Làm thế nào để những trình duyệt nhỏ có thể ăn thị phần của các ông lớn như Edge, Chrome hay Safari?
Những dòng phân tích chuyên sâu sẽ phần nào đưa bạn đi qua đầy đủ những cung bậc cảm xúc, từ hoài niệm quá khứ xen kẽ lẫn kỳ vọng về một tương lai đầy hứa hẹn của những ý tưởng, nền tảng mới lạ và đáng mong chờ.
TRÌNH DUYỆT WEB - những công cụ hỗ trợ Internet mà hiện nay còn được con người ưu ái dành thời gian nhiều hơn so với những nhu cầu sinh lý cần thiết như ăn ngủ - đã từng có một quá khứ đầy tẻ nhạt. Trước khi có sự ra đời của hình thức duyệt web theo các tab quen thuộc như hiện nay, giao diện thiết kế của những phần mềm nà hầu như không có gì thay đổi và nổi bật trong suốt một thời gian dài kể từ thời điểm ra đời Mosaic - trình duyệt web đầu tiên được biết đến vào khoảng… 25 năm trước.
Thời đại ngày nay, thị phần trình duyệt chủ yếu bị “xâu xé” giữa 4 cái tên nổi bật nhất: Safari từ Apple, Chrome của Google, Internet Explorer của Microsoft và Mozilla Firefox. Dù vậy, chỉ ra điểm khác biệt thực sự giữa chúng chưa bao giờ là một công việc dễ dàng cả.
Càng ngày càng có nhiều những sản phẩm mới nổi lên trong lĩnh vực tương tự. Tháng 8 tới đây cộng đồng người sử dụng Internet trên toàn thế giới sẽ được trải nghiệm tận tay phiên bản đầy đủ và hoàn chỉnh của Brave - dự án phát triển riêng đến từ một vị đồng sáng lập nên Mozilla. Bên cạnh đó, Mozilla cũng đang “rục rịch” triển khai ý định sáng tạo và cho ra mắt một loại hình duyệt web mới có khả năng đưa ra những gợi ý tiếp theo sao cho phù hợp và hiệu quả nhất dựa trên xu hướng và dữ liệu thói quen sử dụng Internet của từng cá nhân.
Đó mới chỉ là hai mảnh ghép nhỏ góp phần làm nên một bức tranh rộng lớn tổng thể của thị trường sôi động bất ngờ này: Năm ngoái Microsoft cũng tung ra thế hệ “đàn em” Edge thay thế cho huyền thoại Internet Explorer; Cliqz - một trình duyệt khác đến từ March (Đức) cũng là cái tên đáng chú ý; và cuối cùng là Vivaldi - sự lựa chọn thú vị và đầy ngẫu hứng.
Nếu những nền tảng duyệt web hiện nay bị coi là buồn chán và tẻ nhạt, đó là bởi vì mọi người thường có xu hướng kỳ vọng quá cao về những đặc điểm và tính năng được cho là sẽ đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của bản thân. Mọi người muốn một cơ chế toàn diện, không chỉ phục vụ mục đích lướt web mà còn cả soạn thảo văn bản, tài liệu, chơi nhạc trực tuyến tiện lợi và tích hợp nhiều dịch vụ khác trong cuộc sống.
Tất nhiên, những ưu tiên hàng đầu của nhà sản xuất luôn được dành cho tính ổn định và hiệu suất hoạt động cao, tiện dụng hết sức có thể. Vì vậy, quá nhiều những chức năng và thao tác lặt vặt, cầu kỳ sẽ có thể phản tác dụng, qua đó tạo điều kiện có các nhà phát triển bên ngoài lập trình nên những “Plug-in” tiện ích mở rộng, đáp ứng tùy theo sở thích của mỗi cá nhân.
Xây dựng và thiết kế một trình duyệt hoàn toàn mới thực sự không hề dễ dàng một chút nào, đòi hỏi rất nhiều quyết tâm cũng như nỗ lực và cả sáng tạo nữa. Chỉ những “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới như Apple, Google và Microsoft mới đủ tiềm lực tài chính và nhân sự để có thể tự tay tạo ra một nền tảng cốt lõi hiệu quả cho trình duyệt của riêng họ.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của những tên tuổi trên cũng tác động khá lớn đến các nhà đầu tư khác, khiến họ trở nên lép vế. Vì vậy, việc “cắm đầu cắm cổ” phát triển một trình duyệt mới phải đủ sức đánh bại bộ ba quyền lực trên thường được coi là dại dột và điên rồ, nhưng không hẳn là không có trường hợp nào khả quan. Mozilla là một ví dụ tiêu biểu - sản phẩm phi lợi nhuận, một phần dựa trên nguồn lực đến từ những tổ chức tình nguyện.
Những quyết định khác người nhưng lại thành công như Mozilla thường được xúc tiến thông qua ba cách khác nhau. Trước tiên, nhằm hạn chế những vấn đề và chi phí nảy sinh trong quá trình phát triển sản phẩm, họ thường lựa chọn xây dựng trên nền tảng những dự án mã nguồn mở như Chromium - cũng là khởi nguồn của Google Chrome. Phần lớn nguồn đầu tư đến từ những nhà xuất vốn chấp nhận hậu thuẫn cho các dự án mạo hiểm và liều lĩnh, nhưng điều thứ 3, quan trọng hơn cả là họ có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, nhắm đến một phân khúc thị trường nhất định.
Chẳng hạn, Brave chủ yếu dành cho người dùng coi trọng quyền riêng tư vì những tính năng chặn truy cập thông tin tự động từ xa cũng như những quảng cáo không liên quan. Cliqz cũng có chức năng gần như tương tự, với một bộ máy tìm kiếm hoàn toàn riêng biệt. Vivaldi nổi tiếng với những tùy biến chi tiết, mạnh mẽ phù hợp cho người dùng am hiểu chuyên sâu hơn, muốn cá nhân hóa không gian làm việc cũng như giải trí một cách lý tưởng nhất.
Những trường hợp như trên không cần đến một đội ngũ phát triển, nhà đầu tư hùng hậu hay thậm chí cả thị phần khổng lồ phía sau hậu thuẫn mà vẫn có thể đạt được mục tiêu doanh số như mong muốn. Cả Vivaldi và Brave đều khẳng định họ vẫn có thể tự hoàn thiện và thu được những bước tiến vượt bậc tiếp theo chỉ với vài triệu người dùng là đủ. Thực tế, nguồn lợi thu nhập dễ dàng và nhanh chóng nhất đến từ những nền tảng hệ thống của bộ máy tìm kiếm. Các công ty hàng đầu như Google phải bỏ ra 1 USD/năm cho đối với 1 người dùng để có thể trở thành công cụ tìm kiếm mặc định được khuyến nghị hơn là những sản phẩm từ các đối thủ khác.
Bên cạnh đó, Vivaldi cũng đang tập trung hoàn thiện và thay đổi giao diện chính của mình về khía cạnh hiển thị các nhãn hiệu đối tác. Brave thì lại rất nỗ lực trong công cuộc đối phó với xu hướng quảng cáo trực tuyến hiện nay đang ngày càng tràn lan, bằng cách ngăn chặn kết nối truy cập của các quảng cáo có tính chất xâm phạm riêng tư, tự động thay thế bằng những liên kết khác hữu dụng và phù hợp hơn, qua đó chia sẻ doanh thu hợp tác với những hãng liên quan.
Tóm lại, thị trường trình duyệt đã và đang phát triển toàn diện hơn bao giờ hết, cung cấp đầy đủ lựa chọn cho mọi tầng lớp người sử dụng. Dù sao tỷ lệ để những thế hệ sản phẩm non trẻ có thể tiếp bước và vượt lên ngang tầm các tên tuổi dày dạn kinh nghiệm khác vẫn còn chưa đáng kể. Cần phải có thêm những động thái, chiến lược dứt khoát và triệt để, giúp người dùng nhận thức rõ hơn về những tính năng mới, tương thích hoàn hảo với nhu cầu đặt ra của bản thân, chứ không hẳn chỉ gắn liền tuyệt đối với một nền tảng cố hữu trong nhiều năm về sau nữa.
Tham khảo: economist.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng