Không phải các hãng điện thoại, đây mới là khách hàng tiềm năng cho nhà máy smartphone khổng lồ của Vsmart?
Khi thói quen mua smartphone của người dùng Việt đang thay đổi, những nhà mạng tại Việt Nam và các khu vực lân cận hoàn toàn có thể hợp tác với Vsmart để cung cấp những chiếc smartphone giá rẻ kèm gói cước - điều không nhà bán lẻ nào có thể làm được.
- Vsmart nhận gia công cho các hãng khác, nhưng sẽ là hãng nào? Xiaomi, Google, Samsung hay chính là Apple?
- Muốn gia công tới 125 triệu máy/năm, gấp 6 lần doanh số smartphone toàn Việt Nam, tham vọng Vsmart lớn như thế nào?
- Vingroup khởi công nhà máy sản xuất smartphone tại Hà Nội, không chỉ sản xuất Vsmart mà còn sẵn sàng nhận gia công cho các hãng khác
Trong khi thị trường smartphone Việt Nam đang bị các ông lớn trên thế giới thống trị như Samsung, Apple, Xiaomi, lần đầu tiên một thương hiệu điện thoại nội địa có một thiết bị được người dùng lùng mua đến mức cháy hàng trên thị trường. Đó chính là Vsmart Live, chiếc smartphone đã gây sốt trong thời gian vừa qua.
Chỉ với mức giá chưa đến 4 triệu đồng, nhưng thiết bị này lại được trang bị cấu hình mạnh hơn hẳn các đối thủ cùng tầm giá. Đó là chưa kể đến màn hình AMOLED cao cấp và công nghệ vân tay trong màn hình đời mới – dù tốc độ nhận diện không tốt bằng cảm biến vân tay truyền thống. Nhưng ngần đó đã là quá đủ để người dùng lùng mua Vsmart Live trên cả nước.
Ít tên tuổi, nhưng Vsmart Live đã cháy hàng do giá bán quá tốt so với cấu hình.
Việc một smartphone không có thương hiệu mạnh như Vsmart, với giá bán hợp lý nhưng đã làm nên một cơn sốt trên thị trường cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tìm mua điện thoại của người dùng.
Khi smartphone đã trở thành hàng hóa cơ bản trong thị trường bão hòa, người mua không còn quan tâm nhiều đến thương hiệu nữa, cái họ chú ý giờ là cấu hình và giá bán tương ứng. Sự trỗi dậy nhanh chóng mặt của các thương hiệu smartphone mới toanh như Realme là minh chứng rõ ràng nhất cho xu thế này.
Hợp tác với nhà mạng bán smartphone - Tại sao không?
Điều này cũng mở ra một hướng đi đầy khả quan cho nhà máy sản xuất smartphone mới khởi công của VinGroup, với công suất tối đa đến 125 triệu sản phẩm mỗi năm, gấp gần 10 lần tổng doanh số smartphone tại thị trường Việt Nam năm 2017. Đó chính là các nhà mạng viễn thông đang nỗ lực tăng doanh thu trong thời điểm người dùng ngày càng chuyển sang các dịch vụ OTT để liên lạc hơn là nghe gọi nhắn tin truyền thống.
Khi người dùng chỉ còn chú ý đến thông số cấu hình, chức năng và giá thành, các nhà mạng viễn thông hoàn toàn có thể tham gia phân phối smartphone mà chẳng hề e ngại về việc thương hiệu của mình không đủ mạnh.
Hơn nữa, các nhà mạng viễn thông có một lợi thế vô cùng to lớn mà khó có nhà bán lẻ nào có thể cạnh tranh lại: khả năng bán smartphone giá rẻ kèm với các gói cước hấp dẫn. Với hình thức này, khách hàng thay vì phải trả ngay toàn bộ số tiền cho smartphone và hàng tháng vẫn phải nạp thêm tiền để sử dụng dịch vụ viễn thông, họ có thể trả dần cho nhà mạng và vẫn đảm bảo dịch vụ mạng mà mình đang sử dụng.
Còn các nhà mạng vừa bán được gói cước mong muốn, vừa có được khách hàng ổn định, trung thành trong thời gian dài. Với những lợi ích này, các nhà mạng thậm chí có thể bán smartphone với mức giá hòa vốn hoặc thậm chí lỗ một chút để đưa ra được gói cước hấp dẫn khách hàng.
Để có được các smartphone cấu hình cao với mức giá tốt, thu hút người dùng, chắc chắn các nhà mạng sẽ phải đặt mua với số lượng lớn – đó chính là điều mà những nhà sản xuất smartphone như Vsmart mong đợi. Nói cách khác nếu được áp dụng, chiến lược này sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: khách hàng, nhà mạng và nhà sản xuất Vsmart.
Thời điểm thuận lợi cho việc bán smartphone qua nhà mạng
Thói quen tiêu dùng của người dùng Việt đang thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh việc chú trọng hơn đến cấu hình và giá bán thiết bị, người mua cũng chuyển sang trả góp ngày càng nhiều hơn, do hình thức thanh toán này giúp người dùng linh hoạt hơn trong việc nâng cấp thiết bị.
Sản xuất điện thoại ngay trong nước, các nhà mạng sẽ dễ dàng hợp tác hơn để cài đặt những phần mềm mà họ mong muốn.
Hơn nữa, các biện pháp kỹ thuật bằng phần mềm và phần cứng để ngăn chặn người dùng không thanh toán tiền cước cũng ngày càng được hoàn thiện hơn, khiến các nhà mạng có thể yên tâm triển khai hình thức bán hàng này mà ít phải lo ngại đến các thiệt hại do người dùng "bùng" thanh toán tiền cước cũng như tiền máy.
Các biện pháp này càng dễ dàng triển khai hơn khi các nhà mạng hợp tác với một hãng sản xuất smartphone trong nước như Vsmart. Họ có thể trực tiếp cài đặt các phần mềm của riêng mình vào sâu trong thiết bị và hạn chế tối đa các thiệt hại từ rủi ro kể trên.
Xa hơn nữa, khi nhà mạng như Viettel đang vươn ra các thị trường xung quanh, tới các thị trường như Campuchia, Myanmar, những quốc gia cũng đang có nhu cầu cao về smartphone giá rẻ. Khi đó một chiến lược bán hàng hợp tác tương tự hoàn toàn có thể lặp lại và thành công tại các thị trường này.
HTC, hãng sản xuất smartphone vang danh một thời, cũng từng tạo dựng nên tên tuổi của mình với vai trò nhà sản xuất điện thoại cho các nhà mạng viễn thông lớn ở châu Âu và Mỹ, sau đó mới bắt đầu sản xuất các smartphone mang thương hiệu riêng của mình. Liệu điều này có thể lặp lại với Vsmart trong tương lai?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng