Không phải ảnh Photoshop, những cái hố nước này có thật trên Trái Đất, nhưng chúng chảy đi đâu?
Năm 2019, người ta đã quay được video một con vịt bơi vào cái hố này.
Có thể bạn đã nhìn thấy đâu đó bức ảnh này trên internet. Nó chụp lại một miệng hố khổng lồ, sâu hoắm trên mặt nước - nơi mà hàng tấn nước đang bị hút vào giống như một cánh cổng mở ra một thế giới dưới lòng đất hoặc thậm chí một chiều không gian khác.
Cảm giác siêu thực mà tấm ảnh tạo ra khiến nhiều người nghĩ rằng đây là một sản phẩm của Photoshop. Hẳn là phải có ai đó vẽ ra tấm hình này chứ nước không thể chảy như thế được. Ảo thật đấy!
Nhưng không, tấm ảnh này hoàn toàn là thật, và nó đã chụp lại một khoảnh khắc hiếm có ở hồ Beryessa, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Bản thân cái hố nước cũng là thật. Nhưng nếu vậy thì bạn có thể hỏi nước đang chảy đi đâu?
Hóa ra, Berryessa thực ra là một hồ trên đỉnh đập. Nước đang chảy vào cái hố đó vẫn tuân theo đúng định luật vật lý, chúng chảy xuống bên dưới chân đập Monticello, cách mặt nước tới 86 mét.
Năm 2019, người ta đã quay được video một con vịt bơi vào cái hố này. Thần kỳ thay, nó vẫn sống sót. Nhưng trước đó vào năm 1997, một người phụ nữ khi đang bơi trên hồ Beryessa đã bị cái hố nuốt chửng và không qua khỏi.
Chiếc hố nước này là có thật
Đập Monticello và chiếc cửa tràn miệng chuông hiếm hoi trên thế giới
Lịch sử của đập Monticello bắt nguồn từ khoảng đầu thập niên 1950, khi tiểu bang California nhận thấy vùng đất nông nghiệp rộng tới 39.000 ha của họ ở hai hạt Solano và Yolo luôn luôn bị thiếu nước vào mùa hè.
Để có thể trữ nước phục vụ tưới tiêu, bộ phận thủy lợi của tiểu bang đã đề xuất với Bộ Nội vụ Mỹ một dự án xây đập, chắn ngang con lạch Putah ở vị trí thung lũng Berryessa và thị trấn Monticello. Vào năm 1953, dự án chính thức được phê duyệt và đi vào xây dựng.
Mất tổng cộng 4 năm và 37 triệu USD để người Mỹ hoàn thành đập Monticello. Nó là một con đập vòm bằng bê tông, rộng 30 m, cao 93 m và dài 312 m. Chắn ngang qua thung lũng, nó phải mất thêm khoảng 5 năm nữa để lấp đầy hồ chứa Berryessa mà nó tạo ra.
Năm 1962, Berryessa trở thành hồ chứa lớn thứ hai tiểu bang California, với diện tích bề mặt 8.400 ha, độ cao cột nước lên tới 130 mét và dung tích chứa khoảng 2 tỷ mét khối nước.
Giống như bất cứ con đập và hồ chứa nào trên thế giới, để đảm bảo an toàn cho nó khi mực nước vượt quá công suất lưu trữ, người ta phải thiết kế một cửa xả tràn. Bình thường cửa xả tràn sẽ được thiết kế dạng kênh máng, nằm ngay bên rìa của cạnh đập.
Tuy nhiên vấn đề với thung lũng Berryessa là nó quá nhỏ và hẹp, nên đã không còn chỗ cho thiết kế kênh tràn dạng này. Các kiến trúc sư ở Monticello vì vậy đã chọn một cửa tràn hiếm được xây dựng hơn, đó là dạng miệng chuông (Bell-mouth spillway).
Cửa tràn miệng chuông thực chất là một trụ rỗng, được xây từ đáy hồ chứa lên không trung, giống một một chiếc chuông lộn ngược và có cửa hở ở đáy. Đây là một thiết kế cửa tràn không kiểm soát, nghĩa là nó không có cửa đóng mở theo ý muốn.
Thay vào đó, độ cao của miệng chuông được tính toán sẵn để cứ khi nào nước tích trữ trong hồ chứa vượt công suất cho phép, chúng sẽ tự nhiên tràn qua miệng chuông và thoát ra phía dưới đập.
Với hồ chứa Berryessa, cửa tràn dạng chuông được xây cao 130 m. Đường kính miệng chuông rộng 22 m và dần thu hẹp xuống 8,5 m ở lối ra dưới đáy. Nó cho phép một lưu lượng tối đa 1.370 m3 nước chảy qua mỗi giây.
Ngoài Monticello, số lượng các con đập trên thế giới có thiết kế miệng tràn dạng chuông có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay bao gồm: đập Hungry Horse ở tiểu bang Motana, Hoa Kỳ, đập Covão dos Conchos ở Bồ Đào Nha, đập Geehi ở Australia, đập Nekogahora Pond ở Japan, Ladybower Reservoir ở Anh và đập Shing Mun ở Hongkong.
Video flycam đi vào bên trong cho bạn biết cấu trúc của một cửa tràn dạng chuông
Những sự kiện và video nổi tiếng
Cần phải nói rằng các cửa tràn dạng chuông rất hiếm khi hoạt động bởi nước ở các hồ chứa mà chúng được thiết kế hiếm khi đầy. Khi không có nước tràn qua đó, các cấu trúc bê tông chỉ đơn giản là nhô lên khỏi mặt nước và không tạo ra khung cảnh ấn tượng.
Chỉ có cửa tràn ở đập Monticello trong những năm gần đây là hoạt động nhiều nhất. Quay trở lại thập niên 1950, các kỹ sư xây dựng ra nó tính toán phải 50 năm nước trong hồ chứa Berryessa mới đầy một lần.
Nhưng những cơn mưa lớn ở California trong 1 thập kỷ trở lại đây đã khiến miệng chuông ở Monticello bị tràn 3 lần. Hai lần gần nhất là vào năm 2017 và 2019, khi nước tràn qua đó, hàng nghìn người đã tụ tập xung quanh miệng chuông này để chứng kiến sự kiện.
Những tấm ảnh và video mà bạn thấy trên internet ngày nay hầu hết đã được chụp và quay lại trong 2 năm đó.
Một trong những video nổi tiếng nhất về cửa tràn ở đập Monticello quay lại cảnh một con vịt bị hút vào đó trong sự kiện năm 2019. Nhiều người đã tự hỏi con vịt liệu có còn sống hay không?
Một con vịt bị trôi vào cửa đập tràn ở hồ Berryessa năm 2019
Rick Fowler, người quay lại video năm đó nói rằng: "Con vịt chắc chắn còn sống. Tôi đã chạy ngay ra ngay đầu bên kia để xem nó có đi đươcj ra ngoài hay không và chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuối cùng, tôi thấy con vịt đã bị thổi phụt ra như một con búp bê rách. Tôi đã nghĩ rằng nó hẳn phải chết rồi, nhưng không phải. Sau một hoặc hai phút gì đó, con vịt đã bay lên và hạ cạnh xuống một vùng nước êm ả hơn ở hạ lưu. Nó nhẹ nhàng rũ người một cái".
Nhiều người cũng tự hỏi liệu đã có người nào bị lọt xuống cửa tràn này hay chưa? Trên thực tế, hồ Berryessa đã cấm hoạt động bơi lội và chèo thuyền xung quanh khu vực cửa tràn này. Nhưng dường như lệnh cấm chỉ được ban hành sau một tai nạn đáng tiếc vào năm 1997.
Nạn nhân là Emily Schwalek, một phụ nữ 41 tuổi sống ở thành phố Davis. Đó là một chiều chủ nhật năm 1997, khi Schwalek đang bơi tới gần cửa đập tràn này thì bị dòng nước của nó hút vào.
Mặc dù đã cố nắm lấy mép bê tông của cửa đập và trụ vững ở đó 20 phút, nhưng đội cứu hộ được gọi tới đã không kịp tiếp cận và cứu Schwalek. Cô ấy đã đuối sức và rơi xuống phía dưới.
Phải mất vài tiếng sau, thi thể của Schwalek mới được tìm thấy.
Sau tai nạn đáng tiếc này, khu vực cửa tràn ở hồ Berryessa đã được rào chắn lại. Hoạt động bơi lội ở đó cũng bị cấm nghiêm ngặt. Thay vào đó, khách đến tham quan chỉ có thể quan sát nó từ phía trên bờ.
Kể từ đó tới nay, nhà chức trách địa phương chưa ghi nhận thêm bất kỳ tai nạn nào gây thiệt hại cho con người liên quan đến cửa tràn ở đây.
Tuy nhiên hàng năm vào mùa mưa, hoạt động an ninh ở khu vực này vẫn được thắt chặt, bởi thường có hàng nghìn du khách đổ về đó cầu nguyện cho trời tiếp tục mưa, để được chứng kiến tận mắt khung cảnh hùng vĩ khi chiếc cửa tràn đi vào hoạt động.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng