Bạn có nghĩ rằng một chiếc loa di động có tích hợp trợ lý ảo sẽ thành công trên thị trường hay không? Nếu câu trả lời của bạn là "không", hãy tìm hiểu câu chuyện của Amazon Echo.
Khi nhận được ý tưởng Echo vào năm 2011, cảm xúc đầu tiên của David Limp, người đứng đầu bộ phận phần cứng tại Amazon là hoài nghi. "Đây sẽ là một hành trình khó khăn. Sản phẩm này dự đoán về một trải nghiệm đầy nhiệm màu. Nhưng nó cũng đòi hỏi rất nhiều phát minh mới".
Không khó để hiểu được vì sao Limp lại có cảm xúc này. Đứng từ góc độ lý thuyết, có lẽ không một ai sẽ nghĩ rằng đây lại là một sản phẩm thành công: Echo là một sản phẩm gia dụng "thông minh" được điều khiển bằng giọng nói có thể chơi nhạc, đọc tin tức cho bạn nghe và giúp bạn đặt mua thực phẩm - tất cả thông qua một phương thức nhập liệu duy nhất là giọng nói.
Ấy vậy mà Echo lại trở thành một trong những sản phẩm phần cứng thành công nhất của Amazon, một thứ đồ chơi số được báo giới ca ngợi là chuẩn mực đầu tiên cho một triết lý điện toán hoàn toàn mới, nơi Amazon bỗng dưng vượt mặt Apple và Google.
Nhưng hành trình đến với ngôi nhà của người tiêu dùng của Echo không hề êm ả như bạn nghĩ. Chiếc loa này bị "ngâm" trong phòng thí nghiệm của Amazon hàng năm trời, trở thành nạn nhân của tính cầu toàn từ CEO Jeff Bezos cũng như những tranh cãi nội bộ về khả năng thành công. Sau khi chiếc Fire Phone của Amazon thất bại thảm hại, các tin đồn về một chiếc "loa di động" ngụp lặn hàng năm trời trong phòng thí nghiệm của Amazon càng làm cho ấn tượng về đế chế phần cứng này trở nên tồi tệ hơn.
Câu chuyện về Echo, được những người đã hoặc đang làm việc trong Amazon kể lại, sẽ cho bạn thấy tham vọng và những khó khăn nằm sau sản phẩm được Amazon kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa chiến thắng trên một chiến trường hoàn toàn mới.
"Echo phát triển từ một sản phẩm khó nhằn. Tôi không thể đánh giá thấp khối lượng công việc và sáng tạo đã được dành cho sản phẩm này", Limp khẳng định.
Ủng hộ và làm khó
Ngay từ ban đầu, Jeff Bezos đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối dành cho Echo. Cùng lúc, nhà sáng lập, nhà lãnh đạo của Amazon cũng đặt ra những tiêu chuẩn cao ngất ngưởng cho đội ngũ phát triển chiếc loa này, đặc biệt là khi xét tới vai trò hoàn toàn mới lạ của Echo.
Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới chất lượng của Echo là độ trễ - khoảng thời gian phần mềm trợ lý ảo Alexa cần có để trả lời bất cứ câu hỏi nào từ phía người dùng. Tại thời điểm Amazon bắt đầu phát triển Echo, độ trễ trung bình của các công nghệ nhận diện giọng nói là khoảng 2,5 giây. Theo lời kể của một nhân viên tham gia vào dự án này từ những ngày đầu, đội ngũ Echo đặt mục tiêu cho Alexa vào khoảng 2 giây.
Nhưng lãnh đạo của họ không đồng ý với con số đó. "Tôi trân trọng công sức của các bạn, nhưng bạn không thể đưa Echo tới vị trí cần có mà không phải chịu đựng vất vả khó khăn. Hãy để tôi gây khó khăn cho các bạn: mục tiêu là giảm độ trễ xuống còn 1 giây".
Dĩ nhiên, đội ngũ Echo bị sốc nặng trước yêu cầu của Bezos. Ngay cả những công ty dành hàng thập kỷ để nghiên cứu về giọng nói cũng chỉ có thể giảm độ trễ xuống khoảng 3 giây. Song, mục tiêu do Bezos đặt ra cũng đã giúp đội phát triển Echo thêm ý chí để hoàn thành một mục tiêu tưởng như bất khả thi:
"Các bạn đã thuyết phục được tôi rằng độ trễ rất quan trọng, bởi vậy tôi muốn đảm bảo rằng các bạn tự tin vào chính mình", vị CEO của Amazon khẳng định.
Chìa khóa để giảm độ trễ là gia tăng tối đa lượng dữ liệu thu thập và liên tục áp dụng các dữ liệu này để cải thiện sản phẩm. Amazon sau đó đã thực hiện hàng nghìn bài thử nghiệm khác nhau; mỗi tuần họ lại thực hiện phân tích dữ liệu với các nhà khoa học chuyên phân tích giọng nói. Sau một thời gian dài, đội ngũ này đã có thể giảm độ trễ xuống còn 1,5 giây, vượt xa tốc độ của các đối thủ cạnh tranh.
"Đó là Jeff. Ông ấy đặt ra mục tiêu một cách hoàn toàn rõ ràng. Đó là một thử thách to lớn và dũng cảm, và tôi cũng chẳng dám trông chờ thứ gì kém cỏi hơn thế. Đó là một thử thách về công nghệ, nhưng chúng tôi đã vượt qua thử thách đó", một thành viên khác của dự án Echo khẳng định.
Thử thách của người đi đầu
Thử thách lớn nhất của Echo nằm ở tính mới là của sản phẩm này: Echo không hề có một đối thủ nào đi trước. Dĩ nhiên, Apple và Google đều đã có trợ lý ảo, nhưng ý tưởng của Echo hoàn toàn khác biệt ở chỗ bạn sẽ tương tác với Alexa mà không cần màn hình.
Do đó, để có thể thành công, Alexa trên Echo phải tỏ ra cực kỳ nhanh nhẹn và phải biết cách trò chuyện. Người dùng phải có cảm giác như đang trò chuyện với một người khác chứ không phải là trò chuyện với máy móc.
Để làm được điều này, Amazon phải thực hiện một thí nghiệm có tên "Phù thủy xứ Oz".
Trong thử nghiệm này, một "phù thủy" sẽ ngồi trong một căn phòng kín để phản hồi lại các câu hỏi do người dùng đặt ra tới Echo. Ví dụ, nếu như người dùng đặt câu hỏi "Thời tiết New York như thế nào?", vị "phù thủy" kia sẽ nhanh chóng gõ ra câu trả lời để Echo đọc lại tới người dùng.
Mục đích của thử nghiệm này là để kiểm tra xem dạng phản hồi nào được đón nhận tích cực và dạng phản hồi nào gây khó chịu cho người dùng, dựa theo các bản đánh giá kết quả mà họ sẽ thực hiện sau đó. Ví dụ, 50 người sẽ được thử nghiệm cùng một kịch bản, nhưng cấu trúc câu trả lời cũng như thời gian phản hồi sẽ được thay đổi.
"Đó gần như là một thí nghiệm tâm lý để dự đoán điều gì sẽ làm cho mọi người cảm thấy hài lòng. Chúng tôi tập trung điên cuồng vào chất lượng phản hồi bằng giọng nói. Đó là một dự án khoa học kéo dài liên tục", một thành viên của đội ngũ Echo khẳng định.
Lý do khác khiến cho Amazon tập trung vào chất lượng của Alexa là bởi trợ lý ảo này sẽ đặt chân lên nhiều loại phần cứng khác, hay nói cách khác là trở thành một nền tảng. Hiện tại, Amazon đã cho phép các công ty phần cứng khác có thể tích hợp Alexa vào sản phẩm của họ: trợ lý ảo này đã có mặt trên xe hơi của Ford và tủ lạnh của Samsung.
Không phải là một thiết bị chơi nhạc
Sau khi giải quyết được vấn đề kỹ thuật, Amazon lại phải đối mặt với một thử thách khác: xây dựng hình ảnh cho Echo như thế nào để cuốn hút được người dùng?
Câu trả lời ban đầu được đưa ra dựa trên dữ liệu nội bộ: hơn 40% người tham gia thử nghiệm Echo cho biết mục đích sử dụng chính của họ thường là âm nhạc. Ngay sau đó, Echo được gia tăng tối đa tính năng chơi nhạc.
Phiên bản mẫu đầu tiên của Echo có kích cỡ ngang với một chiếc gạt tàn, nhưng ngay sau đó được mở rộng để tích hợp bộ loa mạnh mẽ hơn.
"Chúng tôi cần tạo ra một tính năng mà mọi người sẽ sử dụng nhiều và tạo ra tần suất gắn kết tốt. Tính năng đó ban đầu được chọn là âm nhạc - điểm tham chiếu mà tất cả mọi người đều thích thú", thành viên Echo khẳng định.
Song, âm nhạc cũng là một con dao hai lưỡi, bởi người dùng có thể hiểu sai rằng Echo chỉ là một thiết bị chơi nhạc và bỏ qua các tính năng độc đáo khác. Bezos rất không thích ý tưởng Echo bị coi là một chiếc loa chơi nhạc: ông hiểu giá trị của việc sử dụng âm nhạc làm tính năng cuốn hút người dùng, nhưng đôi khi cũng đặt câu hỏi vì sao đội ngũ Echo lại dành ra quá nhiều thời gian để phát triển tính năng này.
Một phần lý do là bởi Bezos cũng không có mấy hứng thú với âm nhạc. Khi được mời thử tính năng chơi nhạc của Echo, nhà sáng lập Amazon quyết định lựa chọn nhạc phim của bộ phim truyền hình Battle Galactica.
Dù vậy nhưng Echo vẫn được cải thiện đáng kể chất lượng chơi nhạc và tính năng chọn bài hát. Hiện tại, chiếc loa thông minh này đang chiếm 25% thị trường loa không dây, dựa theo số lượng của 1010data.
Và ở góc độ thiết bị thông minh, Echo cũng đã trở nên rất thành công. Trong những tháng gần đây, chiếc loa này đã có thêm các tính năng kiểm tra tài khoản ngân hàng, gọi Pizza hoặc taxi Uber - tất cả chỉ bằng giọng nói. Echo cũng tương thích với các vật dụng có kết nối Internet, ví dụ như thiết bị của Nest, giúp cho sản phẩm Amazon trở thành đầu não của ngôi nhà thông minh.
Cơ hội tỷ đô tiếp theo
Thành công của Echo khiến cho các nhân viên của Amazon phải bất ngờ. Theo Limp, chỉ sau vài phút cho phép đặt đơn hàng, đội ngũ Amazon đã nhanh chóng nhận ra con số dự đoán của họ là quá thấp. Một trong số các nhân viên của Amazon khẳng định số đơn hàng đặt trước đã chạm mốc 1 triệu máy chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần. Ngay cả chiếc iPhone của Apple cũng phải mất tới 70 ngày để thiết lập được kỷ lục tương tự khi ra mắt vào năm 2007.
Amazon không xác nhận con số này, nhưng mọi dấu hiệu đều cho thấy Echo là thành công lớn tiếp theo của gã khổng lồ e-com trên mảng phần cứng. Chiếc loa thông minh này luôn luôn nằm trong danh sách sản phẩm bán chạy nhất của Amazon.com và các trang liên quan. Số liệu của công ty cho biết Echo là thiết bị có giá trên 100 USD bán chạy nhất trong đại lễ mua sắm Black Friday và cũng nằm trong top 5 các sản phẩm được đặt hàng vào ngày lễ Giáng Sinh qua dịch vụ Prime Now.
Tín hiệu lớn nhất cho thấy Amazon đang đặt cược vào Echo có lẽ là vào đầu năm nay, khi hãng này chọn chiếc loa thông minh của mình làm nhân vật chính trong mẩu quảng cáo đầu tiên của Amazon cho sự kiện Super Bowl (sự kiện thể thao lớn nhất tại nước Mỹ). Có lẽ cũng bởi vậy mà nhiều người mang niềm tin rằng Echo sẽ trở thành sản phẩm trọng tâm tiếp theo của Amazon. Và quả thật là công ty của Jeff Bezos nên làm như vậy: ý tưởng smarthome đã tồn tại từ lâu nhưng chưa bị thống trị bởi bất cứ ông lớn nào. Hiện giờ, Amazon đang nắm trong tay một thiết bị đầu não có khả năng giao tiếp với con người hoàn toàn tự nhiên.
Phó chủ tịch Limp khẳng định doanh số không phải là mục tiêu quan trọng nhất của Amazon vào lúc này. Thay vào đó, ông đang tập trung vào cải thiện chất lượng và trí thông minh của Echo. "Tại Amazon, chúng tôi tin rằng nền tảng lớn tiếp theo sẽ là giọng nói. Điều chúng tôi cố làm là tạo ra một chiếc máy tính trên mây được điều khiển hoàn toàn bởi giọng nói của bạn".
Đó cũng là điều khiến cho đội ngũ Echo tự hào: họ đã theo đuổi những mục tiêu tưởng như bất khả thi và tạo ra một nền tảng công nghệ vốn tưởng chỉ có trong truyện khoa học viễn tưởng.
"Đó thực sự là trải nghiệm phát triển thứ gì đó mà bạn không biết liệu có thành công hay không, nhưng vẫn xứng đáng để thử bởi đó là một tầm nhìn thú vị. Làm gì có đứa trẻ mê công nghệ nào lại không muốn xây dựng những chiếc máy tính giống như trong Star Trek khi lớn lên?".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng