Lãnh đạo Apple không muốn hỗ trợ card Nvidia trong macOS, báo hiệu tương lai mờ mịt cho Mac Pro
Apple không cho phép các GPU mới nhất của Nvidia hoạt động trên macOS Mojave, và đó là một thay đổi lớn mà hãng đưa ra mới chỉ 6 tháng trước.
Với việc trong thời gian tới, Apple sẽ tung ra một chiếc Mac Pro mới hỗ trợ card đồ họa Nvidia, và hiện trên thị trường đã có một số eGPU Nvidia dành cho Mac, có lẽ đã đến lúc Apple phải thay đổi.
Thế nhưng ít ai biết rằng giữa Apple và Nvidia đã có một lịch sử khá dài, và không phải mọi chuyện đều êm đềm.
Lần hợp tác đầu tiên
Chiếc Mac đầu tiên được trang bị bộ xử lý đồ họa Nvidia là Power Macintosh G4 (Digital Audio), được tung ra vào tháng 1/2001 - đó là card đồ họa Nvidia GeForce2 MX. Trước thời điểm đó, Apple chỉ sử dụng card đồ họa của ATI và đây là một thay đổi đáng kể, không đơn thuần là việc chuyển từ một nhà cung cấp GPU này sang một nhà cung cấp GPU khác.
Trên thực tế, Apple chọn đi theo tiêu chuẩn công nghiệp OpenGL, đồng nghĩa rằng hãng có thể tự do chuyển đổi phần cứng giữa ATI, Nvidia, hay bất kỳ công ty nào khác đáp ứng được các tiêu chuẩn chung này.
Do đó, không phải Apple từ bỏ ATI, và quả nhiên họ vẫn tung ra một mẫu Power Mac G4 (Digital Audio) 466MHz sử dụng card đồ họa ATI RAGE 128 Pro 16MB.
Dù vậy, trừ chiếc iMac ra mắt vào mùa hè năm 2001 sử dụng card đồ họa ATI RAGE 128 Ultra, trong 2 năm tiếp theo đó, mọi máy Mac đều được trang bị GPU của Nvidia. Một ngoại lệ nữa là chiếc Power Macintosh G4 (FireWire 800) ra mắt vào năm 2003 được trang bị card đồ họa ATI Radeon 9000 Pro.
Vấn đề xuất hiện
Năm 2004, quá trình sản xuất màn hình Apple Cinema Display bị trì hoãn mà nguyên nhân được cho là bởi Nvidia không thể sản xuất được card đồ họa Apple yêu cầu - GeForce 6800 Ultra DDL.
Vi xử lý đồ họa Nvidia trên MacBook Pro 2008
Sau đó, vào tháng 10/2008, Apple đã phải thừa nhận rằng một số mẫu MacBook Pro bị lỗi vi xử lý đồ họa Nvidia. Trước đó, vào tháng 7 cùng năm, bản thân Nvidia đã thừa nhận vấn đề này, dù họ từ chối xác nhận rằng những con chip của họ đã gây ra vấn đề trên MacBook.
Ở thời điểm đó, Nvidia không chỉ đảm nhiệm việc xử lý đồ họa. Hãng còn mang đến một giải pháp để Apple tích hợp và kết nối những GPU Nvidia với phần còn lại của MacBook.
Biểu đồ cho thấy những khác biệt mà Nvidia mang đến cho MacBook trong năm 2008
Nhờ Nvidia, hiệu năng đồ họa trên MacBook được cải thiện rõ rệt, và điều đó cũng khiến họ vướng vào một vụ lùm xùm pháp lý với Intel. Một vụ kiện công nghệ do Intel khơi màu khẳng định rằng giấy phép của Nvidia không cho phép hãng được tạo ra những chipset mạnh mẽ và tương thích cao như vậy. Vụ kiện này, và một vụ kiện ngược lại, diễn ra trong vòng 2 năm trời và chỉ được giải quyết vào năm 2011.
Dù vụ lùm xùm pháp lý có thể là một vấn đề khiến Apple gặp rắc rối trong việc sử dụng các vi xử lý của Nvidia trong tương lai, vào năm 2009 bỗng xuất hiện một bản tin cho biết dù sao thì "Táo khuyết" cũng sẽ ngừng chơi với Nvidia. Theo đó, Nvidia bị cáo buộc thực hiện các thỏa thuận "kiêu ngạo và mập mờ", và những đàm phán giữa họ với Apple diễn ra trong không khí cực kỳ căng thẳng.
Cũng thời điểm đó, iPhone đã thay đổi thị trường điện toán di động, dẫn đến việc điện thoại nay cũng cần đến GPU. Từ năm 2006, Nvidia đã được đồn rằng sẽ sản xuất chip cho một sản phẩm sắp tới của Apple - chính là vi xử lý Tegra mà đến tận năm 2009 hãng mới ra mắt.
Thay vì Nvidia hay AMD (chủ sở hữu của ATI lúc này), Apple quyết định chọn vi xử lý của...Samsung, và sau này, tự tay phát triển vi xử lý cho riêng mình.
Thế nhưng lúc bấy giờ, Nvidia vẫn cứ tưởng rằng những bằng sáng chế của mình cũng áp dụng đối với các GPU trên di động. Công ty này tìm cách kêu gọi các công ty khác mua giấy phép sử dụng công nghệ GPU di động và đến năm 2013 thậm chí còn khởi kiện Qualcomm và Samsung vì xâm phạm bằng sáng chế.
Nếu Nvidia từng cố dụ Apple trả tiền giấy phép, có lẽ Apple sẽ nói không. Vào năm 2016, Táo khuyết thậm chí còn khước từ đưa vi xử lý Nvidia vào mẫu MacBook Pro 15-inch. Thay vào đó Apple công khai "chung đường" với GPU của AMD với lý do hiệu năng/điện năng tốt hơn, nhưng nguyên nhân thực sự có lẽ ai cũng lờ mờ đoán ra được.
Tỉ lệ hiệu năng/điện năng tiêu thụ là rất quan trọng đối với các GPU được trang bị cho laptop, và Nvidia tiếp tục phát triển các card đồ họa có thể được sử dụng như eGPU cho Mac. Nếu bạn có một chiếc Mac Pro trước thời "thùng rác" (Mac Pro 6,1), bạn có thể sử dụng các card đồ họa gắn trong qua cổng PCI-E của công ty cùng với driver do Nvidia cung cấp trên web. Các thiết bị Thunderbolt có thể gắn một chiếc card như vậy, dù hơi rắc rối một chút, và điều đó cũng chẳng cải thiện là bao khi Apple chính thức hỗ trợ eGPU vào mùa xuân năm 2018.
Card đồ họa của Nvidia vào năm 2017
Vào năm 2017, Nvidia không cung cấp driver cho macOS High Sierra trong suốt giai đoạn beta, mà thay vào đó, hãng đợi cho đến khi hệ điều hành này ra bản chính thức mới cập nhật driver cho card đồ họa.
Và đến thời điểm hiện tại, năm 2019, vẫn chưa có bất kỳ driver nào hoạt động tốt dành cho macOS Mojave cả. Và đó là lỗi của Apple. Chỉ có duy nhất 2 card đồ họa Nvidia hoạt động được với Mojave là GeForce GTX 680 và Quadro K5000 - cả 2 đều đã nhiều năm tuổi.
Nvidia khóc ròng
Vào tháng 10/2018, Nvidia công bố một thông cáo báo chí, và trong phần FAQ trên website nhà phát triển của Nvidia, công ty nói rằng việc không có driver tải từ web cho Mojave là do lỗi của Apple.
"Các nhà phát triển sử dụng Mac với card đồ họa Nvidia cho biết sau khi nâng cấp từ 10.13 lên 10.14 (Mojave), họ gặp tình trạng khựng khi dựng hình và hiệu năng giảm sút.
Apple toàn quyền kiểm soát các driver cho macOS. Không may là Nvidia hiện không thể tung ra driver trừ khi nó được phê duyệt bởi Apple.
Phần cứng của chúng tôi hoạt động trên macOS 10.13 vốn hỗ trợ tối đa đến Pascal".
Tình trạng khựng khi dựng hình và hiệu năng giảm sút xảy ra là bởi không có tiến trình tăng tốc đồ họa nào được thực hiện, và thậm chí hiệu năng trên những card đồ họa "được hỗ trợ" cũng ì ạch không kém trên Mojave.
Nội tình Apple
Trong nội bộ Apple, có những người ủng hộ ý tưởng card đồ họa Nvidia, nhưng lại không sẵn lòng làm điều đó. Hàng chục nhà phát triển của Apple, tất nhiên không có thẩm quyền phát biểu dưới danh nghĩa công ty, đều ủng hộ việc hỗ trợ các card đồ họa Nvidia cao cấp, nhưng cấp cao hơn trong công ty thì lại âm thầm từ chối điều này.
"Không phải chúng tôi không có gì để làm, Nvidia có những kỹ sư tuyệt vời. Không phải Metal 2 không thể chuyển sang Nvidia với hiệu năng ấn tượng. Đơn giản là ai đó không muốn nó mà thôi" - một nhà phát triển nói.
Một nhà phát triển thì nói rằng có một "sự thù địch ngấm ngầm" giữa các lãnh đạo lâu năm của Apple và Nvidia.
Rõ ràng có ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Apple không muốn hỗ trợ Nvidia. Nhưng chẳng ai biết đó là ai. Dường như đó là một quy luật ngầm được truyền tai từ thế hệ nhân viên này sang thế hệ nhân viên khác, và nguồn gốc của quy luật này dường như đã phai nhạt theo thời gian, hoặc đơn giản đó là "luật rừng" như rất nhiều luật trong môn bóng chày.
Hai năm trước, trước khi eGPU được hỗ trợ, sự cấm đoán này có thể còn chút hợp lý. Bất kỳ chiếc Mac nào với khe PCI-E lúc đó có thể đang già đi, và người dùng đang chật vật tự tìm cách giải quyết. Nhưng, driver dành cho High Sierra vẫn có và vẫn được cập nhật cho đến ngày nay - và quả thực nó vẫn hoạt động tốt trên một chiếc Mac Pro 5,1 với card đồ họa series 1000. Driver Nvidia có thể được tinh chỉnh cho High Sierra nếu bạn thật sự muốn sử dụng card Nvidia trong một chiếc eGPU. Và nếu muốn điều đó, bạn đừng nên nâng cấp lên Mojave.
Tuy nhiên, khi eGPU nay đã được chính thức hỗ trợ trong macOS, quyết định này rõ ràng không hề hợp lý chút nào. eGPU hoạt động tốt trên Windows, nên đó không phải là một rào cản kỹ thuật. Một số tác vụ thực hiện tốt hơn trên AMD, và một số khác tốt hơn trên Nvidia, đó là điều bình thường với các phần cứng. Không có lý do gì để cấm cản người dùng sử dụng những chiếc card đồ họa họ muốn trên một hệ thống phần mềm nhất định cả, trừ khi đó là vì marketing, hoặc công ty có ý đồ định hướng khách hàng.
Số lượng eGPU hiện tại không nhiều, và có không ít người dùng hài lòng với card AMD. Nhưng việc không cho phép Nvidia tung ra driver không chỉ cho các eGPU trong tương lai mà còn cho những người dùng đang cố giữ cho chiếc Mac Pro cũ của họ hoạt động là một hành động chống lại người dùng. Và nếu đây là một bí mật mà Apple vẫn giữ từ trước đến nay, hay những hận thù giữa họ với Nvidia dẫn đến sự cấm cản này, hành động đó càng không thể chấp nhận.
Và điều này khiến chúng ta lo lắng không hiểu, Apple có ý gì khi nói rằng Mac Pro trong tương lai sẽ được mô-đun hóa?
Tham khảo: AppleInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng