Thậm chí, với mức giá rẻ của các smartphone Trung Quốc, nhiều người dùng còn tỏ ra lo ngại về chất lượng của những sản phẩm này.
Trong năm 2015 vừa qua, sự đổ bộ của các smartphone có xuất xứ Trung Quốc vào các thị trường mới nổi đã và đang trở thành tâm điểm của giới công nghệ. Trong đó, đáng kể nhất phải nói tới mức giá rẻ, cũng như cuộc chạy đua cấu hình, công nghệ không ngừng nghỉ của smartphone Trung Quốc tại tất thảy phân khúc.
Đơn cử như hiện tượng của bộ đôi Redmi Note 2 và Redmi Note 3 tại thị trường di động Việt Nam trong thời gian gần đây. Sự xuất hiện của 2 chiếc smartphone giá rẻ này trong năm qua, cùng mức tiêu thụ tăng nhanh tới chóng mặt, đã khiến không ít ông lớn như Samsung, HTC phải lao đao tại sân chơi di động hiện nay.
Thậm chí, với mức giá rẻ như cho của các smartphone Trung Quốc bao gồm các thương hiệu: Xiaomi, Huawei hay Lenovo, nhiều người dùng còn tỏ ra nghi ngại về chất lượng của những sản phẩm này, bởi câu nói "của rẻ là của ôi". Hoặc nhiều người cũng không tin nổi smartphone ngày nay lại vừa đẹp, vừa tốt lại vừa rẻ tới vậy.
Để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu, tại sao smartphone Trung Quốc hiện nay lại rẻ tới vậy?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập tới 3 yếu tố, gần gũi và dễ hình dung nhất về sự thành công của các smartphone Trung Quốc trong thời gian gần đây: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa!
Thiên thời
Với yếu tố này, có thể tạm hiểu, nhờ có thời cơ chín muồi nên các smartphone Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên như một thế lực hùng mạnh từ phương Đông.
Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone trong 5 năm trở lại đây - Số liệu: Android Authority.
Nếu được chọn ra 3 dấu mốc quan trọng của thị trường smartphone nói chung, đó sẽ là 3 thời điểm: 2008 - 2012 - 2013. Tại sao? Thời điểm 2008 là năm đánh dấu sự xuất hiện của rất nhiều các mẫu điện thoại chạy hệ điều hành riêng biệt, ngày nay được chúng ta tạm gọi là smartphone (điện thoại thông minh).
Thời điểm 2012 là năm đánh dấu sự bùng nổ của smartphone trên toàn cầu. Minh chứng là trong Q4/2012, lần đầu tiên tổng số smartphone được vận chuyển vượt ngưỡng trên 200 triệu thiết bị. Còn thời điểm 2013 là năm đánh dấu sự đi xuống của Nokia, đồng thời cho thấy dấu hiệu công ty Phần Lan phải bán mình.
Ở đây, năm 2013 chính là thời cơ để các smartphone Trung Quốc bắt đầu vùng lên ở phân khúc điện thoại giá rẻ. Nói cách khác, tượng đài Nokia gục ngã, đại diện cho những điện thoại cơ bản (feature phone) đã bị thay thế bởi các đại gia tới từ Trung Quốc, đơn thuần là sự thế chỗ giữa 2 đại diện lớn.
Thứ nhất, vào thời điểm đó, xu hướng smartphone đã bắt đầu bùng phát tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam. Thứ hai, nếu xét về tầm giá, bản thân smartphone giá rẻ (khoảng 2-3 triệu đồng) cũng dư sức bao trọn mặt bằng chung của dòng điện thoại cơ bản lúc bấy giờ.
Thời thế tạo anh hùng, sự vùng lên đúng lúc của các nhà sản xuất Trung Quốc, mà dòng sản phẩm chiến lược là smartphone giá rẻ đã gây dựng nên những tên tuổi như Xiaomi, Huawei hay Lenovo ngày nay (cả 3 đại diện đều nằm trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất hiện tại, chỉ xếp sau Apple và Samsung).
Địa lợi
Chỉ dựa vào thời cơ thôi, các ông lớn tới từ Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng để soán ngôi hàng loạt các nhà sản xuất di động kì cựu hiện hành. Đây là lúc mà yếu tố địa lợi phát huy hiệu quả.
Nhà máy Foxconn tại Trung Quốc cũng là nơi cho ra đời những chiếc iPhone đầu bảng.
Nói một cách dễ hiểu, các nhà sản xuất di động Trung Quốc đã tận dụng thành công những lợi thế sân nhà (có sẵn) nhằm tạo ra các smartphone vừa rẻ, vừa có chất lượng cao như hiện nay. Đáng kể nhất chính là 2 thế mạnh: nhân công nội địa giá rẻ, linh kiện và quy trình sản xuất smartphone rẻ như bèo tại đây.
Về thế mạnh nhân công giá rẻ, chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Chính nhờ có lực lượng nhân công hùng hậu, các hãng sản xuất nội địa đã tiết kiệm tối đa chi phí cho người làm, cũng như chẳng mất một xu cho việc vận chuyển khi các nhà máy đặt ngay tại Trung Quốc.
Trên thực tế, rất nhiều nhà sản xuất lớn như Apple hay Samsung cũng dùng tới lực lượng lao động tại Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn, chính sự tôi rèn bởi các thương hiệu lớn, lực lượng nhân công này đã đem tới sự hiệu quả, chuyên nghiệp, và góp 1 phần không nhỏ trong sự thành công của các nhà sản xuất nội địa.
Đến với thế mạnh thứ 2: linh kiện giá rẻ. Có thể nhận thấy một xu hướng, phần lớn các mẫu smartphone giá rẻ Trung Quốc bán chạy đều là các sản phẩm có cấu hình ở mức trung bình. Nghĩa là các linh kiện luôn không phải đời mới nhất. Thay vào đó là các linh kiện ổn, nhưng giá thành dễ chấp nhận hơn.
Đơn cử như trường hợp của hãng sản xuất vi xử lý MediaTek xuất xứ từ Trung Quốc. Bản thân các chipset của hãng này chưa bao giờ được đánh giá cao như Qualcomm hay Samsung Exynos. Nhưng đổi lại, giá thành và chi phí lại rẻ hơn. Vô hình chung, điều này giúp smartphone Trung Quốc có giá bán tốt hơn các đối thủ.
Nhân hòa
Đây thực sự mới là "cái tôi", đồng thời là chiến lược đúng đắn của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.
Người hâm mộ thương hiệu Xiaomi trong một sự kiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chúng ta đều biết rằng, trong câu chuyện giá thành của một chiếc smartphone, chi phí quảng cáo, cũng như bán lẻ đóng một vai trò trọng yếu. Nhờ việc cắt giảm hàng loạt những chi phí truyền thống, chưa thực sự cần thiết, smartphone Trung Quốc đã đánh thẳng vào tâm lý chuộng giá rẻ của người dùng.
Đây chính là ý nghĩa của yếu tố: nhân hòa. Đầu tiên, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đều sử dụng hình thức bán hàng trực tuyến, thay cho bán lẻ thông thường. Nhờ đó, các sản phẩm bán ra đều không mất thêm chi phí nhân sự, chi phí mặt bằng, chi phí trưng bày, bảo quản...
Vô hình chung, điều này đã làm giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh trong giá thành sản phẩm. Đặc biệt, phương thức bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc còn bắt kịp xu hướng mua hàng online của thị trường tỷ dân, thúc đẩy sự đi lên của các trang thương mại điện tử, cũng như mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc còn tận dụng rất tốt các chiến lược quảng cáo thông qua mạng xã hội, diễn đàn hiện nay. Nhờ đó, các sản phẩm bán ra cũng chẳng mất thêm 1 xu cho các ngôi sao, gương mặt đại diện, các đúp quảng cáo đắt đỏ trên truyền hình, và cả báo, đài truyền thống.
Đơn cử như việc Sony có thể chi tới hàng chục triệu USD để chiếc Xperia Z5 xuất hiện trong loạt phim bom tấn 007. Còn Xiaomi lại sử dụng phương pháp truyền miệng trên Facebook, Weibo hoặc các diễn đàn như MIUI, mà lợi thế lớn nhất là: rẻ, tiện lợi, lan tỏa nhanh, phù hợp với đối tượng giới trẻ hiện tại.
Nhưng...
Rẻ quá chưa hẳn đã tốt. Nếu tổng kết cả 3 yếu tố trên, chúng ta sẽ thấy rằng, không chỉ Xiaomi, Huawei hay Lenovo mới có thể tạo ra những chiếc smartphone giá rẻ nhất, cấu hình tốt nhất.
Thế chân kiềng, Huawei - Xiaomi - Lenovo tại thị trường smartphone Trung Quốc.
Trên thực tế, thế mạnh lớn nhất của smartphone xuất xứ Trung Quốc vẫn là giá rẻ, với triết lý: "Có thể điện thoại của chúng tôi không sở hữu cấu hình tốt nhất, đẹp nhất hay mạnh nhất, nhưng cho bạn ngần đó tiền, đố mua được chiếc smartphone nào hợp lý hơn". Điều này đúng, nhưng đã xưa rồi!
Bản thân yếu tố "giá rẻ" của smartphone chỉ có thể coi là chiến lược, hoặc kế hoạch bán hàng, chứ không phải bản sắc của một thương hiệu, hoặc một nhà sản xuất smartphone. Nói cách khác, khi giá rẻ không còn là thế mạnh, những gì sót lại, cô đọng nhất về một smartphone Trung Quốc là không nhiều.
Minh chứng là ở thời điểm hiện tại, lần lượt các tên tuổi như LeTV hay Meizu đã cho ra đời không ít smartphone giá rẻ chẳng hề kém cạnh so với bộ 3: Mi - Huawei - Lenovo. Nghĩa là sức nóng, sự cạnh tranh đã và đang tăng dần tại thị trường di động Trung Quốc nói chung, phân khúc smartphone giá rẻ nói riêng.
Vậy bản thân các nhà sản xuất Trung Quốc có cảm nhận được điều này? Câu trả lời là có. Ông lớn như Xiaomi đã cho ra đời không ít siêu phẩm trong năm qua, như Mi Note hay Mi Note Pro là một ví dụ. Nhưng, vấn đề là các flagship Trung Quốc lại chưa tới tầm, hoặc đủ lực để dành được danh hiệu flagship thực sự.
Điều này dẫn tới hệ quả, khi người dùng có điều kiện hơn, hoặc có nhu cầu nâng cấp smartphone, họ sẽ không có được một sản phẩm thực sự tốt để thay thế. Khi đó, sự lựa chọn còn lại sẽ là các tên tuổi lớn như Apple hay Samsung, vợt hết những mảng miếng béo bở nhất của thị trường di động.
Đáng báo động hơn, chu kì nâng cấp, thay mới smartphone của người dùng cũng đang tới gần, nhanh nhất chỉ 1-2 năm nữa. Trước sức ép ngay tại phân khúc giá rẻ, và sự đe nén của smartphone cấp cao, smartphone Trung Quốc liệu có sống sót? Câu trả lời sẽ được chúng tôi đưa ra trong kì tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng