Lạ lẫm với người dùng phương Tây nhưng trình duyệt di động này đang đè bẹp Google Chrome tại châu Á

    Chíp,  

    UC Browser của Alibaba đang thống trị tại những thị trường đang mới nổi, nơi chủ yếu sử dụng smartphone giá rẻ.

    UC Browser, một trình duyệt hiếm được sử dụng tại phương Tây đã đánh bật Chrome của Google tại một số thị trường đang phát triển nhanh nhất tại châu Á. Điều này mang lại cho Alibaba, chủ sở hữu của UC Browser, lợi thế trong trận chiến thu hút thế hệ người dùng internet tiếp theo giữa các gã khổng lồ công nghệ.

    Hằng trăm triệu người ở Ấn Độ, Indonesia và các thị trường mới nổi khác đã chọn UC Browser khi lần đầu tiếp cận với internet. Những người dùng này cho rằng UC Browser hoạt động tốt hơn Chrome tại các quốc gia mà smartphone giá rẻ chiếm đa số và mạng di động vẫn còn chậm.

    "Nó nhanh hơn, chiếm ít bộ nhớ hơn và giao diện đẹp hơn Chrome", Rizky Ari Prasetya, 20 tuổi sống tại Jakarta chia sẻ sau khi bỏ Chrome sang sử dụng UC Browser.

    Lạ lẫm với người dùng phương Tây nhưng trình duyệt di động này đang đè bẹp Google Chrome tại châu Á - Ảnh 1.

    Ấn Độ và Indonesia là hai trong số những thị trường lớn, cuối cùng vẫn còn rất nhiều người chưa sử dụng internet. Theo Hiệp hội Viễn thông Quốc tế, chỉ có 30% trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ và 25% trên tổng số 260 triệu dân Indonesia được tiếp cận internet.

    Theo hãng phân tích web StatCounter, UC Browser hiện tại đang có khoảng 430 triệu người dùng trên toàn cầu. Năm vừa qua, UC Browser chiếm khoảng 51% thị phần trình duyệt di động của Ấn Độ trong năm vừa qua, lớn hơn nhiều so với 30% của Chrome. Tại Indonesia, UC Browser chiếm 41% còn Chrome chiếm khoảng 32% trong cùng khoảng thời gian.

    Theo Google, Chrome có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới và theo StatCounter trình duyệt của Google chiếm khoảng 47% thị phần toàn cầu, UC Browser chỉ chiếm 16%. Ở Mỹ, Chrome có 39% thị phần, đứng sau Safari của Apple, chiếm 52%. Trong khi đó, UC Browser chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần tại Mỹ.

    Tuy nhiên, theo StatCounter, Chrome nhỉnh hơn UC Browser về thị phần tại một số thị trường nhỏ nhưng phát triển nhanh ở châu Á như Philippines và Việt Nam.

    UC Browser, có biểu tượng con sóc màu da cam, ra mắt vào năm 2004. Google trình làng Chrome vào năm 2008 cho máy tính và tung ra phiên bản di động cho Android vào năm 2012.

    Kích thước ứng dụng nhỏ và cách tiếp cận giống như một cổng thông tin, hiển thị tin tức, tỷ số của các môn thể thao... và những nội dung khác là hai trong những lý do khiến UC Browser thành công. Những người mới tiếp cận với internet có khuynh hướng muốn làm nhiều điều hơn bằng trình duyệt và họ thích các ứng dụng không chiếm nhiều dung lượng lưu trữ và UC Browser phù hợp với những tiêu chí ấy.

    Nhiều smartphone ở các thị trường đang phát triển tại châu Á chỉ có 12 GB dung lượng lưu trữ, chỉ bằng một nửa so với trung bình toàn cầu và thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn 32 GB tại Mỹ, theo Neil Shah, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Counterpoint.

    Trong khi đó, theo Tiago Costa Alves, phó chủ tịch phụ trách Châu Á Thái Bình Dương của Aptoide, một kho ứng dụng Android độc lập, UC Browser chỉ chiếm 31 MB dung lượng còn Chrome lại "ngốn" tới 125 MB.

    Lạ lẫm với người dùng phương Tây nhưng trình duyệt di động này đang đè bẹp Google Chrome tại châu Á - Ảnh 2.

    Tuy nhiên, UC Browser lại không thể chinh phục nổi thị trường quê nhà. Tại Trung Quốc, nơi mà nhiều đa số smartphone chạy Android, Chrome chiếm tới 54% thị phần so với 17% của UC Browser, theo StatCounter.

    "UC Browser đang nỗ lực để trở thành cánh cổng đầu tiên để khám phá internet cho những người mới tiếp cận web bằng cách cung cấp cho họ khả năng lướt web với số lần nhấp ít hơn và sử dụng ít dữ liệu hơn", Damon Xi, giám đốc Alibaba, người phụ trách giám sát sự mở rộng của UC Browser tại Indonesia và Ấn Độ chia sẻ.

    Ông Xi cho biết nghiên cứu của công ty chỉ ra rằng ngoài dung lượng nhỏ, người dùng cần có các tính năng như nén dữ liệu và chặn quảng cáo để giảm mức sử dụng dữ liệu di động.

    Google dường như cũng đang chú ý tới những vấn đề này. Riêng năm 2017, nhóm phát triển tập trung vào các thị trường mới nổi đã thực hiện tới 40 tinh chỉnh và ra mắt sản phẩm. Một số cập nhật gần đây của Chrome bao gồm giảm kích thước ứng dụng và hạn chế sử dụng dữ liệu. Hơn nữa, Chrome cũng thêm các biểu tượng vào màn hình chính để người dùng nhấp và truy cập các trang web phổ biến thay vì phải nhập địa chỉ web. Đây là hai tính năng mà UC Browser đã cung cấp từ rất lâu. Theo StatCounter, những điều chỉnh này đã phần nào mang lại hiệu quả, thị phần của Chrome tại Ấn Độ và Indonesia đã tăng lên trong những tháng gần đây.

    Một phát ngôn viên của Google từ chối bình luận về vấn đề này.

    Sự sụt giảm người dùng trình duyệt Chrome sẽ ảnh hướng tới vị thế của Google. Chrome hướng người dùng tới công cụ tìm kiếm của Google và các quảng cáo kèm theo nó. Hơn nữa, theo Neha Dharia, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu Ovum, người dùng Chrome cũng có xu hướng sử dụng các dịch vụ khác của Google như Gmail và Google Drive.

    Mặc dù UC Browser không cấm người dùng truy cập Google để tìm kiếm hoặc các dịch vụ khác của Google như YouTube và Maps nhưng theo các nhà phân tích người dùng UC Browser có xu hướng sử dụng dịch vụ của Google ít hơn người dùng Chrome. UC Browser cũng kiếm tiền từ quảng cáo.

    Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường eMarker, chi phí cho quảng cáo di động tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi từ 860 triệu USD trong năm 2017 lên 2,2 tỷ USD trong năm 2021. Mức chi cho quảng cáo di động tại Ấn Độ sẽ tăng từ 460 triệu lên 1,73 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian trên. Mặc dù đây chỉ là những con số cực nhỏ so với 58 tỷ USD chi cho quảng cáo di động tại Mỹ trong năm 2017 nhưng UC Browser có thể mang lại cho Alibaba lợi thế khi xâm nhập vào những thị trường đang phát triển tại châu Á.

    Trước sự trưởng thành của thị trường và sự cạnh tranh của các đối thủ trong nước, Alibaba đang tìm kiếm sự tăng trưởng ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nơi sự cạnh tranh từ các công ty Mỹ như Google và Amazon ngày càng gia tăng.

    Năm ngoái, Alibaba đã thâu tóm hãng Lazada, một hãng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á, nhằm cạnh tranh với Amazon. Tại Ấn Độ, Amazon đã có những bước tiến thần tốc khi cam kết đầu tư tới 5 tỷ USD và quốc gia này. Alibaba cũng đã đầu tư rất nhiều vào Snapdeal.com để chống lại Amazon.

    Nghi ngại về cách xử lý dữ liệu là một thách thức tiềm ẩn với UC Browser. Các hãng công nghệ Trung Quốc thường rất cởi mở và hợp tác với chính quyền về vấn đề an ninh và thực thi pháp luật. Trong khi đó, các hãng công nghệ Mỹ thường phản đối yêu cầu cung cấp thông tin người dùng của chính phủ. "UC Browser có những chính sách nghiêm túc về vấn đề riêng tư và bảo mật", ông Xi nói.

    Theo WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày