Không phải ai cũng cần uống tới 8 cốc nước mỗi ngày, nghiên cứu mới sẽ chỉ cho bạn khi nào nên dừng lại
Uống quá nhiều nước so với nhu cầu có thể gây hại, thậm chí dẫn đến tử vong.
Từ lâu, việc uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày (tương đương khoảng 2 lít) đã trở thành một niềm tin phổ biến với mọi người. Thói quen này được cho rằng sẽ giúp cơ thể luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh, cộng thêm với một số lợi ích hấp dẫn như khiến làn da sáng hơn và trẻ trung hơn.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, ví dụ như những người ít vận động, lên kế hoạch uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày dường như là điều khổng thể. Bạn cũng cảm thấy mình khá vất vả để đạt được mục tiêu khuyến nghị này? Tin tốt là nghiên cứu mới sẽ chỉ cho bạn thấy: Với nhiều người 8 cốc nước một ngày là điều không cần thiết.
Hãy lắng nghe cơ thể, bởi bạn sẽ cần uống nước khi khát và nên dừng lại khi cổ họng xuất hiện phản ứng khó nuốt. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra dấu hiệu cho phép bạn biết khi nào nên dừng việc bổ sung nước cho cơ thể. Uống quá nhiều nước so với nhu cầu có thể gây hại, thậm chí dẫn đến tử vong.
Với nhiều người 8 cốc nước một ngày là điều không cần thiết
“Nếu chúng ta làm theo những gì cơ thể đòi hỏi, chúng ta sẽ uống nước một cách hợp lý”, Michael Farrell, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Monash, Australia cho biết. Bạn chỉ cần uống theo cơn khát của mình chứ không cần thiết lên một kế hoạch tỷ mỷ để uống 8 cốc nước một ngày.
Bạn sẽ biết khi nào mình cần uống nước, bởi vì cơ thể sẽ nhắc nhở bằng một cơn khát? Nhưng làm sao để bạn biết nên uống bao nhiêu nước là đủ cho cơn khát đó?
Hãy cẩn thận, bởi uống quá nhiều nước sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng. Nó có thể được gọi là tình trạng “nhiễm độc nước” hay hạ natri máu. Khi nồng độ natri trong máu trở nên thấp bất thường, nó có thể dẫn bạn đến cảm giác mệt mỏi, buồn nôn hay thậm chí là co giật, hôn mê đến tử vong.
Mặc dù rất nguy hiểm, chúng ta chưa thể khám phá ra đâu là điểm dừng cho việc uống nước. Liệu cơ thể có một dấu hiệu nào giống cơn khát, làm nhiệm vụ nói cho bạn biết nó đã nhận đủ nước và nên dừng lại?
Bạn không cần thiết phải lên một kế hoạch tỷ mỷ để uống 8 cốc nước một ngày
Để điều tra vấn đề này, Farrell và các cộng sự của ông đã tuyển chọn 20 tình nguyện viên để làm một thí nghiệm. Ông muốn đánh giá sự khó khăn và mức cố gắng của họ trong việc uống nước tại hai thời điểm: Đầu tiên là sau khi họ tập thể dục và đối mặt với một cơn khát. Thứ hai là ở thời điểm họ đã có đủ nước, nhưng Farrell vẫn muốn họ uống thêm.
Nhóm nghiên cứu cuối cùng nhận ra rằng tại thời điểm đã đủ nước, các tình nguyện viên phải cố gắng gấp 3 lần mới có thể tiếp tục uống nước vào cơ thể.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy việc nuốt trở nên khó khăn, sau khi ai đó đã uống nước tới dư thừa. Điều đó có nghĩa là họ đang phải vượt qua một loại phản kháng nào đó”, Farrell nói. “Điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi cho rằng phản xạ nuốt đã bị ức chế, một khi lượng nước đã được uống đến mức đủ".
Khó nuốt có thể là dấu hiệu của cơ thể cho thấy bạn đã uống đủ nước
Các nhà khoa học cũng sử dụng cả máy cộng hưởng từ (MRI) để theo dõi hoạt động não bộ của những ứng viên tham gia vào thí nghiệm. Kết quả cho thấy rằng khi nước được uống quá mức, một khu vực của não phía trước trán bên phải đã cho những tín hiệu hoạt động mạnh.
Điều đó cho thấy có vẻ như cơ thể sẽ báo hiệu bạn khi nào đã đủ nước, thông qua sự ức chế lên hoạt động nuốt như một phản ứng vô điều kiện. Nhưng khi được yêu cầu uống thêm nước, vùng vỏ não trán sẽ tạo tín hiệu để ghi đè lên đó khiến bạn tiếp tục uống nước nhiều thêm.
Sự ghi đè này là rất nguy hiểm trong một vài hoàn cảnh. “Đã từng có những trường hợp vận động viên marathon qua đời chỉ vì những lời nhắc nhở uống nước. Trong những hoàn cảnh nhất định, họ vẫn mù quáng làm theo những lời khuyên và uống vượt quá nhu cầu cơ thể”, Farrell nói.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, ông cũng lưu ý có những đối tượng đang không uống đủ lượng nước. Đó là trường hợp những người lớn tuổi. Bởi vậy, với họ việc nhớ uống nước lại là điều đáng lưu tâm.
Chúng ta nên lắng nghe những dấu hiệu tinh tế của cơ thể để uống nước đúng nhu cầu
Cũng phải nói rằng nghiên cứu đầu tiên này đang có một hạn chế trong kích thước mẫu khi chỉ có khoảng 20 tình nguyện viên tham gia. Sự tương quan của mức độ natri trong máu với việc bổ sung nước cũng phải được nghiên cứu thêm.
Trong tương lai, các nhà khoa học có thể xác nhận kết quả của họ với những nghiên cứu mới. Nhưng cho đến giờ, ít nhất chúng ta cũng biết được rằng nếu cảm thấy khó có thể uống thêm nước, hẳn là cơ thể đang thực hiện một phản ứng nhắc nhở bạn. Có lẽ chúng ta nên lắng nghe những dấu hiệu tinh tế đó và dừng lại đúng lúc.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng