Kì lạ hội chứng "bàn tay ngoài hành tinh"

    Green,  

    Đôi khi bàn tay của bệnh nhân tự hoạt động ngoài sự kiểm soát của chủ nhân.

    Hội chứng “ bàn tay ngoài hành tinh” hay Alien Hand Syndrome (AHS) là một căn bệnh quái ác mà không ít người trên thế giới đang phải chịu đựng hàng ngày, hàng giờ và khó khăn hơn y học hiện đại vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng bí ẩn này. Để có cái nhìn khái quát nhất về AHS, hãy cùng tưởng tượng, tự coi mình là một bệnh nhân của hội chứng bàn tay ngoài hành tinh. Bạn đang nằm ngủ trưa ở trên chiếc võng quen thuộc của mình, thưởng thức từng cơn gió mát, không gian yên tĩnh của một buổi chiều yên ả. Không gì có thể tuyệt vời hơn, thế nhưng, từ từ, bàn tay trái của bạn giơ lên, siết chặt lấy cổ họng, khiến bạn gần như ngạt thở. Cảm giác như một cơn ác mộng thực sự, nhưng bạn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, bạn không thể điều khiển cánh tay trái của mình được nữa. Dường như nó đang có một bộ não riêng điều khiển và làm những điều hết sức kì quặc. Bạn phải lấy hết sức từ tay phải và nới lỏng từng ngón tay trái để ngăn nó không bóp ngẹt cổ họng của mình. Viễn cảnh này có vẻ như một bộ phim kinh dị thường thấy trên truyền hình nhưng nó thực sự tồn tại và được các nhà khoa học gọi là Alien Hand Syndrome – Hội chứng “bàn tay ngoài hành tinh”.

    Kì lạ hội chứng "bàn tay ngoài hành tinh"
     

    AHS thực sự là cái gì ?

    Theo các nhà khoa học, hội chứng này là một dạng rối loạn thần kinh hiếm gặp, trong đó một cánh tay hoàn toàn bị mất kiểm soát và người bệnh hoàn toàn không nhận thức được về hành động của mình. Ví dụ được nêu ở phía trên có vẻ hơi quá, nhưng thực tế thì những người bị AHS cũng mắc phải những triệu chứng tương tự ví dụ như : tự cầm, nắm đồ vật xung quanh, tự chạm vào mặt khi không cần thiết hay tự xé quần áo mình. Một số còn mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như tự đưa thức ăn vào miệng, tự đấm hay tự véo bản thân, gây khó khăn cho người bệnh khi thực hiện những công việc hàng ngày. Căn bệnh này tuy không gây hại gì đến sức khỏe người bệnh nhưng nó hết sức phiền toái, người bệnh thường xuyên gặp những vấn đề về tâm lý, tác động xấu đến cuộc sống của họ.

    Trên thế giới cũng có những căn bệnh với triệu chứng tương tự với AHS về việc mất kiểm soát hành động nhưng AHS khác ở chỗ, những hành động của chân hay tay người bệnh thường đều có mục đích và được định hướng. Ví dụ, cánh tay bị mất kiểm soát sẽ tự động nhặt một vật lên và cố gắng để sử dụng nó hoặc làm những hành động đơn giản chẳng hạn như cởi nút và cài nút áo sơ mi liên tục. Người bệnh vẫn cảm nhận được mọi kích thích với bàn tay của mình nhưng họ thường không thể kiểm soát nổi. Đôi khi, họ còn tự nói chuyện với chính bàn tay mình, có người còn khẳng định mình bị ma nhập.

    Kì lạ hội chứng "bàn tay ngoài hành tinh"
     

    AHS lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1909 và kể từ đó chỉ có khoảng 40 đến 50 trường hợp được chuẩn đoán là mắc căn bệnh này. Nhiều người tin rằng vẫn còn nhiều trường hợp khác nhưng có thể họ bị chuẩn đoán nhầm như là một triệu chứng của rối loạn tâm thần. Sự hiếm có và bản chất của AHS đã dẫn đến việc thiếu dữ liệu và ít có những nghiên cứu chi tiết về căn bệnh này. Tuy nhiên, một bằng chứng mới đây nhất đã giúp các nhà khoa học xác định được vùng não hoạt động trong quá trình xảy ra AHS.

    Chức năng của não và bàn tay “lạ”

    Để hiểu rõ hơn về hội chứng bàn tay ngoài hành tinh này, hãy cùng nhìn qua về bộ não con người. Não bộ được chia thành hai bán cầu, mỗi bán cầu gồm bốn thùy khác nhau, cùng phối hợp để tạo ra, điều khiển hay điều tiết lời nói, hành động, cảm xúc và khoảng 1 tỉ các chức năng phụ khác. Thùy trán là phần chịu trách nhiệm về sự vận động của cơ thể như lời nói hay sự chuyển động và chức năng nhận thức như lập kế hoạch, tổ chức… Nếu một bệnh nhân bị mắc hội chứng AHS thì có thể do họ đã bị tổn thương ở vùng thùy trán này.

    Về vấn đề chức năng nhận thức. Ví dụ bạn muốn nhấp một ngụm café vào buổi sáng. Cái điều mà bạn tưởng chừng như một nhiệm vụ đơn giản thì nó lại bao gồm một chuỗi các xử lý phức tạp của não bộ, bắt đầu từ thời điểm bạn nghĩ về café cho đến khi những giọt café đầu tiên chạm vào môi của bạn.

    Khi bạn ra quyết định uống café, một tín hiệu bắt nguồn từ thùy trán được phát đi và tiến hành trình tự của hành động. Bạn cần phải với lấy cái cốc, đưa lên miệng, nhâm nhi và nuốt, sau đó để lại cái cốc. Những tín hiệu này sau đó được gửi đến các dải dây thần kinh vận động, khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát tất cả những chuyển động của cơ thể. Thùy trán ra lệnh cho dải thần kinh này và giúp bạn có thể thực hiện hành động một cách dễ dàng. Và nhân vật giúp truyền tải tín hiệu này chính dây thần kinh thể chai Corpus callosum.

    Kì lạ hội chứng "bàn tay ngoài hành tinh"
     

    Hãy nghĩ corpus callosum như là một server email của não bộ, với khả năng kết nối và chia sẻ thông tin trực tiếp với hai bán cầu. Hội chứng AHS chắc chắn là do những dây thần kinh này đã bị ảnh hưởng. Những ảnh hưởng này thường xảy ra ở túi phình động mạch não, bệnh nhân đột quỵ, hay do ảnh hưởng từ quá trình điều trị động kinh. Khi dây thần kinh này bị tác động, các phần khác nhau của não bộ như bị “ngắt kết nối” và không thể giao tiếp với nhau. Điều này đã dẫn đến việc mất kiểm soát hay bàn tay tự điều khiển mà bản thân người bệnh không thể dừng lại được.

    Hội chứng AHS trên truyền hình

    Trên thế giới, chỉ có khoảng bốn chục báo cáo về trường hợp của những ca mắc phải hội chứng AHS. Thế nhưng, khá ngạc nhiên, thế giới văn học và Hollywood đã đề cập đến căn bệnh này từ lâu. Còn xuất hiện những cuốn tiểu thuyết miêu tả AHS rất sát với những trường hợp ở ngoài thực tế. Những bí ẩn xung quanh nó, bản chất ma quái, viễn tưởng, có thể nói rằng đây là một đề tài khá thu hút.

    Kì lạ hội chứng "bàn tay ngoài hành tinh"

    AHS xuất hiện trên màn ảnh rộng lần đầu tiên vào năm 1935 với bộ phim “Mad love”. Cốt truyện xoay quanh nhân vật bác sĩ bị ám ảnh bởi việc ông đã thay thế bàn tay một người bình thường với bàn tay của một tên sát nhân cầm dao. Hay bàn tay giết người trong một bộ phim kinh dị của Oliver Stone “ The Hand” vào năm 1981. Nó còn được miêu tả trong chương trình truyền hình “Angel” nổi tiếng, hay “ The Simpsons”, thậm chí cả game “Metal Gear Solid”. 

    Có thể nói hội chứng AHS tuy là hiếm gặp nhưng cũng đã quá quen thuộc với mọi người và nó hoàn toàn có thực chứ không chỉ xuất hiện trên những bộ phim viễn tưởng như mọi người vẫn nghĩ. Nhưng chính sự bí ẩn và những hành động mất kiểm soát của “bàn tay ngoài hành tinh” luôn là một đề tài thu hút và truyền cảm hứng cho các nhà văn, nhà làm phim khai thác về hội chứng kì lạ này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày