Lạc quan và kiên cường, đấy là cách chàng shipper cụt cả 2 tay đối mặt với cuộc sống đầy nhọc nhằn
Đôi cánh tay bị khuyết một nửa nhưng chàng shipper này vẫn có thể làm việc như bao nhiêu người bình thường khác, tự tin lái xe, cầm điện thoại nghe gọi và bốc vác hàng hóa. Công việc dù vất vả nhưng đem đến cho anh một niềm vui lớn, đó là sự tự lập.
Nỗi đau mất cả 2 tay, mồ côi mẹ từ nhỏ của chàng thanh niên 27 tuổi
Người ta thường nói, khi chúng ta không có gì cả, chúng ta vẫn còn đôi tay và khối óc, cho dù khi đưa ra trước gió, đôi tay của chúng ta thật trắng tinh và trống rỗng. Thế nhưng đối với anh Lý Láo Lở (tên thường gọi là Anh Khang, SN 1987, người Pạc Tà, xã A Mú Xung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), quan niệm ấy có vẻ chưa hoàn toàn đúng. Đối với anh, ngay cả một đôi bàn tay lành lặn, anh cũng không có được.
Dù có đôi tay không được lành lặn nhưng anh Khang luôn giữ cho mình thái độ sống rất lạc quan.
Anh có thể làm nhiều việc khác nhau.
Kể cả những việc cần độ chính xác cao như dán băng dính, viết lách, sử dụng điện thoại cảm ứng...
Năm lên 8 tuổi, trong một lần xách phích nước nóng đi giữa sân trường, anh không may bị nguồn điện cao thế phóng trúng. Tai nạn đau đớn xảy đến, anh Khang ngã xuống rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy đôi tay đã đeo đầy băng trắng, đau nhức vô cùng.
Để bảo đảm tính mạng, các bác sĩ đã cưa cả hai tay anh đến sát khuỷu tay và ức chế sự phát triển của cánh tay. Vì thế, dù với sức vóc một chàng thanh niên 27 tuổi nhưng cả hai tay của anh Khang đều rất nhỏ và có phần teo tóp.
Cơ thể không lành lặn, gia cảnh anh Khang còn rất khó khăn. Từ khi còn nhỏ, anh đã mồ côi mẹ. Ngày đôi tay mới bị cưa, anh Khang ý thức rằng có lẽ tương lai mình rồi đây, sẽ đầy rẫy những khó khăn, trắc trở. Chán chường, tuyệt vọng, có lúc 8X này cảm thấy mình bị trầm cảm, không còn có thể vui vẻ như bạn bè đồng trang lứa.
Công việc hiện tại của anh là ship hàng cho khách.
Dù ngày nắng hay mưa, chỉ cần đã nhận đơn hàng là anh Khang luôn giao đúng theo yêu cầu của khách.
"Nhưng rồi những ngày tháng ấy cũng qua đi. Mất 5 tháng, đôi tay mình dần hồi phục, còn về mặt tinh thần và tập luyện cho nó có thể làm việc được, mình cũng không nhớ là bao lâu nữa".
Từ chỗ phải nhờ mọi người trong nhà giúp đỡ tất cả sinh hoạt cá nhân, anh Khang dần tìm cách tự luyện tập. "Chuyện gì không làm được, mình cứ cố thử 1-2 lần, đến lần thứ 3, thứ 4 thì khá hơn và dần dần làm thành thạo".
Đôi tay bị cụt lửng, lâu dần không còn là một gánh nặng với anh Khang. Nó không còn khiến anh buồn bã, chán chường hay mặc cảm về số phận. Anh nói tay mình nhỏ vậy thôi nhưng rất khỏe, có thể làm đủ thứ việc mà một người bình thường có thể làm được.
Bỏ CĐ, rẽ ngang ĐH, ra trường thất nghiệp nhưng vẫn giữ niềm lạc quan vào cuộc sống.
Mất 3 năm sau ngày tai nạn, anh Khang mới có thể quay trở lại trường học. Sau nhiều ngày tập viết, dù đôi tay không lành lặn nhưng anh vẫn có thể theo kip bạn bè. Thành tích học tập tốt và tính tình cởi mở, tinh thần lạc quan của anh đã khiến bạn bè nể phục. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ và chuyển lên Hà Nội theo học một trường cao đẳng nghề.
Cảm thấy con đường mình đang đi không phù hợp với bản thân, anh Khang xin phép gia đình và quyết tâm thi lại ngành Khoa học quản lý, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn. "Gia đình mình khó khăn lắm, mình đi học được cũng là nhờ có một người ba nuôi người Hàn Quốc giúp đỡ", anh Khang kể.
Anh Khang tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Khoa học quản lý.
Anh luôn vui vẻ và hòa đồng với các bạn.
Sau khi ra trường, anh Khang đã nói chuyện với gia đình và ba nuôi, hy vọng có thể tự lập kiếm sống. Mới tốt nghiệp cách đây chưa lâu nên hiện tại, anh vẫn chưa xin được việc làm ổn định. Để trang trải mọi thứ, anh đành làm shipper giao hàng. Công việc này rất vất vả, thường xuyên phải di chuyển trên đường, đối phó với nhiều mánh khóe lọc lừa... thế nhưng anh Khang vẫn cảm thấy rất vui. Bởi vì anh không phải phụ thuộc vào ai hết, nhờ có công việc này, anh có thể tự lực kiếm sống qua ngày.
"Ra trường rồi mình đi xin việc nhưng không ai tin là mình làm được việc gì đó nên hồn. Mới đầu khi xin làm shipper, người ta cũng không tin mình sẽ làm được. Nhưng bây giờ thì mình có nhiều khách hàng lắm, mọi người cũng bắt đầu tin tưởng mình nhiều hơn".
Anh Khang trò chuyện với anh Nghĩa, quản lý của công ty kinh doanh hoa quả sạch.
Anh Khang là một người làm việc rất có trách nhiệm. Ngày nắng mưa, sớm hôm hay lúc khuya khoắt, chỉ cần đã nhận lời của khách là anh luôn giao hàng đúng hẹn. Công việc này tuy chưa hẳn phù hợp với sức khỏe của anh Khang nhưng bằng sự cố gắng hết mình, anh vẫn đang thực hiện nó rất tốt.
"Có nhiều người khi gặp khó khăn, tuyệt vọng, họ thường buông xuôi nhưng mình thì luôn cố gắng để thay đổi, để sống tốt hơn. Mình rất vui vì hiện tại có thể tự làm việc, tự lo cho bản thân dẫu rằng đây không phải là công việc mình mơ ước".
Anh Khang nói chuyện với khách hàng.
Anh Khang nói, anh có rất nhiều dự định. Nghề shipper chỉ là một công việc tạm thời. Mới đây, một công ty chuyên buôn bán hoa quả sạch đã hẹn gặp anh và hứa sẽ đào tạo anh thành một nhân viên marketing online. Điều đó làm anh rất vui và hy vọng, tương lai sau này của mình sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
"Trước đây Khang nó có xin đến đây làm việc nhưng đã nghỉ rồi. Bây giờ chúng tôi gọi cậu ấy quay lại, muốn đào tạo thêm về chuyên môn marketing, SEO để cậu ấy có thể làm công việc văn phòng, phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại", anh Nghĩa (nhân viên quản lý tại công ty hoa quả trên) chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng