Larry Page và Sergey Brin ra đi, "văn hóa mở" của Google liệu có còn tồn tại?

    Tấn Minh,  

    Phong thái tự do nổi tiếng của gã khổng lồ tìm kiếm đã dần xói mòn trong thời gian qua, khi Google ngày càng phát triển và mở rộng mạnh mẽ.

    Khi 200 nhân viên Google và các đồng minh của họ tổ chức tuần hành tại San Francisco vào tháng trước, mục đích họ đưa ra là nhằm phản kháng việc lãnh đạo công ty trả thù các nhân viên lên tiếng phản đối Google. Nhưng một trong số những người tham gia biểu tình đã trưng ra một biểu ngữ với 4 từ diễn tả ngắn gọn mục đích sâu xa hơn: "Save our open culture" - Hãy giải cứu văn hóa mở của chúng ta!

    Phong thái tự do nổi tiếng của gã khổng lồ tìm kiếm đã dần xói mòn trong thời gian qua, khi Google ngày càng phát triển và mở rộng mạnh mẽ. Hôm thứ 3, tương lai của hãng bị đặt trước một câu hỏi lớn hơn nhiều sau khi bộ đôi đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin công bố một quyết định trọng đại: họ sẽ rời khỏi vị trí lãnh đọa của Alphabet - công ty mẹ của Google, nhường chỗ cho CEO Google hiện tại là Sundar Pichai.

    Các nhà sáng lập luôn là những người song hành với văn hóa của công ty. Steve Jobs đưa chủ nghĩa hoàn hảo của Apple lên một tầm cao mới. Jeff Bezos đặt ra sứ mệnh lấy khách hàng là trọng tâm cho Amazon. Tại Google, Page và Brin là đại diện bằng xương bằng thịt cho - và là mối liên hệ trực tiếp đến - một nền văn hóa mở đầy lãng mạn, thúc đẩy sự sáng tạo, kể cả khi văn hóa này không ngay lập tức mang lại lợi ích cho công ty.

    Page và Brin đặt Google trên một nền móng đề cao minh bạch nội bộ, mặc cho nếu nhìn từ bên ngoài, đôi lúc nền móng này cũng mập mờ hệt như thuật toán tìm kiếm của công ty vậy. Các nhân viên Google được khuyến khích kiểm tra các dự án mà đồng nghiệp họ đang phát triển, một điều chưa từng có tại thung lũng Silicon. Theo thước đo của Mỹ, môi trường làm việc tại Google gần giống như tình trạng vô chính phủ - các nhân viên có thể dành ra đến 20% thời gian làm việc của họ cho các dự án ngoài lề với hi vọng chúng có thể trở thành sản phẩm lớn tiếp theo của công ty.

    Các nhà đồng sáng lập - những người bạn thân thiết từ đại học Stanford, từng chung tay xây dựng công ty trong một garage - vẫn sẽ giữ ghế của họ trong ban quản trị và vẫn nắm quyền kiểm soát bỏ phiếu liên quan cơ cấu công ty. Nhưng một số nhân viên đã bắt đầu lo lắng rằng, việc Page và Brin chính thước không còn trông nom hoạt động thường ngày nữa sẽ khiến Google như mất đi sự lèo lái cần thiết trong một thời kỳ có thể được xem là đang rối như tơ vò. Họ tự hỏi rằng, Page và Brin đi rồi, ai sẽ bảo vệ cho văn hóa của Google?

    "Một vài nhân viên đã thực sự kỳ vọng Sergey và Larry sẽ ra tay khắc phục mọi thứ tại Google" - các nhà tổ chức nhân sự tại công ty nói. "Thay vì lái con thuyền đang chìm đi đúng hướng, họ lại nhảy thuyền."

    Larry Page và Sergey Brin ra đi, văn hóa mở của Google liệu có còn tồn tại? - Ảnh 1.

    Sergey Brin và Larry Page

    Google đang phải đối mặt với những thách thức to lớn nhất đối với văn hóa của công ty trong lịch sử 21 năm hình thành và phát triển. Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa cấp quản lý Google và các nhân viên cấp dưới. Các nhà hoạt động ngay bên trong nội bộ gã khổng lồ tìm kiếm liên tục biểu tình phản đối các quyết định của các nhà lãnh đạo, bao gồm việc ký kết một hợp đồng trí tuệ nhân tạo với Lầu Năm góc, cũng như các hoạt động của công ty tại Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, 20.000 nhân viên Google từng rời bỏ văn phòng hồi tháng 11 năm ngoái để biểu tình phản đối cách xử lý những cáo buộc tấn công tình dục của lãnh đạo công ty.

    Như thể nhằm minh chứng cho những xung đột về vấn đề văn hóa mở của Google, bốn cựu nhân viên công ty từng cho biết họ dự định đâm đơn kiện công ty cũ của mình vì những hành vi bất công lao động ngay trong ngày mà Brin và Page công bố sẽ ra đi. Các cựu nhân viên đã bị sa thải hồi tháng 11 này cáo buộc Google sa thải họ vì đã "tham gia vào hoạt động tổ chức bảo vệ người lao động". Phía Google cho biết các nhân viên này bị sa thải vì vi phạm các chính sách bảo mật dữ liệu, không phải vì tổ chức hội nhóm.

    Tại cuộc tuần hành vào tháng trước, hai trong số các nhân viên bị sa thải, Rebecca Rivers và Laurence Berland, đã có những bài phát biểu lên án lãnh đạo tìm cách kiểm soát văn hóa công ty. Cả hai đều đã bị công ty cho nghỉ trước đó vì truy cập vào các tài liệu và thông tin lịch biểu nằm ngoài phạm vi công việc của họ - theo lời Google.

    Dù vậy, những phản ứng trong nội bộ Google đối với các trường hợp bị sa thải này cho thấy công ty không còn tuân thủ chặt chẽ những cam kết của họ liên quan văn hóa làm việc như trước nữa. "Đây không phải là cách nền văn hóa mở của Google hoạt động hay từng được kỳ vọng sẽ hoạt động" - nhóm bảo mật của Google nói với các nhân viên trong một bản thông tin về các nhân viên bị sa thải.

    "Ben và Jerry"

    Theo nhiều cách, những thay đổi trong vai trò lãnh đạo tại Google lần này diễn ra vừa đáng chú ý, lại vừa âm thầm. Page và Brin từ lâu đã không xuất hiện trong công ty - theo lời các nhân viên và cựu nhân viên. Bộ đôi này trước đây thường hiện diện trong các buổi gặp gỡ TGIF (Thank God It's Friday) của Google, nơi cả công ty tụ họp lại hàng tuần và là một trong những truyền thống lâu đời nhất tại Google.

    Tuy nhiên, Page và Brin mới chỉ lui về hậu trường chưa lâu sau vụ tuần hành tại Google tháng 11 năm ngoái. Họ đã bỏ qua mọi buổi TGIF trong năm nay, trừ một lần vào cuối tháng 5. Đối với những nhân viên lâu năm tại Google, những người luôn nhớ về những ngày đầu của công ty, thấy Page và Brin trên sân khấu khiến họ bùng lên những khát khao. "Người ta vẫn yêu thích họ như ngày xưa. Họ như Ben và Jerry vậy" - một người trong buổi gặp mặt đó nói.

    Với nhiều người tại Google, hồi chuông báo tử cho văn hóa mở của Google đến vào tháng trước, khi Pichai nói rằng Google sẽ chỉ tổ chức TGIF một lần mỗi tháng, thay vì hàng tuần hoặc hai tuần một lần. Pichai cho biết ông tổ chức các buổi gặp gỡ ít hơn bởi có một vài người cố tình tung những bình luận được phát biểu tại các buổi gặp nội bộ này ra ngoài. Thay vì duy trì một diễn đàn mở để thảo luận, giải trí, các buổi TGIF nay sẽ tập trung hơn vào các sản phẩm.

    "TGIF không hoàn hảo. Nhưng ít nhất chúng tôi còn có cơ hội để đặt ra các câu hỏi" - Berland, một trong các nhân viên bị sa thải nói trong cuộc tuần hành tháng trước.

    Larry Page và Sergey Brin ra đi, văn hóa mở của Google liệu có còn tồn tại? - Ảnh 2.

    Một nhân viên nữ tham gia tuần hành tại Google vào tháng 11 năm ngoái

    Sắp tới, Pichai có thể đưa ra nhiều thay đổi hơn nữa. "Mọi CEO đều muốn để lại dấu ấn của mình trong quá trình lãnh đạo, do đó đây là nơi cần chú ý khi ông ấy chuyển đổi vai trò của mình" - Tim Bajarin, chủ tịch Creative Strategies, cho biết. Tim nói thêm rằng ông không cho rằng sẽ có những thay đổi lớn về văn hóa công ty trong thời gian ngắn tiếp theo.

    Trước khi Page và Brin công bố rời Google hôm thứ ba vừa qua, một số nhân viên đã hi vọng bộ đôi đồng sáng lập này sẽ sớm nắm giữ vai trò tích cực trở lại. Khi các nhân viên Google tổ chức tụ tập hồi tháng 5 để biểu tình phản đối "một nền văn hóa trả thù" mà lãnh đạo công ty đang tạo ra nhằm chống lại những nhân viên nói lên suy nghĩ của họ về công ty, họ đã kêu gọi Page - chứ không phải Pichai - đứng lên giải quyết. Họ kêu gọi ông hãy "ngay lập tức và công khai giải quyết những yêu cầu đưa ra trong buổi tuần hành, và tái cam kết Google sẽ đáp ứng những yêu cầu đó".

    Sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo đồng nghĩa Page và Brin sẽ tiếp tục vắng mặt trong các hoạt động thường ngày tại công ty.

    "Có vẻ như điều đó đã diễn ra từ lâu rồi. Chỉ khác là bây giờ họ chính thức thông báo mà thôi" - một nhân viên Google nói.

    Tham khảo: CNET

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày