đang xây dựng CPU riêng trong một phiên tòa chống lại Qualcomm hồi tháng 12. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Arm đã âm thầm tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm thiết kế chip từ hơn một năm trước. Điều này chứng tỏ công ty đang chuẩn bị nghiêm túc để biến mảng CPU thành một nguồn doanh thu lớn, đặt họ vào thế đối đầu trực tiếp với Intel, AMD, và thậm chí cả các khách hàng của chính mình.

    Dù động thái này có thể giúp Arm mở rộng nguồn thu, nhưng cũng có nguy cơ khiến các đối tác lớn như AWS, Google, Microsoft hay Nvidia mất niềm tin. Nếu các công ty này cảm thấy Arm đang trở thành đối thủ thay vì đối tác, họ hoàn toàn có thể chuyển sang các giải pháp khác, bao gồm RISC-V hoặc phát triển kiến trúc tùy chỉnh mà không cần Arm.

    Liệu đây có phải là bước đi sáng suốt hay một canh bạc rủi ro đối với Arm? Câu trả lời sẽ dần lộ diện khi CPU đầu tiên của họ chính thức ra mắt.

    Anh Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ