Kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy lớn có nhiều khói tại tòa nhà cao tầng

    PV,  

    Trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.

    Vào khoảng 13h30 ngày 1/11, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 68, trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngọn lửa đã lan nhanh ra những ngôi nhà xung quanh cũng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, do phía trước là các biển quảng cáo liền kề nhau.

    Đến hơn 19h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Theo thông tin ban đầu, số nạn nhân tử vong là 13 người. Nhiều xe cấp cứu cùng nhân viên y tế vẫn đang túc trực tại hiện trường. Phải đến hơn 21h cùng ngày, lực lượng chức năng mới đưa được các thi thể ra ngoài và đưa đến nhà tang lễ Cầu Giấy, Hà Nội.

     Lực lượng chức năng được huy động dập lửa tại quán karaoke 68.

    Lực lượng chức năng được huy động dập lửa tại quán karaoke 68.

    Thông thường, khi bị "bà hỏa" tấn công, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm.

    Do đó, để thoát nạn khỏi một đám cháy lớn có nhiều khói lửa, bạn cần phải biết những kỹ năng thoát nạn ngay giữa lúc tất cả mọi người trong khu vực cháy đều chuyển động cùng lúc.

    Bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra.

    Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.

    Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.

    Khi thoát ra ngoài, phải dùng mọi cách để nhân viên cứu hỏa biết

    Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, bạn nên phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét nhằm nhanh chóng phát hiện và đưa bạn ra khỏi đám cháy.

    Không được chạy khi bị lửa làm cháy quần áo

    Nếu không may bị lửa làm cháy quần áo, bạn nên phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt.

    Tuyệt đối không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

    Đặc biệt, nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên.

    Không sử dụng thang máy để thoát nạn

    Tuyệt đối không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Chỉ thoát theo các đường hành lang, cầu thang bộ, mái nhà và ban công ở tầng thấp.

    Đóng các cửa lan truyền để giới hạn khói lửa lan tràn

    Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết. Hãy cùng họ đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.

    Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.

    Tuân thủ hướng dẫn của người hướng dẫn thoát nạn tòa nhà

    Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.

    Giúp người bị cháy đúng cách

    Trong quá trình tìm đường thoát nạn, bạn có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo.

    Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng phải tổ chức sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.

    Báo cháy kịp thời cho cơ quan chức năng

    Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.

    Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.

    Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP

    Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy

    1. Mọi vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy đều phải được phát hiện kịp thời, bị đình chỉ ngay và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra đều phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy khi có hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định này.

    3. Việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy phải do người có thẩm quyền được quy định tại chương III Nghị định này tiến hành.

    4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.

    Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt.

    Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

    5. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

    6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

    Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

    2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới về phòng cháy và chữa cháy hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

    3. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Điều 5. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

    1. Hình thức xử phạt chính bao gồm:

    a) Cảnh cáo;

    b) Phạt tiền: một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có thể bị phạt từ 50.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    2. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

    3. Ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

    a) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

    b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

    c) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra;

    d) Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;

    đ) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định của Nghị định này.

    Điều 6. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt

    Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật; nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, dung túng, bao che cho hành vi vi phạm hành chính hoặc xử phạt không đúng quy định của pháp luật thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Điều 7. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

    1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy mà có hành vi ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hoặc xử lý vi phạm của người thi hành công vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    3. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy mà không chấp hành các quyết định của người có thẩm quyền thì bị cưỡng chế thi hành

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày