Lấy P30 Pro đi chụp ảnh đường phố, reviewer nổi tiếng chỉ ra điểm khiến smartphone cao cấp không thể thay thế được máy ảnh truyền thống
Smartphone dù cao cấp tới mấy vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn được một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp!
Bài viết là ý kiến của tác giả Mixtatic, reviewer công nghệ nổi tiếng từ TheNextWeb
Huawei P30 Pro từ khi được ra mắt đã làm thị trường 'dậy sóng' vì hệ thống chụp hình của mình. Nó được tích hợp trí tuệ nhân tạo để cân bằng độ sáng, tăng tương phản, tạo màu sắc chính xác, khả năng chụp tối tốt còn hơn cả mắt con người, khả năng zoom lên tới 50x. Hãng smartphone Trung Quốc đã làm người dùng phải 'sốc' vì những gì một chiếc smartphone có thể làm được trên sản phẩm cao cấp này.
Nhìn chung, đây là một sản phẩm thành công. Một đồng nghiệp của tôi tên Ivan Mehta thậm chí đã viết một bài viết dài, nói về việc bạn nên để máy ảnh DSLR chuyên nghiệp ở nhà, và đem chiếc P30 Pro đi chụp là đủ.
Là một người đam mê nhiếp ảnh, P30 Pro cũng ngay lập tức làm tôi cảm thấy 'rạo rực', vì vậy tôi đã liên hệ với hãng để mượn một chiếc để trải nghiệm. Khác với những bài đánh giá trước đây, tôi sẽ chỉ tập trung vào một mảng mà tôi biết: Nhiếp ảnh đường phố.
Nhưng sau một vài tháng chỉ sử dụng P30 Pro để chụp hình, có lẽ tôi sẽ phải đưa ra ý kiến trái chiều với Ivan: nếu bạn thực sự nghiêm túc với nhiếp ảnh thì hãy làm quen dần với việc sử dụng chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, và trong bài viết này tôi sẽ giải thích vì sao!
Nhiếp ảnh cần sự chính xác, P30 Pro không đáp ứng được
Tôi cũng phải nói trước rằng Huawei P30 Pro vẫn là một trong những smartphone tốt nhất trên thị trường cho mục đích nhiếp ảnh, và sẽ làm nhiều người hài lòng. Nhưng với cách làm việc của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thì nó không hề hoàn hảo. 4 điểm mà chiếc máy này chưa đáp ứng được bao gồm: tốc độ, độ dễ sử dụng, độ tin cậy và chất lượng hình ảnh.
Về tốc độ, P30 Pro có một độ trễ nhất định từ khi người dùng nhấn nút chụp cho tới khi hình ảnh được cảm biến ghi lại, một điều không hề xảy ra ở những dòng máy ảnh DSLR hay Mirrorless. Đây là một nhược điểm rất lớn đối với nhiếp ảnh đường phố, với kiểu chụp hình cần có sự chính xác rất cao.
Đầu tiên tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở tốc độ màn chập, nên tôi chuyển sang chế độ Pro để chỉnh tốc độ lên tới 1/4000. Nhưng dù đặt tốc độ cao đến mấy, máy vẫn luôn luôn có độ trễ. Kể cả tắt AI, tắt khả năng chụp RAW thì tình hình vẫn không tốt lên.
Hiện tôi vẫn không rõ tại sao hiện tượng này diễn ra, vì những chiếc smartphone thế hệ cũ như chiếc Samsung Galaxy S8 của tôi lại không hề bị. Rất có thể những smartphone cao cấp thế hệ mới đều có độ trễ, nhưng tôi không được trải nghiệm nhiều những sản phẩm loại đó để đưa ra kết luận cuối cùng.
Đối với những kiểu chụp hình chậm rãi hơn, thì vấn đề này sẽ không hoàn toàn là thứ làm 'hỏng ảnh' của bạn. Nhưng như đã nói, nhiếp ảnh đôi lúc cần có sự chính xác đến từng mili-giây, và những lúc này thì độ trễ là không chấp nhận được.
Ảnh tĩnh thì máy có thể làm tốt hơn
Nếu như ta không chụp những bức hình chuyển động mà là các ảnh tĩnh, thì P30 Pro trở nên hữu dụng hơn rất nhiều.
Tôi không phải là người thích chụp hình tĩnh vật, nhưng tôi quả thực thấy ấn tượng với P30 Pro mỗi khi thử thể loại này. Tôi vẫn có đôi chút không hài lòng về thuật toán xử lý ảnh của Huawei (thường đẩy mạnh màu xanh dương và xanh lá), nhưng đây là những yếu điểm có thể sửa được phần nào trong bước hậu kỳ.
Trong đa phần trường hợp, những bức hình của P30 Pro có độ sắc nét cao, dải tối đậm đà và hiệu ứng xóa phông rất giống thật. Chắn chắn những nhiếp ảnh gia kiến trúc vẫn sẽ phải 'vác' những bộ máy ảnh đắt tiền của mình đi, nhưng với những ai chỉ chụp hình nhà cửa, tĩnh vật cho vui thì chắc chắn P30 Pro sẽ đáp ứng được.
'Vật lộn' với phần mềm chụp hình
Để hỗ trợ người dùng trong những trường hợp chụp hình khác nhau, P30 Pro có các chế độ chụp hình riêng biệt, như Chế độ chân dung hay Chế độ chụp đêm. Ở tầm cao hơn nữa là chế độ Chuyên nghiệp (Pro), giúp ta có thể thay đối được từng thông số riêng biệt. Nhưng với tôi, chế độ Chuyên nghiệp lại không chuyên nghiệp cho lắm!
Mặc dù bạn có thể thay đổi những thông số cơ bản như tốc độ chụp, độ sáng, cân bằng trắng và điểm lấy nét, tôi vẫn thấy chế độ này rất khó áp dụng vào thực tế.
Đầu tiên, P30 Pro có thể chụp được với tốc độ cao hơn rất nhiều so với con số 1/4000 ở chế độ tự động, nhưng chế độ Chuyên nghiệp chỉ giới hạn ở mức này mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc ta sẽ phải chỉnh thêm thông số bù sáng trong những trường hợp thừa sáng nhất định. Ta cũng không thì điều chỉnh được độ dày mỏng của DoF (để xóa phông), máy sẽ tự động chọn tùy thuộc vào vị trí của chủ thể.
Khả năng lấy nét bằng tay cũng không thực sự hữu dụng, vì nhìn qua màn hình ta không thể biết rõ được ta đang lấy nét vào đầu. Đáng ra máy nên được trang bị khả năng Peaking, hiện những chấm màu vào điểm mà ta đang lấy nét. Theo tôi, chế độ Chuyên nghiệp trên các dòng máy Samsung Galaxy hữu dụng hơn so với những gì Huawei P30 Pro có thể làm được.
Quá trình hậu kỳ với P30 Pro
Trong quá trình chụp hình, một trong những công đoạn mà tôi thích nhất là hậu kỳ. Với những dòng máy ảnh chuyên nghiệp, một hình ảnh có thể thay đổi hoàn toàn về cảm xúc (mood) nhờ vào trình độ chỉnh sửa của nhiếp ảnh gia, mà không hề ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng.
Ảnh RAW của Huawei thì lại không dễ dàng chỉnh sửa. Lightroom khó nhận diện được dải tối trong ảnh của P30 Pro, tạo ra những mảng bệt rất rõ rệt khi chỉnh độ sáng. Khả năng chỉnh sửa màu của file RAW cũng không thực sự tốt, khi chỉnh sửa màu xanh dương thì màu xanh lá và nâu cũng thay đổi theo!
Thực sự tôi cũng đang 'soi lông tìm vết', vì đây vẫn là một chiếc smartphone chứ không phải là máy ảnh chuyên nghiệp. Nhưng việc bạn không thể chỉnh sửa ảnh của P30 Pro được tốt như những chiếc máy ảnh đồng nghĩa với việc nó không thể thay thế được máy ảnh trong rất nhiều trường hợp.
Có một vài phàn nàn về vấn đề xảy ra lỗi khi chụp ảnh RAW, hiện ra các chấm nhỏ trên ảnh. Nhưng đối với tôi thì điều này không xảy ra, ảnh nếu không kéo sáng hoặc chỉnh màu quá nặng tay thì luôn sạch sẽ.
Huawei P30 Pro làm tôi càng thêm yêu chiếc máy ảnh chuyên nghiệp
Chắc chắn đọc đến đây bạn cũng hiểu rằng, tôi cảm thấy yêu chiếc máy ảnh chuyên nghiệp của mình và sẽ không thấy nuối tiếc khi phải trả chiếc Huawei P30 Pro.
Xét tổng thể, chiếc smartphone này không tạo cho người dùng cảm giác 'tự tin' để sáng tạo giống như máy ảnh chuyên dụng. Nhất là với nhiếp ảnh đường phố, chỉ chậm một tích tắc thôi là bạn đã không có được bức hình để đời.
Và quả thực như vậy, trong thời gian sử dụng P30 Pro tôi đã bỏ lỡ khá nhiều bức hình đẹp. Trước khi chụp, tôi phải 'dự đoán' trước chủ thể sẽ làm gì, thay vì 'bắt khoảnh khắc' với máy ảnh. P30 Pro làm cho thời gian chụp lâu hơn để có một bức ảnh đẹp, và tôi lúc tôi cũng chỉ muốn bỏ cuộc luôn!
Như bức hình phía trên tôi chụp được ở Amsterdam, ngay bên cạnh hiệu sách tại Spui, với ánh sáng chiếu xuống bức tường và con đường phía dưới. Đây là một bức hình đẹp, với chủ thể đứng dưới ánh nắng và thu hút được sự chú ý của người xem. Nhưng phải chụp rất nhiều tấm tôi mới có được một ảnh cuối ưng ý, vì sợ độ trễ của P30 Pro sẽ làm hỏng mất khoảnh khắc.
Đống ảnh thừa mà tôi phải chụp để chọn được 1 tấm duy nhất
Điều này đồng nghĩa với việc tôi thường chọn giải pháp an toàn khi sử dụng P30 Pro: chụp những cảnh vật tĩnh và đơn giản, không có chuyển động. Nhưng đôi khi những bức hình khác lạ, những bức hình thử nghiệm mới là những hình gây được ấn tượng, tôi thì lại không có đủ thời gian rảnh để làm được điều đó với P30 Pro.
Trong những lúc cần kíp, chắc chắn tôi vẫn sẽ sử dụng chiếc smartphone này để chụp hình, nhưng nó vẫn làm tôi phải nghĩ rằng: "Ước gì mình đã mang chiếc máy ảnh theo người."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng