Liệu CEO một hãng công nghệ có quyền buộc một Tổng thống đương nhiệm phải ‘câm lặng’? Làm thế nào để kìm hãm sức mạnh vượt tầm kiểm soát của Big Tech? Đây quả thực là những câu hỏi khó có lời đáp.
Trong một tuần vừa qua, giới công nghệ chứng kiến bước ngoặt quan trọng: các “ông lớn” đồng lòng hất Tổng thống Donald Trump ra khỏi nền tảng của họ sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol (Mỹ). Quyết định này, bên cạnh những sự đồng tình, lại kéo theo nhiều lo ngại. Các nhà phê bình tranh luận doanh nghiệp tư nhân không thể có quyền xóa bỏ dấu ấn kỹ thuật số của một Tổng thống đương nhiệm.
Lãnh đạo toàn cầu đã lên tiếng về vụ việc này. Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Angela Merkel – một người không mấy hâm mộ ông Trump – xem việc tài khoản của Tổng thống Mỹ bị đình chỉ vĩnh viễn là “có vấn đề”. Bà không đơn độc, khi nhiều nhân vật nổi bật khác trên chính trường cùng quan điểm với bà, từ Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đến con trai Tổng thống Brazil Eduardo Bolsonaro và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno La Maire. Theo ông Le Maire, “quy định của thế giới số không thể do các nhà tài phiệt kỹ thuật số thực hiện”.
Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản Tổng thống Trump do kích động bạo lực. Ảnh: QZ
Hôm 13/1, khi được hỏi “có cảm thấy thoải mái nếu một công ty Mỹ kiểm soát cách giao tiếp với cử tri hay không” hay có tin rằng các công ty mạng xã hội nên là đối tượng chịu quản lý tương tự báo chí và đài truyền hình hay không, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: “Tôi thực sự nghĩ cần có cuộc tranh luận về tình trạng của các công ty Internet lớn và họ nên được xác định là nền tảng giới hạn hay như các nhà xuất bản. Bởi lẽ, khi bắt đầu công việc biên tập nội dung, anh đã bước vào một thế giới khác. Đã đến lúc chúng ta trò chuyện thẳng thắn về ranh giới mà chúng ta muốn thiết lập, bao gồm vai trò của doanh nghiệp trong thứ mà họ lựa chọn xuất bản hay không xuất bản”.
Tổng thống Trump bị cấm vĩnh viễn trên Twitter vì các tweet xoay quanh vụ bạo loạn đồi Capitol. Facebook, Instagram, Twitch và Snapchat cũng đình chỉ tài khoản của ông Trump, ít nhất trong thời gian hiện tại.
Nhiều người bảo thủ đặt câu hỏi về lệnh cấm, song các chuyên gia khoa học chính trị nhận định nó không vi phạm pháp luật. Một số người nói đây là vấn đề tự do ngôn luận, vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, theo Giáo sư khoa học chính trị David Canon, “Tu chính án thứ nhất ngăn cản chính phủ kiểm duyệt phát ngôn, không nhắc gì tới các công ty tư nhân”.
Như vậy, cũng như các ông chủ tạo ra bộ quy tắc riêng cho nhân viên, các công ty tư nhân cũng đặt ra luật lệ riêng. Hơn nữa, quyền tự do ngôn luận càng khó viện dẫn hơn nếu xét tới lý do mà tài khoản Twitter của ông Trump bị cấm vĩnh viễn.
“Sau khi đánh giá kỹ lưỡng các tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump và bối cảnh xung quanh, chúng tôi đình chỉ vĩnh viễn tài khoản do nguy cơ tiếp tục kích động bạo lực”. Twitter không buộc một chính trị gia im lặng vì đưa ra ý kiến trái chiều với Twitter. Doanh nghiệp tư nhân kiểm duyệt người dùng của họ không phải là hành động độc tài mà là dân chủ. Twitter có mọi quyền để mời ông Trump ra khỏi nền tảng của mình, tương tự như đã làm với chuyên gia thuyết âm mưu Michael Flynn.
Theo các chuyên gia, dù mạng xã hội đã tồn tại hơn một thập kỷ, luật pháp và quy định vẫn chưa theo kịp với chúng. Một ví dụ gần nhất là thời kỳ báo in, có độ trễ giữa thời gian phát minh công nghệ và thời gian ra quy định, quản lý cách sử dụng công nghệ. Mạng xã hội cũng như vậy, chúng ta hiện tại mới trong quá trình suy nghĩ về các loại hạn chế, cách áp dụng hạn chế đó lên các nền tảng.
Chuyên gia về giám sát và quản lý nội dung Dia Kayyali cho rằng loại bỏ ai đó khỏi mạng xã hội, đặc biệt vì phát ngôn chính trị, nên đi theo con đường pháp lý cụ thể. Song, điều đó không dễ áp dụng tại Mỹ. Hầu hết các nước đều áp đặt giới hạn lên tự do ngôn luận. Chẳng hạn, Đức quản lý phát ngôn thù địch trên mạng. Còn tại Mỹ, tự do ngôn luận nêu trong Tu chính án thứ nhất vô cùng rộng lớn. Phần diễn giải yếu tố cấu thành kích động bạo lực quá hạn hẹp, lỗi thời so với tầm với và thực tế mạng xã hội, do đó cần được sửa đổi.
Lỗ hổng này cho phép các hãng công nghệ tự quản lý bản thân, ngay cả khi họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ nội dung nào đăng trên nền tảng của họ. Tương tự, các nền tảng mạng xã hội và kênh xuất bản điện tử khác phần lớn tự kiểm duyệt nội dung mà họ cho là không phù hợp nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Mạng xã hội có thể là phương thức hiệu quả để chống lại hành động bạo lực. Khi Twitter đình chỉ những tài khoản ủng hộ tổ chức khủng bố ISIS, công ty đã làm giảm đà phát triển của tổ chức. Dù vậy, lệnh cấm Tổng thống Trump có thể sớm trở thành tiền lệ áp dụng rộng rãi, đặc biệt khi đối mặt với áp lực chính trị, xã hội hay tài chính.
Vì vậy, lo ngại này nên biến thành hành động, hướng dẫn các công ty mạng xã hội để cải thiện cách họ xử lý các cuộc trò chuyện, kể cả khi thiếu vắng khung pháp lý cụ thể hay trong bối cảnh mà luật pháp không bảo vệ tự do ngôn luận. Mạng xã hội không chỉ phải minh bạch trong cách họ cấm, đình chỉ tài khoản mà pháp luật nên yêu cầu họ làm như vậy.
Tổng thống Trump, sau nhiều năm đặt cược rằng ông quyền lực tới mức Twitter và các hãng khác không thể làm được gì, cuối cùng đã thua cuộc vào thời điểm chuyển giao. Khả năng “tắt tiếng” Tổng tư lệnh của nước Mỹ cho thấy những công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã có quyền lực tới mức nào. Song, như Nghị sỹ David Ciciline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện Mỹ, đã phát biểu trong phiên điều trần tháng 7/2020: “Các nhà sáng lập của chúng ta không cúi đầu trước vua. Chúng ta cũng không cúi đầu trước hoàng đế của nền kinh tế số”.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng