Lịch sử của chỉ số IQ, và tại sao việc áp dụng những bài kiểm tra IQ vẫn còn gây tranh cãi
Những bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ được ưa chuộng ngày nay đã từng có một quá khứ đen tối khi trở thành công cụ để thực hiện các hành vi phân biệt chúng tộc tại Mỹ.
John năm nay 12 tuổi. Tuổi của John gấp 3 lần tuổi của em trai mình. Hỏi khi tuổi của John gấp đôi tuổi em trai thì John bao nhiêu tuổi?
4, 9, 16, 25, 36, ?, 64. Điền số còn thiếu vào dấu "?".
Trên đây là những câu hỏi mà chúng ta có thể bắt gặp trong một bài kiểm tra IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh) trên mạng internet. Những bài kiểm tra này được tạo ra để đánh giá trí tuệ của con người, có thể là về ngôn ngữ, tư duy logic, tư duy hình học, v...v... Bài kiểm tra IQ đầu tiên xuất hiện vào khoảng hơn 100 năm trước, và cho đến nay chúng ngày càng trở nên phổ biến như một hình thức để đánh giá khả năng trí tuệ của con người.
Nhiều hệ thống giáo dục hiện đại ngày nay sử dụng bài kiểm tra IQ để tìm ra những đứa trẻ thông minh hơn người; nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những đứa trẻ này phát triển tài năng. Các nhà nghiên cứu thì ra sức tìm những mối liên quan giữa chỉ số IQ và các đặc tính khác như di truyền, chủng tộc, hay địa vị xã hội.
Còn những bài kiển tra IQ trên mạng thường chỉ để cho vui, cùng lắm là để giúp bạn nhận ra "liệu mình có đủ khả năng để lọt vào hàng ngũ của những người thông minh" hay không mà thôi.
Tuy những bài kiếm tra IQ thu hút sự chú ý như vậy, nhưng tính thực tế và chính xác của chúng vẫn luôn là đề tài được các nhà nghiên cứu và các học giả tranh cãi thường xuyên. Để hiểu rõ lý do dẫn đến sự tranh cãi này, chúng ta hãy cùng quay ngược thời gian mà tìm hiểu lịch sử và sự phát triển của những bài kiểm tra IQ - trong đó có cả một thời kỳ đen tối mà bài kiểm tra này được sử dụng như một thứ công cụ để những kẻ tự cho mình là "trí thức" phân biệt đối xử với người nghèo và người dân tộc thiểu số.
Sự ra đời và thử nghiệm
Ở khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, hàng tá bài kiểm tra IQ được phát triển tại châu Âu và Mỹ để đánh giá khả năng tư duy của con người. Bài kiểm tra đầu tiên do nhà tâm lý học Pháp Alfred Binet nghiên cứu phát triển, dưới yêu cầu của chính phủ Pháp để tìm ra những học sinh sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhất khi theo học tại trường. Kết quả của nghiên cứu này đã tạo nên thang Binet-Simon vào năm 1905, và đến nay thang này vẫn được coi là nền tảng của những bài kiểm tra IQ hiện đại. Tuy nhiên chính bản thân Binet lại cho rằng, những bài kiểm tra IQ không có đủ khả năng để đánh giá trí thông minh của con người - khi đã bỏ qua kỹ năng sáng tạo hay trí tuệ cảm xúc.
Thế nhưng không thể phủ nhận rằng những bài kiểm tra IQ là cách đơn giản nhất và nhanh nhất để phân loại các nhóm người theo trí thông minh - một trong những giá trị được xã hội coi trọng bậc nhất lúc bấy giờ. Tại Mỹ và một vài quốc gia khác, lực lượng quân đội, cảnh sát sử dụng chỉ số IQ để tìm ra những ứng viên tiềm năng. Bên cạnh đó, bạn cần phải vượt qua một ngưỡng chỉ số IQ nào đó mới có thể ứng tuyển vào những ngành nghề này.
Cũng trong khoảng thời gian này, hệ thống giáo dục tại Mỹ sử dung những bài kiểm tra IQ để tìm ra những học sinh "có năng khiếu thiên bẩm" để bồi dưỡng, chăm sóc và tạo điều kiện cho chúng phát triển tài năng. Bên cạnh đó, những học sinh có chỉ số IQ quá thấp cũng sẽ được quan tâm lưu ý đặc biệt.
Tuy nhiên không phải IQ cao lúc nào cũng là có lợi, khi mà một số cơ quan cảnh sát tại Mỹ cũng đặt ra một mức trần IQ cho những ứng viên ứng tuyển. Bởi lẽ họ sợ rằng những người thông minh quá sẽ cảm thấy chán và nghỉ việc sau một thời gian ngắn - dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đầu tư vào huấn luyện cho những người này.
Sự phổ biến của những bài kiểm tra IQ vào thế kỷ 20 cũng kéo theo tranh cãi về việc trí tuệ của một người chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học của người đó. Các nhà dân tộc học và nhân chủng học khi ấy đa phần đều coi trí tuệ và hành vi xã hội của con người được quyết định bởi chủng tộc, và họ dùng kết quả của những bài kiểm tra IQ để chỉ ra sự chênh lệch về trí tuệ giữa người da trắng và người da màu, giữa người giàu và người nghèo. Một số khác, thậm chí còn coi đây là bằng chứng cho thấy sự chênh lệch trí tuệ là do di truyền, và sự bất bình đẳng hay phân biệt đối xử trong xã hội chỉ là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa mà thôi.
Trở thành công cụ bị lạm dụng
Bài kiểm tra IQ Alpha-Beta của quân đội Mỹ được thực hiện vào thời kỳ thế chiến thứ nhất, với sự tham gia của 1,75 triệu binh sĩ để phân loại họ về mặt trí tuệ và cảm xúc. Kết quả bài kiểm tra này được công bố rộng rãi đến toàn xã hội, và trở thành đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nhà tâm lý học tại Đại học Princeton Carl Brigham đã viết trong cuốn sách "A Study of American Intelligence" xuất bản năm 1922, rằng kết quả thống kê của bài kiểm tra Alpha-Beta đã cho thấy rằng trí tuệ người Mỹ đang bị tụt giảm, nguyên nhân là bởi đang có nhiều người da màu tới Mỹ nhập cư hơn. Đồng thời, ông còn kêu gọi chính phủ đưa ra các chính sách xã hội nhằm hạn chế tình trạng nhập cư, cũng như không để người da trắng sống chung với người da màu.
Hàng loạt người bị cho là "đần độn" đã bị chính quyền Mỹ ép phải triệt sản để không để lại gene xấu.
Trước đó, vào năm 1916, nhà tâm lý học Mỹ Lewis Terman cũng đã rút ra sự liên kế giữa trí tuệ và chủng tộc. Ông đã viết trong báo cáo như sau:
Sự suy giảm trí tuệ ở mức độ trung bình - cao ... rất, rất phổ biến giữa những gia đình Tây Ban Nha - Ấn Độ hay Mexico tại khu vực Tây Nam; cũng như ở những người da đen. Sự ngu đần của họ có vẻ là đến từ chủng tộc, hoặc được di truyền trong gia đình... Những đứa trẻ trong nhóm gia đình này tốt nhất là nên bị cách ly sang lớp khác... Chúng không có khả năng cảm thụ nghệ thuật, nhưng vẫn có thể cải tạo được để trở thành những kẻ lao động chân tay.
Trong cái thời kỳ đen tối đó, những bài kiểm tra IQ trở thành công cụ đắc lực để những kẻ phân biệt chúng tộc "tác oai tác quái". Những kẻ ủng hộ chủ nghĩa này sử dụng bài kiểm tra IQ để lọc ra những "tên đần", "lũ chậm tiến", "kẻ ngu ngốc" để cách ly, tránh làm ảnh hưởng tới trí tuệ của những người Mỹ trắng cao quý.
Và những bài kiểm tra IQ của ngày nay
Những cuộc thảo luận về việc thế nào là "thông minh"; cũng như tính đúng đắn và thực tiễn của những bài kiểm tra IQ đến nay vẫn là đề tài nóng hổi thường xuyên được đem ra thảo luận. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng "thông minh" chỉ là thứ được định nghĩa trong một số nền văn hóa mà thôi. Vậy nên rất có thể những người được cho là thông minh ở nền văn hóa này, lại trở thành không thông minh ở nền văn hóa khác. Lấy ví dụ như những người hiểu biết sâu rộng về cây thuốc ở châu Phi chắc chắn không phải người có trí tuệ thấp kém, nhưng chưa chắc họ đã đạt kết quả cao trong những bài kiểm tra IQ.
Chính bởi vậy mà những bài kiểm tra IQ sẽ có xu hướng đánh giá chính xác hơn trí tuệ của những người thuộc văn hóa Âu Mỹ - nơi khai sinh của chỉ số IQ. Còn khi áp dụng bài kiểm tra này trong môi trường đa văn hóa, kết quả thu được sẽ không còn giá trị gì nữa. Hơn thế. xét đến việc những bài kiểm tra IQ đã từng bị lợi dụng cho những hành vi và tư tưởng phân biệt chủng tộc, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng chỉ số IQ chẳng thể nào đánh giá một cách công bằng được khả năng trí tuệ của con người.
Trở lại với những mục đích tốt đẹp
Bên cạnh những ý kiến cho rằng nên loại bỏ những bài kiểm tra IQ vì chúng vô giá trị, thì rất nhiều nhà nghiên cứu khác đang cố gắng sử dụng chúng để hỗ trợ những cộng đồng đã từng bị kỳ thị trong quá khứ. Việc sử dụng các bài kiểm tra IQ nhằm chọn ra những học sinh tài năng để hỗ trợ đào tạo, khi được áp dụng lên toàn bộ học sinh có thể phát hiện ra những tài năng mà thầy cô giáo vô tình bỏ sót trong quá trình giảng dạy.
Những bài kiểm tra IQ cũng có thể hỗ trợ quá trình tìm ra những khu vực có điều kiện sống gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhó. Chẳng hạn như nguồn nước nhiễm chì hay asen, đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe não bộ. Việc tìm ra những vấn đề này cho phép chính quyền có thể đưa ra các phương án hỗ trợ và đối phó. Xét về dài hạn, các kết quả kiểm tra IQ có thể được so sánh để đánh giá mức độ hiệu quả của những phương án kể trên.
Kể từ khi được sáng tạo ra, những bài kiểm tra IQ đã trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi về việc sử dụng chúng. Cả hai bên ủng hộ và không ủng hộ đều tập trung vào những cộng đồng đã từng chịu ảnh hưởng xấu từ việc sử dụng chỉ số IQ làm công cụ phân biệt đối xử trong quá khứ. Nhưng đồng thời, điều này cũng góp phần cho chúng ta thấy rằng trí tuệ là giá trị được xã hội coi trọng đến thế nào.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng