“Không nên xây dựng mạng riêng cho thanh niên, mà dùng tiền hỗ trợ cho lực lượng tham gia vào mạng xã hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH - GS-TS Đào Trọng Thi nói với Lao Động bên hành lang QH về vấn đề mạng xã hội cho thanh niên.
(?) Vừa rồi, mạng xã hội cho thanh niên mà theo VOV là lên tới 200 triệu USD đã được đặt ra. Ủy ban đã biết gì về mạng này chưa và quan điểm của Giáo sư?
- Tôi chưa thấy có đề án chính thức gửi đến QH về cái mạng này. Có lẽ đó mới là dự kiến.
Việc hình thành những mạng xã hội được sự hỗ trợ của Nhà nước, được sự quản lý thông qua các đoàn thể chính trị xã hội là rất tốt, vì nó góp phần giúp chúng ta làm tốt hơn công tác tư tưởng văn hóa. Nó cũng tạo điều kiện tốt để thanh niên có một mạng xã hội nghiêm túc hơn, được quản lý tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thanh niên, nếu không thì họ sẽ tham gia vào các mạng xã hội khác mà bên cạnh những yếu tố tích cực cũng kèm theo những yếu tố tiêu cực chúng ta không quản lý được.
Nhưng Nhà nước cũng không thể đứng ra đầu tư làm một mạng xã hội như thế được; bởi vì mạng xã hội so với các hình thức giáo dục thanh niên của chúng ta là một hình thức khác. Mạng xã hội có thể là một sân chơi. Nhà nước có thể xã hội hóa mạnh mẽ. Nhà nước có thể hỗ trợ. Nhà nước có thể tạo cơ chế. Tuy nhiên, nếu Nhà nước đứng ra làm mạng xã hội thì chẳng khác gì chúng ta lại đi bao cấp. Hơn nữa, Nhà nước cũng không có sức mà làm. Tiền đó có thể dùng để làm cái gì cho mạng xã hội thôi chứ bản thân mạng xã hội phải xã hội.
GS-TS Đào Trọng Thi.
(?) Là một nhà giáo dục, Giáo sư hình dung ra mạng xã hội như thế nào?
- Tôi cho rằng chúng ta chấp nhận phát triển những mạng xã hội thì chúng ta phải chấp nhận cả mặt tiêu cực và tích cực của nó. Nếu quản lý, nó không còn là mạng xã hội nữa.
Bản thân cụm từ mạng xã hội đã cho thấy nó không thể bị sự quản lý của Nhà nước như một chủ nhân. Chúng ta phải có cách khác.
Tôi cho rằng Nhà nước phải quan tâm bằng sự tham gia của các lực lượng có nhận thức tốt hơn để cùng tham gia ý kiến. Mạng xã hội có bộ phận cư dân riêng của nó mà nhiều người tạm gọi là có ý thức, có nhận thức tốt sẽ không tham gia. Nên khuyến khích những người có trình độ và nhận thức tốt tham gia, như vậy ít nhất cũng có những ý kiến khác nhau, bù trừ cho nhau trên mạng xã hội. Chúng ta không để những ý kiến không có trách nhiệm, không sâu sắc, nhận thức không như mong muốn tràn ngập trên mạng xã hội. Bởi như vậy, chúng ta sẽ để kẽ hở cho những người không tốt "nhảy" vào đưa những thông tin mang tính định hướng. Ta sẽ mất mặt trận này.
(?) Hiện thanh niên đã được giáo dục qua rất nhiều kênh, mạng xã hội của Việt Nam cũng đã có, hay báo chí. Nếu kênh xã hội cho thanh niên được thành lập thì theo ông, sẽ quản lý như thế nào ?
- Hiện nay, về cơ bản, hệ thống báo chí hoặc của cơ quan nhà nước, hoặc của tổ chức chính trị- xã hội đã được đăng ký chính thức, Nhà nước quản lý được rồi. Và hoạt động của báo chí cũng chấp nhận sự quản lý của Nhà nước theo pháp luật; nhưng hệ thống báo chí đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên.
Sự quản lý có khía cạnh tốt là chúng ta quản lý được về mặt nội dung, đúng với yêu cầu về tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước, nhưng chính vì vậy làm cho thanh niên có cảm giác chưa thỏa mãn, người ta cần phải tìm một hệ thống khác để có thể tiếp nhận thêm thông tin, đồng thời chia sẻ ý kiến một cách phù hợp hơn. Chúng ta cần quản mạng xã hội ở một mức độ cần thiết chứ không thể quản lý như báo chí.
(?) GS vừa đưa ra một biện pháp quản lý là đưa người vào để định hướng, có nghĩa giống như đưa dư luận viên lên mạng?
- Tức là mình phải tìm cách dùng lực lượng có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc tham gia vào để làm nòng cốt, tạo hạt nhân trong sinh hoạt của mạng xã hội. Đương nhiên, không được can thiệp quá sâu mà vẫn phải đảm bảo tự do cho người tham gia. Phải đảm bảo tự do trao đổi thông tin cũng như quyền tự do phát biểu ý kiến, đáp ứng nhu cầu thông tin, chia sẻ và mình bổ sung thêm vào đó những ý kiến sâu sắc, có tính thuyết phục. Sự thuyết phục ở đây là bằng nội dung, bằng lập luận của mình chứ không áp đặt bằng biện pháp hành chính, không thể chỉ đạo được. Nếu quản chặt chỗ này, người ta sẽ lại đi chỗ khác.
(?) Nếu đề án mạng xã hội cho thanh niên được trình lên QH thì GS thấy sao?
- Ý tưởng thì là tốt; nhưng theo tôi, không nên xây dựng một mạng xã hội riêng mà dùng tiền hỗ trợ cho một lực lượng tham gia vào mạng xã hội. Sẽ có những chuyên gia viết bài đưa lên mạng xã hội, rồi tranh luận đối với những ý kiến khác, chứ không thể mình thành lập một cái mạng, rồi mình duyệt bài, bài nào tốt thì mới đưa lên. Làm như thế cũng chẳng ai người ta đọc, người ta cũng sẽ lại chạy sang chỗ khác.
- Xin trân trọng cảm ơn GS!
Theo Lao Động
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng