Lãnh đạo Uber: 'Uber không cần đăng ký vận tải và Uber làm đúng nghĩa vụ thuế tại Việt Nam'

    PV,  

    Ông Karun Arya – giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber đã có những câu trả lời cụ thể về cách hoạt động của mô hình kinh doanh rất mới này.

    Là một dịch vụ có hình thức hoạt động mới mẻ, Uber đang nhận được những phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng. Nhiều người cho rằng Uber là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ, cung cấp dịch vụ tốt, tiện lợi và giá còn rẻ hơn taxi thông thường. Ở mặt ngược lại, không ít người phản đối và nhận định mô hình của Uber là vi phạm pháp luật, thiếu an toàn. Thậm chí một số còn buộc tội Uber giảm giá được là nhờ... trốn thuế.

    Trước những tranh cãi không ngừng xung quanh Uber trong thời gian gần đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Karun Arya – Giám đốc Truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber để giải đáp những thắc mắc về mô hình kinh doanh rất mới này.

    Chào ông Karun, vừa qua, trên báo chí đồng loạt đăng tải thông tin nhiều xe thuộc hệ thống Uber tại Thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt. Xin ông nói rõ thêm về điều này?

    Xin nói rõ là tôi không nhận được thông báo nào liên quan đến xử phạt. Thông tin chúng tôi nhận được là Uber ở Tp Hồ Chí Minh không bị xử phạt mà là bị kiểm tra hành chính. Xử phạt và kiểm tra hành chính hoàn toàn khác nhau. Xin khẳng định lại một lần nữa là chưa có tài xế nào bị phạt, chưa ai bị giữ xe.

    Tuy nhiên, trong bản tường trình của hành khách có ghi rõ họ sử dụng dịch vụ của Uber và thanh toán qua thẻ Visa?

    Thông tin về hành khách chúng tôi xin phép không bình luận. Nhưng khẳng định là không có xử phạt ở đây.

    Một số thông tin cho rằng, Uber không có giấy phép vận tải mà hoạt động tại Việt Nam là trái luật, ông đánh giá sao về ý kiến này?

    Đầu tiên, Uber không phải công ty vận tải, chúng tôi là công ty công nghệ. Vì vậy, giấy phép kinh doanh của Uber tại Việt Nam là giấy phép kinh doanh công ty công nghệ.

    Về bản chất, Uber không cung cấp dịch vụ vận tải mà chúng tôi cung cấp nền tảng (platform) cho khách hàng. Để dễ hình dung, các bạn có thể coi Uber giống với Agoda trong lĩnh vực khách sạn, Expedia trong lĩnh vực đặt vé máy bay hay Foodpanda trong lĩnh vực đồ ăn. Chúng tôi chỉ kết nối giữa cung và cầu. Cầu có thể là khách sạn, là vé máy bay, là đồ ăn. Với trường hợp của Uber, cầu ở đây là xe. Uber làm nhiệm vụ kết nối giữa cung và cầu, từ đó tối ưu hóa chi phí và tránh được lãng phí xã hội.

    Cũng cần nói rõ là tất cả các đối tác Uber tại Việt Nam đều phải đăng ký kinh doanh vận tải.

    Ông có thể giải thích qua mô hình hoạt động của Uber để mọi người hiểu rõ hơn lý do Uber có thể mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn nhưng giá thành vẫn rất rẻ không?

    Câu trả lời ở đây là chúng tôi giảm bớt được chi phí cố định xuống mức tối thiểu. Với 1 chiếc xe thì thường chi phí cố định rất cao. Chiếc xe dù không chạy cây số nào nhưng vẫn tốn rất nhiều tiền. Đó là chi phí mua xe, chi phí khấu hao, lương tài xế, bảo hiểm, quản lý, bảo dưỡng… Những chi phí đó dù xe không hoạt động cũng vẫn bị tính. Giả sử bây giờ bạn chạy một dịch vụ taxi hay xe thuê thì bạn chạy một ngày 100 cây số hay 1.000 cây số thì chi phí cố định vẫn không đổi. Chỉ có chi phí biến đổi như câu phà, xăng dầu, và bảo dưỡng sẽ tăng lên khi xe đi quá nhiều.

    Mô hình của Uber là giúp cho cung và cầu gặp nhau một cách tối đa, thế nên chi phí cố định trên mỗi cây số giảm đi rất là nhiều. Một chiếc xe thương mại tại Việt Nam có hiệu quả chỉ 10-20% trên thời gian thực tế có thể sử dụng thôi.

    Trong khi đó, với Uber và ứng dụng của công nghệ con số đấy sẽ tăng rất nhiều lần. Đây là câu trả lời cho bài toán giá thấp của Uber. Đơn giản vì xe được sử dụng nhiều hơn, cùng chi phí đấy, doanh thu tăng rất nhiều thì doanh nghiệp có thể giảm giá đi mà vẫn có lợi nhuận. Có thể nói, nhờ công nghệ người ta có thể thay đổi hoàn toàn cả mô hình kinh doanh.

    Đặc biệt ở thị trường Việt Nam, vì giá xe đắt quá nên nhiều người không mua xe được, mà sản phẩm mình giá càng phải chăng thì càng nhiều người sẽ cân nhắc. Bạn vẫn có thể gọi một chiếc Camry sau 3 phút, có tài xế riêng và không phải tìm chỗ đỗ. Vậy tại sao bạn không dùng?

    Mô hình hoạt động như vậy liệu có bảo đảm sự an toàn của khách hàng không?

    Tất cả các chuyến đi của Uber đều có bảo hiểm theo quy định. Hành khách không cần phải lo lắng nếu đi xe xảy ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai, vì tất cả đều được mua bảo hiểm.

    Đối với việc bảo vệ tài sản cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng, Uber cung cấp chế tài quản lý đặc trưng nhờ vào dữ liệu tài xế và người dùng. Giả sử hành khách quên đồ trên taxi, họ sẽ phải gọi lên tổng đài. Vì hầu hết đều không nhớ được biển số xe, nên tổng đài sẽ báo cho toàn hệ thống và tài xế nào trả thì trả, không thì coi như hành khách mất không.

    Với Uber, bạn đi từ đâu đến đâu, thời gian nào, mất bao lâu hệ thống đều hiển thị ngay trên điện thoại của bạn. Trên đó cũng có biển số xe, số liên hệ với tài xế. Nếu bạn mất đồ trên Uber thì bạn có thể liên hệ với tổng đài, hoặc liên hệ trực tiếp với tài xế. Hệ thống trên minh bạch hơn rất nhiều so với hệ thống cũ. Tất nhiên cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ, nhưng chúng tôi cung cấp hệ thống hỗ trợ tốt nhất để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

    Một điểm nữa mà Uber mang lại đó là minh bạch trong thị trường thanh toán. Tất cả những giao dịch trên thị trường đều phải qua thẻ hết, dù là nhỏ nhất. Bạn có đi hết 5.000 – 10.000 đồng cũng đều được lưu lại trên hệ thống. Người tiêu dùng và nhà quản lý đều có thể kiểm soát được. Điều này mang lại sự minh bạch cho hệ thống, vốn gặp nhiều vấn đề khi người dân phụ thuộc vào tiền mặt.

    Ngay cả với tài xế cũng yên tâm hơn vì họ chẳng bao giờ phải cầm tiền mặt của khách. Trong khi đó, tài xế Taxi có nguy cơ bị cướp vào cuối ngày vì đó là thời điểm họ cầm trong người rất nhiều tiền mặt thu từ khách mà chưa kịp nộp lên công ty.

    Nhắc tới vấn đề minh bạch, một số người cho rằng Uber đang lợi dụng hình thức của mình để trốn thuế. Ông có thể nói rõ hơn về cách thức thanh toán của Uber để mọi người hiểu thêm về vấn đề này?

    100% khách hàng đi bằng Uber đều phải thanh toán qua thẻ thay vì tiền mặt. Khi khách hàng trả tiền, số tiền này sẽ được chuyển cho Uber trước. Chúng tôi giữ lại 20% khoản tiền này và 80% còn lại được chia cho các đối tác.

    Tất cả những cái khoản tiền mà đối tác nhận được đều được chuyển thẳng qua tài khoản doanh nghiệp. Cần lưu ý ở đây là việc thanh toán thông qua thẻ tín dụng nên hoàn toàn không có sự xuất hiện của tiền mặt, không có tài khoản cá nhân.

    Khi tiền được chuyển vào tài khoản doanh nghiệp, thì đối tác phải có trách nhiệm đóng thuế, cơ quan thuế hoàn toàn có thể kiểm tra để biết nguồn tiền ở đâu và ngân hàng có thể giúp họ kiểm soát vấn đề này. Họ không có cách nào để trốn thuế được cả.

    Thanh toán bằng thẻ như vậy có ưu điểm rất lớn so với việc thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay. Việc sử dụng tiền mặt trả rất nhiều mà không có hóa đơn mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế. Việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cũng vậy.

    Tóm lại, Uber tạo mọi điều kiện để các đối tác thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Chính phủ.

    Vậy còn khoản phí 20% Uber thu về thì sao? Uber có phải đóng thuế cho khoản thu này không?

    Tất cả những hoạt động của Uber tại Việt Nam đều phù hợp với quy định của pháp luật hiện tại.

    Đang có một làn sóng phản đối Uber, không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia ở châu Âu, Mỹ. Riêng tại Đông Nam Á, Thái Lan đã cấm Uber, Singapore và Indonesia cũng đang xem xét luật để quản lý các dịch vụ tương tự Uber, ông nhận định thế nào về điều này?

    Mục tiêu của chúng tôi ở mỗi quốc gia đều như nhau. Điều chúng tôi hướng tới là tạo ra những chuyến đi cho người dân trong thành phố làm sao có dịch vụ tốt nhất với giá cả phải chăng. Vì vậy chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, đối thoại thì không phải Chính phủ nào cũng sẵn sàng đối thoại.

    Riêng tại thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy chính phủ có những động thái rất thiện chí vì lợi ích của người dân, của cộng đồng.

    Ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam?

    Việt Nam có tiềm năng cho rất lớn với Uber tương tự như các thị trường Đông Nam Á khác. Việt Nam có dân số đông, nhu cầu đi lại lớn, hình thức di chuyển đang có những thay đổi mang tính cách mạng theo thời gian. Những yếu tố này sẽ tạo bàn đạp về thị trường cho Uber phát triển. Có thể nói, chất lượng dịch vụ vận tải của Việt Nam đang dần được cải thiện, và chúng tôi cung cấp nền tảng để nó phát triển tốt hơn.

    Uber có tính năng xếp hạng (rating) 2 chiều, cả cho tài xế và cho khách hàng. Như thế tài xế phải kiểm soát chất lượng tốt hơn, và bản thân khách hàng cũng phải có thái độ tốt. Những tài xế hay hành khách có hành vi không tốt nếu bị xếp hạng thấp quá nhiều sẽ bị đánh giá và loại khỏi hệ thống của Uber.

    Được biết hiện tại Uber đang có 200 xe tại thị trường Việt Nam?

    Uber hiện không phải là công ty đại chúng. Vì vậy những số liệu liên quan đến công ty chúng tôi không có nghĩa vụ cungg cấp và cũng không bao giờ cung cấp. Vì vậy, con số 200 xe chúng tôi khẳng định là không phải nguồn từ phía Uber đưa ra.

    Một số dịch vụ khác tương tự Uber, cũng là ứng dụng tìm xe nhưng hợp tác với các hãng taxi, như Grabtaxi và Easy Taxi, đang đẩy mạnh quảng bá cũng như khuyến mại trong thời gian này. Ông đánh giá thế nào về động thái của các đối thủ này?

    Tôi nghĩ cạnh tranh lành mạnh là biện pháp tốt nhất, hình thức tốt nhất mang lại quyền lợi nói chung cho người tiêu dùng. Uber lúc nào cũng đón chào những sản phẩm cạnh tranh, đó là liều thuốc thử tốt nhất xem Uber có tồn tại được ở thị trường hay không. Vì vậy chúng tôi rất đón chào các sản phẩm cạnh tranh khác cùng tham gia.

    Theo Trí Thức Trẻ

    >> Chiến dịch "I Choose" và cú lội ngược dòng ngoạn mục của Uber tại VN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày