Làm thế nào để tìm thấy đam mê?

    Long.J,  

    Đam mê của con người là có thật, nó đầy quyền năng. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều sai khi nghĩ rằng mình có thể tìm được đam mê.

    Quy tắc thứ nhất: Đam mê đến từ thành công

    Mọi cảm xúc của con người đều có lý do rõ ràng. Ta thấy đói để không bị chết đói, thấy no để dạ dày không bị nổ tung. Ta thấy đam mê để tập trung sức lực vào những thứ cần làm và đem lại nhiều lợi ích nhất.

    Ví dụ bạn đi học nhảy. Bạn thấy nó dễ, thấy mình tiến bộ nhanh hơn người khác. Sự phấn khích dâng trào đó chính là niềm đam mê.

    Niềm đam mê đó lại thôi thúc bạn đến lớp học nhiều hơn, cải thiện kỹ năng và phát huy được điểm mạnh của bản thân nhiều hơn.

    Kẻ thù số một của đam mê chính là sự nhụt chí. Nếu lúc nào cũng phải vật lộn với thứ gì đó, bạn sẽ không bao giờ đam mê nổi nó. Còn nếu bạn tìm cách trốn tránh nó, khả năng cao là chẳng bao giờ khá lên được.

    Nghe rất ngược đời. Đa số chúng ta đều nghĩ rằng mình phát hiện ra đam mê, nhờ đam mê mà giỏi. Sự thật là ta thấy mình có năng lực trước, rồi mới đam mê. Chính xác là đam mê đến từ thành công.

    Quy tắc thứ hai: Tuổi thơ là nơi đam mê sinh ra rồi tàn lụi

    Theo lý thuyết trong sách vở, tuổi thơ là cơ hội tuyệt vời để thử mỗi thứ một chút, thử thật nhiều rồi sẽ tìm thấy tài năng của mình.

    Thế nhưng, cách mà thế giới này dạy dỗ con trẻ không cho chúng cơ hội đó.

    Ví dụ: Nhà trường cho chúng ta khoảng 20 môn học, rồi so sánh, xếp hạng ta với hàng trăm hàng nghìn đứa trẻ khác. Cách đó không "nuột" cho lắm. Về bản chất, đa số trẻ em có khả năng học hỏi ở quanh mức trung bình.

    Học tiến bộ bao nhiêu không liên quan lắm đến đam mê, con người cần phải thấy bản thân mình đặc biệt để cảm thấy đam mê. Cải thiện giáo dục đơn giản chỉ giúp bạn vượt mức trung bình thôi.

    Nếu đam mê là nghệ thuật thì sao? Đương nhiên sẽ gặp trở ngại vì so với những ngành nghề khác thực sự làm nghệ thuật rất khác biệt.

    Có thể bố mẹ bạn sẽ nói "Kiếm cơm bằng nghề hát/vẽ khó lắm con ơi! Thằng anh họ mày học kỹ thuật và đang kiếm ăn rất ổn kia kìa, sao mày không như thế?". Thường thì ta "ném" đam mê sang một bên và để nó lụi tàn.

    Trong hàng tỷ người, rõ ràng không phải ai cũng có thể là kẻ xuất chúng trong các môn học trên lớp. Bạn học xong các cấp học cơ bản, tốt nghiệp đại học, ra trường và bị cuộc đời cho "ăn đấm" rồi mới dần biết mình thực sự đam mê cái gì.

    Quy tắc thứ ba: Có thể tạo ra đam mê

    Bạn nên biết rằng, những người thành công nhất trong cuộc sống ít ai lấy niềm đam mê dễ như kiểu lấy sách từ trên kệ xuống.

    Thực ra, có nhiều trong số những người thành công nhất trên thế giới đã bỏ ngang việc học. Không phải vì họ học dốt - mà vì họ tìm thấy các lĩnh vực khác mình có kỹ năng hơn nhưng trường học lại không có.

    Họ đã tạo ra niềm đam mê cho chính mình.

    Chỉ một số người hiếm hoi nổi trội được trong các lĩnh vực mà họ đã học trên trường lớp từ nhỏ. Nếu bạn muốn trở thành kẻ đứng đầu trong “thị trường chính thống” đó, thì về cơ bản, bạn phải cạnh tranh với tất cả những người trên thế giới đã và đang đi học. Quá nhiều sự cạnh tranh, rất khó để vượt lên trên họ.

    Nhưng nếu nhìn ra bên ngoài cái thị trường cạnh tranh ngột ngạt đó, ta sẽ thấy ít cạnh tranh và nhiều lựa chọn hơn. Đây là cách ta tìm thấy niềm đam mê:

    Cách 1: Tạo ra cái mới

    Khi tạo ra một cái gì đó mới, tức là ta đang phát minh ra cái gì đó để đam mê.

    Ta có thể thiết kế mẫu đệm ngồi mới lạ, viết truyện siêu anh hùng, hoặc mở một tài khoản mạng xã hội để kiểm chứng các thông tin trên mạng chẳng hạn.

    Những thứ mới tương đối ít (tương đối thôi nhé) bị phản bác. Bằng cách tạo ra một cái mới, ta đã nâng khả năng trở thành người đặc biệt lên cao hơn.

    Bây giờ, quan trọng là phải lưu ý: nếu đi theo con đường này, đừng vi phạm Quy tắc thứ nhất: Đam mê đến từ thành công. Vì vậy, nếu tài khoản mạng xã hội kể trên sau một năm mà chỉ có 5 người theo dõi, thì có lẽ ta sẽ không đam mê nó lắm. Nếu mà có 5 triệu người xem, thì ta đã bỏ việc từ lâu rồi. Ta phải tìm thấy thành công để nạp nhiên liệu cho đam mê của mình.

    Ít nhất ta cũng đã cải thiện đáng kể cơ hội của mình, bởi vì sự cạnh tranh của ta là rất nhỏ. Trên trái đất này chỉ một "nhúm" người dám thử một cái gì đó mới. Ta có thể nằm trong số ít đó, dám bắt đầu là được.

    Ta thấy rõ mô hình này từ những vĩ nhân trong lịch sử. Một học sinh tên là Mark không hề định làm lập trình viên vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, anh bắt đầu xây dựng các trang web hấp dẫn, và thấy mình đặc biệt giỏi món này bởi vì những lập trình viên giỏi hơn hiếm khi dám thử. Thí nghiệm nhỏ của anh đã trở thành Facebook như vậy đó.

    Cách 2: Dẫn dắt một xu hướng mới

    Một lĩnh vực càng lâu năm và ổn định thì càng khó cạnh tranh. Hàng triệu người đã ở đó trước ta, và như đã nói khả năng ta nổi trội trong lĩnh vực này càng thấp thì khả năng đam mê càng thấp.

    Nhưng luôn có một giới tuyến mới được sinh ra, nơi mà tất cả những người khác chẳng biết gì, và trong thế giới mới mà con người vẫn còn mù mờ đó, thì ta là chột làm vui xứ mù.

    Giả dụ giờ đang là năm 2005, ta là một thiếu niên bắt đầu làm video trên YouTube. Ta có một lượng người xem khiêm tốn, nhưng lượng người xem tăng dần kích thích ta. Đến lúc thế giới ‘người trưởng thành’ nhận ra YouTube là một kiểu làm ăn lớn với 4 tỷ lượt xem mỗi ngày, thì ta đã trở thành một bậc thầy đầy đam mê của một nghề hái ra tiền.

    Không phải tưởng tượng đâu. Có cả núi cư dân YouTube rất thành công, hầu hết bắt đầu bằng cùng một cách: đi trước người khác.

    Nếu ta có thể tìm thấy một cái mới đang phát triển nhanh, và học hỏi các kỹ năng trong lĩnh vực này sớm, ta sẽ thấy quá dễ để nổi trội vì thiếu sự cạnh tranh. Ngay tại đó, đam mê xuất hiện.

    Cách 3: Kết hợp cả với những thứ tầm thường

    Một hạn chế của giáo dục là nó được thiết kế để thu hẹp các kỹ năng của ta. Giáo dục thường tìm kiếm thứ bạn giỏi nhất, dí cho các cô cậu học sinh suốt để ngày vật lộn với nó.

    Vấn đề là về bản chất, chúng ta không thể là người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào, nhưng có thể khác thường khi kết hợp nhiều lĩnh vực.

    Giả dụ ta là một họa sĩ trung bình, có óc hài hước đúng mực. Ta sẽ không hy vọng gì nhiều với cái bằng mỹ thuật, và chẳng có môn ‘hài hước’ để học. Nhưng ta có thể là một họa sĩ hoạt hình hay họa sĩ tranh biếm họa đáng nể.

    Hoặc lấy ví dụ một sinh viên ngành kinh tế trung bình, với một ít khả năng lập trình và các kỹ năng bán hàng đúng mức. Ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng người đó rất thích hợp để làm chủ những người khác dù người khác giỏi hơn trong từng lĩnh vực riêng lẻ.

    Những người thành công nhất hầu như không bao giờ chỉ nhờ vào một kỹ năng riêng lẻ. Đó là sự kết hợp các kỹ năng, không cần phải là kỹ năng đặc biệt, nhưng họ đã làm sự kết hợp đó thành đặc biệt. Steve Jobs không phải là kỹ sư, cũng không phải nhân viên bán hàng, nhà thiết kế hay kinh doanh giỏi nhất thế giới. Nhưng ông là người duy nhất đủ giỏi ở tất cả những mặt này, và kết hợp lại với nhau thành một thứ vĩ đại hơn hẳn.

    Đây là con đường cuối cùng để tìm kiếm niềm đam mê: kết hợp các kỹ năng thành một cái gì đó có giá trị hơn. Hãy nhớ rằng, đam mê đến từ thành công. Nếu một sự kết hợp mới cho ta kết quả tốt hơn, thì ngay tại đó có thể chính là nơi niềm đam mê đang trú ngụ.

    Tại sao đam mê lại quan trọng?

    Đam mê rất hấp dẫn, bởi về bản chất, đam mê xuất phát từ niềm tin rằng ta đặc biệt giỏi một cái gì đó. Nói cách khác, đam mê là một cách nói rất nghiêm túc rằng: “Dù sao thì mình cũng tuyệt!”

    Đam mê sẽ thuyết phục mọi người theo ta. Nó sẽ thuyết phục mọi người tin ở ta. Nhưng quan trọng nhất, đam mê sẽ thuyết phục chính bản thân ta. Đam mê là một cảm xúc đặc biệt, khiến ta phát điên và làm việc hùng hục như trâu, bởi vì bộ não của ta tin rằng đam mê có thể làm rung chuyển thế giới. Giống như tình yêu, đam mê là một cảm giác xứng đáng để lao theo.

    Những gì chúng ta đam mê là rất quan trọng, không thể để mặc cho số phận được. Nếu ta chưa tìm thấy niềm đam mê của mình, thì hãy tạo ra những cái mới, dẫn dắt những xu hướng mới, và kết hợp những bộ kĩ năng mới.

    Quan trọng nhất, đừng có bao giờ ngưng tìm kiếm!

    Theo Oliver Emberton

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày