Đó là một tin xấu nhân đôi.
Thêm tin tức xấu về tình trạng kháng kháng sinh trong tuần này: Một nghiên cứu mới cho biết nhiều chủng vi khuẩn lao, kháng hầu hết các loại kháng sinh, đang lây lan dễ dàng tại Nam Phi.
Một trong số những vi khuẩn nguy hiểm được biết đến với cái tên viết tắt XDR TB. Nó là một chủng đa đáng thuốc, nghĩa là có thể tồn tại sau nhiều đợt điều trị kháng sinh với nhiều loại thuốc hiện hành khác nhau.
Đáng ngại hơn nữa, người nhiễm khuẩn lao có thể dễ dàng phát tán nguồn vi khuẩn vào môi trường không khí, thông qua một cái hắt hơi, một cơn ho hay thậm chí chỉ là nói chuyện. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn đa kháng thuốc có thể trôi nổi hàng giờ trong không khí. Nó sẽ lây nhiễm cho những người khác nếu họ vô tình hít phải.
Nghiên cứu mới xác nhận đã có trường hợp nhiễm khuẩn lao XDR TB bên ngoài cộng đồng, chứ không phải chỉ trong môi trường bệnh viện.
Một chủng vi khuẩn lao kháng kháng sinh nguy hiểm đang lây lan dễ dàng hơn
Công bố nghiên cứu ngày hôm nay trên tạp chí New England Journal of Medicine, các nhà khoa học chỉ ra rằng: Những trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc mới được phát hiện ở Nam Phi, có xu hướng bắt nguồn từ lây nhiễm vi khuẩn từ người khác. Vậy điều đó có gì đáng ngại?
Thông thường, một chủng vi khuẩn có thể tự biến thể chúng thành siêu vi khuẩn kháng thuốc, nếu người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Khi đó, chúng ta chỉ cần đảm bảo bệnh nhân giữ kỷ luật thì có thể kiểm soát được tình trạng.
Nhưng một con đường khác, vi khuẩn siêu kháng thuốc cũng có thể lây từ người sang người. Và nếu vậy, có điều trị đúng phác đồ đi chăng nữa cũng là biện pháp vô ích. Đó chính là trường hợp mà chúng ta đang nói về khuẩn lao XDR TB ở Nam Phi.
Các nhà khoa học tìm thấy khoảng 400 người mắc lao tại Nam Phi bị lây nhiễm chủng vi khuẩn kháng thuốc từ người khác.
“Chúng ta đã biết rằng bệnh lao là thứ có thể lây nhiễm từ người sang người, nhưng còn chưa chú ý lắm đến chủng đa kháng thuốc XDR”, Tiến sĩ Michael Gardam, giám đốc một phòng khám lao trong mạng lưới của Đại học Toronto cho biết.
“Nhưng trường hợp này chỉ ra sự lây lan từ người sang người đã tiến đến mức rất dễ dàng, và thậm chí đáng sợ hơn nhiều”, ông nhấn mạnh thêm. Vi khuẩn đã phát triển khả năng đa kháng thuốc lại dễ dàng lây lan, đó là một tin xấu nhân đôi.
Một bệnh nhân Nam Phi đang được điều trị vì nhiễm chủng lao đa kháng thuốc
Rời Châu Phi tới một châu lục khác, may mắn là các khuẩn lao kháng thuốc vẫn còn khá hiếm ở Mỹ. Tiến sĩ Peter Cegielski, đứng đầu nhóm phòng chống lao tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết: Mỗi năm nước này chỉ có 5 trường hợp mắc lao kháng thuốc.
Các trường hợp đầu tiên của vi khuẩn lao đa kháng thuốc được báo cáo tại Mỹ vào năm 2005, trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Cegielski và đồng nghiệp. Trong trường này, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao, từ 50-80%. Công tác điều trị thường rất tốn kém mà không đem lại hiệu quả.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu, lọt vào top 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo ước tính năm 2015, cả thế giới có 10.4 triệu ca mắc lao và vi khuẩn đã giết chết 1.8 triệu người trong số họ.
Bệnh lao là một bệnh nhiễm khuẩn thường tấn công vào phổi. Hầu hết các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn có thời gian ủ bệnh dài. Nghĩa là các vi khuẩn sinh sôi và phát triển lặng lẽ trong cơ thể mà các triệu chứng không bộc phát. WHO ước tính có tới 1 phần 3 dân số thế giới mang vi khuẩn lao tiềm ẩn.
Những người đã mang vi khuẩn lao tiềm ẩn có 10% khả năng phát triển thành bệnh. Các triệu chứng khởi phát bao gồm ho, sốt, ra mồ hôi ban đêm, sút cân. Bệnh lao nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tử vong.
1 trong 3 người trên thế giới mang vi khuẩn lao tiềm ẩn
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đến từ CDC và một số trường đại học đã khảo sát 404 bệnh nhân nhiễm khuẩn XDR TB, để xem họ đã bị nhiễm khuẩn kháng thuốc từ người khác hay tự việc điều trị không đúng cách dẫn đến vi khuẩn trên cơ thể họ phát triển được khả năng này.
Các hồ sơ y tế của bệnh nhân được thu thập, đồng thời các nhà nghiên cứu cũng giải mã trình tự gen từ các mẫu khuẩn lao của bệnh nhân. Kết quả chỉ ra rằng vi khuẩn kháng thuốc đã lây lan nhiều hơn là tự chúng đề kháng được với thuốc điều trị.
Một số trường hợp lây truyền XDR TB xảy ra trong bệnh viện, nguy cơ quen thuộc mà chúng ta vẫn trù bị. Nhưng cũng đã có trường hợp xảy ra trong cộng đồng, các tác giả nghiên cứu lưu ý.
“Không bất ngờ lắm khi bệnh lao có rất nhiều con đường lây nhiễm đa dạng, kể cả những chủng khuẩn lao đa kháng thuốc cũng có thể lây lan theo những mô hình này”, tiến sĩ Cegielski cho biết. Ông nói rằng nhiều công việc đang được rục rịch tiến hành để phát triển phương pháp điều trị vi khuẩn XDR TB tốt hơn, và phòng ngừa nó tiếp tục lây lan.
Những phát hiện từ nghiên cứu đặt ra nhiệm vụ cho chúng ta, tiến sĩ Cegielski nói mọi người cần “nỗ lực hơn nữa".
Điều này không chỉ đúng với khuẩn lao đa kháng thuốc XDR TB mà với tất cả các chủng vi khuẩn lao khác, tiến sĩ Philip Lederer, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard cho biết thêm.
Để ngăn chặn những kịch bản xấu trong tương lai, chúng ta sẽ cần “thêm nguồn lực và kinh phí cho tất cả các cấp từ WHO cho tới các chương trình phòng chống lao quốc gia và địa phương”, ông nói. “Mà điều ấy đang bị lờ đi và lãng quên bởi cộng đồng y tế toàn cầu”.
Tham khảo Statnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng