Không phải giáp trụ binh khí, tình đồng chí mới là thứ giúp người Viking giành lợi thế trong trận mạc

    Long.J,  

    Tình bạn son sắt trong chiến tranh còn quan trọng hơn một thanh kiếm sắc nhọn.

    Trên phim ảnh, tranh truyện giải trí, sức mạnh của người Viking thường được làm quá lên để xem cho sướng. Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn như vậy.

    Theo Quartz, vũ khí, giáp trụ của họ chẳng khác gì các đội quân châu Âu cùng thời kỳ. Giáp đầu thường làm từ sắt hoặc da thuộc (cái có sừng là trang phục biểu diễn Opera được chế ra vào năm 1870 thôi). Như vậy, điều gì đã khiến người Norseman thời trung cổ trở thành những chiến binh huyền thoại?

    Sự thật, nó không liên quan đến vũ khí xịn hay tài thao lược - Ngoài kỹ năng sinh tồn cực giỏi trên biển, người Viking còn sở hữu lợi thế tâm lý quan trọng so với hầu hết các đối thủ.

    Theo National Geographic, quân đội Viking được tổ chức thành các đội thuyền, gồm vài chục anh đàn ông cùng đến từ một khu vực (gọi là đồng hương cũng được). Khi lênh đênh đánh nhau trên biển, các anh đó sẽ sống chung nhiều tuần liền. Đánh trận, ăn, uống, ngủ, nghỉ và thậm chí, vệ sinh cũng đi cùng nhau.

    Chuyên gia nghiên cứu Viking Igor Gorewicz nói với National Geographic rằng, chính việc này đã tạo nên tình anh em, tình đồng chí cực kỳ bền chặt giữa các chiến binh Norseman thời trung cổ.

    Không phải giáp trụ binh khí, tình đồng chí mới là thứ giúp người Viking giành lợi thế trong trận mạc - Ảnh 1.

    Không phải giáp trụ binh khí, tình đồng chí mới là thứ giúp người Viking giành lợi thế trong trận mạc

    Việc vào sinh ra tử khiến mối liên kết này ngày một bền chặt. Một chiến binh Viking có thể chiến đấu hết mình vì anh ta biết, đồng đội luôn hỗ trợ mình. Ngoài ra, kẻ không dám xả thân nơi chiến trận sẽ khiến hội đồng hương cảm thấy ô nhục, bất kể có chiến thắng hay không.

    Áp lực ngang hàng (peer pressure) là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến các chiến binh gắn kết khi ra trận.

    Điều này đã được chứng minh qua nghiên cứu của Đại học California vào năm 2009 - Kết quả phân tích về 41.000 binh sĩ tham gia Nội chiến Mỹ cho thấy: Những người lính Liên Bang trung thành nhất với đơn vị, hầu hết đều đến từ cùng một khu vực, chung chủng tộc và tôn giáo. Ngoài ra, họ biết rằng sự hèn nhát của bản thân sẽ được truyền miệng về tận quê nhà nên cách duy nhất chiến đấu hết mình bên đồng chí, đồng đội.

    Có vẻ như, tình bạn son sắt trong chiến tranh còn quan trọng hơn một thanh kiếm sắc nhọn.

    Theo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày