Không hề có chuyện bộ GTVT chọn Grab, cấm Uber - nguyên nhân là ở giấy phép kinh doanh!

    Ngocmiz,  

    Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cái sai của Uber Việt Nam là chưa xin giấy phép kinh doanh vận tải đã tự ý kết nối vận tải với các doanh nghiệp tham gia.

    Những ngày qua, nhiều trang mạng đã đưa tin về việc Bộ Giao thông Vận tải chọn Grab, trong khi lại cấm Uber hoạt động tại Việt Nam khiến dư luận hoang mang không hiểu đầu đuôi.

    Không hề có chuyện chọn Grab, cấm Uber

    Chiều ngày 13/2 vừa qua, trả lời báo VNExpress, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định lại rằng Bộ không hề cấm Uber hoạt động tại Việt Nam mà chỉ từ chối Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách của công ty này.

    Lý do Bộ từ chối Uber nhưng lại cho phép Grab thí điểm 1,5 năm nay là bởi Grab đã đăng ký đầy đủ ngành nghề kinh doanh là công nghệ thông tin và vận tải; trong khi đó, Uber lại chỉ đăng ký hoạt động tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận và kinh doanh phần mềm chứ không phải là kinh doanh vận tải. Theo Thứ trưởng, cái sai của Uber Việt Nam là chưa xin giấy phép kinh doanh vận tải đã tự ý kết nối vận tải với các doanh nghiệp tham gia.

    Bên cạnh đó, Uber VN là bên đứng ra trình đề án nhưng chưa được chấp thuận ủy quyền thay công ty mẹ tại Hà Lan. Do hợp đồng với tài xế, doanh thu... đều ký trực tiếp với Công ty Uber BV Hà Lan (cung cấp dịch vụ xuyên biên giới), hoạt động ủy quyền ở đây không được phép, nên nếu phát sinh vướng mắc, khách hàng/tài xế sẽ phải kiện thẳng tới Uber BV, còn Uber VN lại chẳng hề liên quan.

    “Để hoạt động kết nối vận tải bằng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, Uber VN phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục, pháp lý về ngành nghề kinh doanh, sau đó Bộ GTVT mới xem xét đồng ý hay không. Phần mềm gọi xe điện tử đã mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng Uber VN chưa đáp ứng đúng luật nên không được đồng ý, không có chuyện phản cạnh tranh hay không”, ông Trường cho biết.

     Một xe Uber tại TP. HCM bị CSCĐ yêu cầu kiểm tra giấy phép

    Một xe Uber tại TP. HCM bị CSCĐ yêu cầu kiểm tra giấy phép

    Cũng theo ông Trường, về luật pháp, Uber VN không bị cấm hoạt động, nhưng các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber mà không có đăng ký kinh doanh vận tải, không có hợp đồng cũng sẽ bị xem là chạy chui và bị xử lý theo quy định.

    (Chú thích: Thường tất cả các xe xin tham gia Uber đều được công ty yêu cầu phải nộp kèm giấy Đăng phép kinh doanh vận tải và cần mang theo khi đi đường để giải trình nếu cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra).

    Nên quản lý các dịch vụ như Uber thế nào?

    Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ có chế tài cụ thể nếu công ty Uber VN không bổ sung, hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

    Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thì từ khi vào VN tới nay Uber vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo luật - đồng nghĩa với Uber hoạt động chui, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và còn phát triển mạnh hơn. Ông cho rằng các lãnh đạo Bộ cần xem xét hai vấn đề:

    Thứ nhất, Bộ GTVT nhiều lần yêu cầu Uber VN phải đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh công ty vẫn lờ đi mà chưa hề bị xử lý.

    Thứ hai, dù Uber hoạt động chui nhưng không có chế tài và thiếu bộ máy nên lực lượng tuần tra cũng không xử lý triệt để được các xe liên kết Uber.

    Tuy nhiên, xét từ khía cạnh khác, theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thì các bộ ngành cần ủng hộ những tiến bộ mới, loại hình kinh doanh mới. Bộ Giao thông có thể yêu cầu Uber giải trình rõ đã được chấp thuận hoạt động ở bao nhiêu nước, để được chấp thuận Uber phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh gì?

    Ông Doanh cho rằng những tiến bộ công nghệ đòi hỏi các quy định pháp lý phải liên tục thay đổi để đáp ứng. Còn về việc quản lý, Bộ có thể yêu cầu Uber phải đăng ký danh sách các xe liên kết hoạt động và nộp thuế đầy đủ những xe đó là được.

    Theo một chuyên gia khác, Việt Nam cũng có thể học hỏi cách quản lý Uber từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Trước đây, Singapore cũng từng cấm Uber hoạt động qua những chế tài xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, sau đó, nước này đã nghiên cứu đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn với các dịch vụ như Uber hay Grab áp dụng từ nửa cuối năm 2015, siết chặt hơn việc quản lý cước phí, yêu cầu chỉ dùng cho các xe taxi và tài xế có giấy phép hành nghề. Các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên ứng dụng điện thoại di động cũng đều phải đăng ký với Cơ quan Vận tải đường bộ Singapore.

    Tham khảo nhiều nguồn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày