Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình?

    M.Đức,  

    Trong những điều kiện ánh sáng hỗn hợp, liệu rằng sử dụng kính lọc (phương pháp vật lí) hay chụp ảnh chồng hình HDR (phương pháp số) cho chất lượng hình ảnh tốt hơn?

    Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình? - Ảnh 1.

    Trong nhiếp ảnh thiên nhiên, những nhiếp ảnh gia thường sử dụng kính lọc GND để gia tăng dải biến động sáng (Dynamic range), làm bức ảnh nhìn giống với những gì mắt con người có thể thấy hơn. Nhưng có một kĩ thuật nữa, giúp người dùng không phải đem thêm bất cứ dụng cụ gì mà vẫn có thể có kết quả tương tự đó là chồng hình (chụp HDR). Ta áp dụng phương pháp chụp này bằng cách chụp nhiều tấm hình ở các giá trị sáng (độ sáng - exposure) khác nhau, sau đó ghép chúng bằng các phần mềm hậu kì rồi tinh chỉnh theo nhu cầu.

    Nhưng đâu mới là phương pháp tốt hơn? Liệu một loại có thể thay thế hoàn toàn được loại còn lại? Trước khi trả lời câu hỏi đó ta hãy tìm hiểu kĩ hơn về từng phương pháp.

    Kính lọc GND (Graduated Neutral Density) là gì?

    Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình? - Ảnh 2.

    Một miếng kính GND

    Kính lọc Neutral Density (ND) giống với một chiếc kính râm cho máy ảnh của bạn, cắt giảm lượng ánh sáng đến với ống kính, cảm biến để giảm giá trị sáng cho bức ảnh. GND (Graduated Neutral Density) là một phiên bản đặc biệt hơn của kính lọc ND, với phần trên đen (giảm sáng) nhưng sẽ trong suốt dần dần khi đi xuống cạnh dưới.

    Kính lọc này có tác dụng làm tối những thành phần bị dư sáng (đa phần là bầu trời), nhưng không chắn sáng các thành phần bị tối (mặt đất, núi đồi, cây cối) để tạo ra một bức ảnh hài hòa hơn là chụp thông thường.

    Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình? - Ảnh 3.

    Phương pháp chụp chồng hình (HDR)

    Như đã đề cập, phương pháp này sử dụng nhiều bức ảnh với giá trị sáng khác nhau sau đó ghép chúng lại để tạo ra 1 bức duy nhất có dải biến động sáng rộng (HDR), tức chứa cả thông tin về những điểm sáng nhất và cả tối nhất.

    Hiện có rất nhiều phần mềm có thể thực hiện được việc ghép HDR, nhưng có lẽ người dùng sẽ quen nhất với Adobe Lightroom hoặc Photoshop. Các phần mềm đều có thể chọn một cách thông minh từng thành phần của các bức ảnh 'con' để đặt vào bức ảnh 'mẹ', nhưng người dùng hoàn toàn có thể cắt ghét bằng tay theo ý muốn.

    Vậy thì 2 phương pháp có thể sử dụng thay thế hoàn toàn được nhau không? Câu trả lời là: Không. Tùy vào từng cảnh vật mà ta sẽ sử dụng 1 phương pháp để đạt được chất lượng ảnh tốt nhất!

    Khi nào sử dụng kính lọc GND?

    Kính lọc GND có độ giảm sáng giảm dần đều từ trên xuống dưới, nên sẽ được sử dụng trong những cảnh mà đường chân trời đặt song song với ảnh. Như 2 tấm hình dưới đây, điểm cắt giữa bầu trời và mặt đất rất rõ ràng, nên ta sẽ sử dụng kính lọc GND và chụp 1 lần là xong, không cần phải dùng tới phương pháp HDR.

    Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình? - Ảnh 4.

    Khi nào sử dụng phương pháp chống hình?

    Ngược lại với kính lọc, với phương pháp chồng hình ta có thể tinh chỉnh giá trị sáng tùy vào cảnh một cách linh hoạt nên sẽ phù hợp với những cảnh có ánh sáng hỗn hợp, với hậu cảnh và tiền cảnh đan xen lẫn nhau.

    Sau đây là 2 ví dụ mà ta phải chồng hình chứ không thể dùng kính lọc:

    Kĩ thuật chụp phong cảnh ánh sáng khó: dùng kính lọc GND hay chụp chồng hình? - Ảnh 5.

    Trong hình ảnh đầu tiên, nếu dùng kính lọc GND ta sẽ có thể làm tối bầu trời, nhưng cũng sẽ 'dính' luôn cả vào những dãy núi và tạo nên một bức ảnh thiếu tự nhiên. Bức ảnh thứ 2 cũng vậy, kính lọc sẽ tạo được màu xanh cho bầu trời, nhưng chắc chắn sẽ làm tối đi dãy núi nằm ở phía xa.

    Một nhược điểm của phương pháp chồng hình đó là quá trình hậu kì sẽ tốn thời gian, nhất là ở những bức hình có ánh sáng hỗn hợp như ví dụ thứ 2 ở trên. Nhưng một khi đã làm quen tay thì sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.

    Tổng kết

    Để tóm lược, kính lọc GND sẽ phù hợp với những cảnh mà đường chân trời song song và rõ ràng. Một khi đã có những yếu tố hậu cảnh phức tạp như núi, trời và tòa nhà ở đường chân trời thì ta phải chuyển sang phương pháp chồng hình HDR để có thể tùy chỉnh linh hoạt hơn.

    Về tác giả: Christian Hoiberg là nhiếp ảnh gia thiên nhiên chuyên nghiệp, đã chia sẻ rất nhiều những bức ảnh và kĩ thuật về bộ môn này. Bài viết trên là ý kiến cá nhân của ông được chia sẻ trên trang Petapixel.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày