Trong tương lai, quyền định đoạt vận mệnh của thế giới rất sẽ nằm trong tay các kỹ sư.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Jamie Condliffe trên trang Gizmodo
Công nghệ đang là tâm điểm của cuộc sống hiện đại. Nhưng khi các hệ thống điện tử và máy tính đang ngày càng trở nên phức tạp, cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ ngày càng lệ thuộc vào những người tạo ra các hệ thống trên – các kỹ sư.
Vào năm 1952, nhà văn người Mỹ Kurt Vonnegut đã ra mắt tiểu thuyết đầu tay của mình, Player Piano. Cuốn sách này miêu tả một tương lai gần, trong đó xã hội gần như được tự động hóa hóa toàn bộ mà không cần có lao động con người. Trong tiểu thuyết, máy móc tự chế tạo máy móc, nắm quyền tuyển dụng con người và thậm chí đánh bại những kỳ thủ cờ vua giỏi nhất.
Vonnegut có trí tưởng tượng về tương lai đáng kinh ngạc. Những điều ông viết dường như đã trở thành hiện thực. Thế giới của chúng ta đang rất giống những gì ông miêu tả. Máy in 3D có thể xây một ngôi nhà, phần mềm của Uber tự quyết định chọn tài xế cho khách hàng, và Google đã tạo ra một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đánh bại nhà vô cờ vây thế giới.
Mặc dù vậy, trong thế giới tưởng tượng của Vonnegut, không phải mọi chuyện đều tốt đẹp. Tự động hóa đã gây chia rẽ xã hội. Tầng lớp thượng lưu giàu có, gồm các kỹ sư và nhà quản lý, là những người nắm quyền điều khiển xã hội. Tầng lớp thấp hơn gồm những người có trình độ thấp bị thay thế bởi máy móc. Các kỹ sư thì sống trong xa hoa, tiệc tùng, nhà đẹp, giàu sang và quyền lực.
Có lẽ thế giới của chúng ta đang đi theo chiều hướng tương tự. Rõ ràng, những người nắm giữ vị trí đỉnh cao trong xã hội ngày nay gồm ngày càng ít những người điều hành các công ty bán lẻ, quỹ đầu tư hoặc thậm chí các quốc gia. Thay vào đó, những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay đang thuộc về ngành công nghệ.
Các chuyến thăm của Tim Cook tới Trung Quốc và Ấn Độ được xem như những chuyến thăm cấp nhà nước. Ông được đối đãi như nguyên thủ quốc gia thay vì như giám đốc một công ty bán điện thoại. Mark Zuckerberg thì đứng bằng vai phải lứa với các chính trị gia. Facebook là kênh tương tác với người dân cần có của mọi chính trị gia (thậm chí đây là kênh thu hút cử tri phổ biến nhất so với các kênh truyền thống).
Không chỉ các tỷ phú và chính trị gia cấp cao, những nhân vật máu mặt trong làng công nghệ hiện nay là những người đang thao túng các cuộc bầu cử tổng thống trong bí mật. Và dường như với quyền lực và sự giàu có nhờ sự nghiệp trong ngành công nghệ đem lại, đến tòa án cũng phải nể nang họ.
Trong khi đó, phần còn lại của xã hội thì không được may mắn như thế. Trong Player Piano, phần còn lại của xã hội, những người bị công nghệ lấy mất việc làm, phải sống trong khó khăn. Họ sống ở ngoài lề của nền kinh tế, cung cấp dịch vụ cho các chuyên gia công nghệ giàu có, và chật vật kiếm từng đồng thù lao ít ỏi.
Nếu bạn thấy câu chuyện trên nghe quen thuộc thì đó là vì nhiều người đang làm việc trong nền kinh tế chia sẻ của chúng ta. Trong đó, họ cung cấp những dịch vụ đòi hỏi ít kỹ năng cho những người giàu có hơn. Mặc dù đúng là Uber đã làm cho việc gọi taxi trở nên dễ dàng hơn, nhiều người trong chúng ta có thể sử dụng dịch vụ này là vì nó có giá rẻ. Đổi lại những người tài xế đang phải chịu thiệt thòi. Các báo cáo cho thấy họ không được bảo vệ quyền lợi trong công việc.
Đừng nhầm lẫn rằng đây là loại công việc giúp người làm được tự do. Nhiều tài xế Uber phải làm việc ngày đêm, kiếm những đồng thù lao ít ỏi chỉ đủ để để nuôi gia đình. Điều này rất khác với các chuyên gia làm công việc tự do (freelancer) có thu nhập cao. Các tài xế của Uber là những người cần việc làm nhưng chẳng có lựa chọn nào khác khi phải chấp nhận công việc trình độ thấp và làm việc với cường độ cao.
Chúng ta chưa thấy sự quay lưng thực sự của công chúng với giới công nghệ là vì vấn đề chưa lên đến đỉnh điểm. Mặc dù vậy, đã có những phản ứng, không chỉ trong các vụ kiện chống lại Uber và Lyft. Có lẽ, đáng chú ý nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng giá nhà ở San Francisco.
Trong đó, người dân địa phương đổ lỗi cho ngành công nghệ đang bùng nổ ở thành phố này. Vào năm 2014, cư dân địa phương đã biểu tình phản đối Google vì nhân viên của họ đổ xô đến đây ở, làm giá bất động sản tăng vọt. Gân đây, Airbnb cũng đang bị chỉ trích dữ dội vì làm trầm trọng thêm vấn đề trên.
Đáng buồn là hố sâu ngăn cách gây ra bởi công nghệ đang ngày càng lớn. Hai học giả Carl Frey và Michael Osborne của đại học Oxford dự đoán, lên đến 47% các công việc có nguy cơ bị đào thải do tự động hóa. Có quan điểm cho rằng con người sẽ tạo ra việc làm mới để bù cho số việc cũ mất đi. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Frey cho thấy tốc độ việc làm mới được tạo ra đang chậm lại. 8,2% người lao động Mỹ chuyển sang việc làm mới trong thập niên 1980. Trong thập niên 1990 và 2000, con số trên giảm xuống tương ứng là 4,4% và 0,5%. Công nghệ đang không tạo ra việc làm mới đủ nhanh để bù lại tốc độ mất việc làm.
Nếu điều đó tiếp tục xảy ra, nhiều công việc kỹ năng trung bình, từ thư ký pháp luật, kế toán, cho đến nhân viên pha chế và thậm chí nhà báo, có thể bị thay thế bởi robot và AI. Một số người làm những nghề này có thể đủ may mắn để thăng tiến lên vị trí cao hơn, gia nhập đội ngũ chuyên gi cấp cao. Nhưng tương lai của những người còn lại thì thật đáng lo ngại. Công việc kỹ năng thấp của họ sẽ bị thay thế bởi robot và dẫn đến thất nghiệp.
Tương lai của chúng ta vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Nhưng có một thực tế là thế giới đang ngày càng lệ thuộc vào các chuyên gia công nghệ. Trong tiểu thuyết Player Piano, một nhóm nhỏ các kỹ sư bất mãn đã tiến hành đảo chính, vận động dân chúng tấn công hệ thống tự động hóa mà họ đã tạo ra. Nhưng họ đã thất bại. Đấy là trong tiểu thuyết, còn thực tế thì sao?
Tham khảo: gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng