Không phải Mỹ, Nga mới là quốc gia đầu tiên thử nghiệm tàu siêu tốc Hyperloop

    Neo,  

    Nhờ quan hệ hợp tác giữa công ty phát triển Hyperloop của Mỹ và chính quyền thành phố Mát-xcơ-va.

    Hyperloop One, một startup phát triển hệ thống giao thông của tương lai tại San Francisco, vừa tuyên bố đã ký hợp đồng với chính quyền thành phố Mát-xcơ-va và công ty của Nga có tên Summa Group để phát triển hệ thống Hyperloop ở Nga.

    Shervin Pishevar, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Hyperloop One, chia sẻ trong thông cáo báo chí rằng mục đích cuối cùng của công ty là xây dựng một hệ thống "Con đường Tơ lụa mới, vận chuyển các container hàng hóa bằng tàu Hyperloop từ Trung Quốc sang châu Âu".

    Ba bên đã cùng nhau ký môt biên bản ghi nhớ (MOU) tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg diễn ra tuần trước. Mặc dù đây là bản MOU đầu tiên mà Hyperloop One ký kết nhưng hãng này đã tiến hành các nghiên cứu tiềm năng xây dựng tại các địa điểm khác như Hà Lan, Thụy Sĩ, Dubai, Cảng Los Angeles và Vương quốc Anh.

    Chẳng có gì ngạc nhiên khi Hyperloop One muốn phát triển ra bên ngoài nước Mỹ nhằm xây dựng hệ thống Hyperloop kích thước chuẩn đầu tiên của hãng. Hồi tháng Năm, Pishevar chia sẻ rằng công ty của ông đang tìm kiếm quốc gia phù hợp cho việc xây dựng.

    Hyperloop về cơ bản là phương thức giao thông vận tải tốc độ cao trong đó hành khách di chuyển thông qua một đường ống với tốc độ hơn 1.000 km/h. Elon Musk, CEO Tesla và SpaceX là người đầu tiên trên thế giới trình làng khái niệm Hyperloop vào năm 2013. Tuy nhiên, ông đã để mở dự án này nên mọi người đều có quyền tham gia phát triển hệ thống.

    Từ đó tới nay, có hai công ty chủ chốt trong việc phát triển hệ thống là Hyperloop One và Hyperloop Transportation Technologies.

    Hyperloop Transportation Technologies, có trụ sở tại California, cũng có kế hoạch xây dựng một hệ thống Hyperloop kích thước chuẩn bên ngoài nước Mỹ.

    Hyperloop Transportation Technologies đã ký một thỏa thuận với Slovakia vào đầu năm nay để tìm cách xây dựng hệ thống Hyperloop kết nối Bratislava với Viên, Áo và Budapest, Hungary.

    Khó giành được quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Mỹ là một trong những lý do lớn khiến các startup phát triển Hyperloop lên kế hoạch xây dựng hệ thống ống ở nước ngoài. Tuy vậy, theo Pishevar, cho tới nay các nhà quản lý tại Mỹ đều phản ứng tốt với Hyperloop nên chẳng bao lâu nữa những khó khăn về mặt đất đai sẽ được giải quyết.

    Theo Tech Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày