Lịch sử tạo dựng huyền thoại Rồng Đen (Phần 2)

    PV, Thế Tài 

    Đầu thập kỉ 90, khi Street Fighter II đang độc bá thể loại đối kháng, khó ai ngờ rằng chỉ ít lâu sau đó một huyền thoại mới khác sắp sửa ra đời mang tên Mortal Kombat.

    Quyết định truyền tải những nội dung dành cho người chơi trưởng thành, các nhà thiết kế game của Mortal Kombat đã thể hiện trò chơi bằng những đòn thế tấn công có thể coi là tàn bạo nhất trong lịch sử dòng game đối kháng.
     
    Theo họ, những chi tiết thực tế, dữ dội ở diện mạo bên ngoài sẽ phù hợp hơn với ý niệm về Mortal Kombat. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các đòn thế trong bản Mortal Kombat đầu tiên, tuy không được trau chuốt như Street Fighter của Capcom, nhưng lại cực hung tàn, từ thế chưởng lửa của Liu Kang cho đến các cú ra đòn vào chổ hiểm của Johnny Cage.
     

    Trong suốt các trận đánh, người chơi có thể quan sát thấy các đấu thủ máu chảy thành vòi, cộng thêm hiệu ứng xương cốt bị nghiền nát, càng làm tăng thêm tính khốc liệt của các vết tích mà bảy nhân vật chính phải hứng chịu. Trong đó đòn tấn công từ ngọn giáo đẫm máu của Scorpion đi kèm với tiếng thét “Get over here!” được đánh giá là một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất của Mortal Kombat.
     
     
    Kano - Fatalities.
     
    Phải thừa nhận rằng, chính những đòn kết liễu kinh người như thế đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng giới game thủ. Và góp phần không nhỏ giúp danh tiếng của thương hiệu Mortal Kombat đạt được như hiện nay.
     
    Không phải tựa game nào cũng dám cho phép người chơi đâm xuyên ngực đối thủ, rồi móc ra cả trái tim còn nóng, vẫn đang đập thình thịch, để lại cái xác không hồn rớt xuống sàn đấu. Thế nhưng Mortal Kombat đã dám táo bạo thực hiện điều này cho đòn kết liễu của nhân vật Kano.
     
     
    Sub-Zero - Fatalities.
     
    Những đòn kết liễu khác trong game cũng đáng nhớ không kém, như cách mà Sub-Zero kéo toạc đầu đối phương ra rồi khoe một cách đầy tự hào, để ý kĩ, người chơi có thể nhận thấy phần tủy sống từ thủ cấp của nạn nhân. Hay như khi Sonya Blade hôn từ biệt đối thủ trước khi biến kẻ xấu số thành cột lửa sống, hoặc như thần sấm Raiden dùng sét biến những đầu lâu quanh mình thành bột nhão. 
     

    Ông Boon cho biết thành quả của các đòn kết liễu này đều do công sức của mọi thành viên trong nhóm đóng góp xây dựng. Những ý tưởng không được đưa vào trò chơi thường vì lí do hạn chế về mặt kĩ thuật hoặc chưa đạt được tiêu chuẩn về mặt thị hiếu.

    Mang lại tiếng tăm, nhưng các tuyệt kĩ kết liễu tàn độc trong Mortal Kombat đồng thời cũng khơi dậy phản ánh bất bình của dư luận. Cùng với tựa game Night Trap của Sega, Mortal Kombat đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự hình thành của tổ chức ESRB (Entertainment Software Rating Board) với mục đích quy định và điều chỉnh nội dung phù hợp cho trò chơi. Không chỉ ESRB, mà cả trụ sở Nintendo ở Hoa Kỳ cũng đặt vấn đề với Midway về việc hạn chế bạo lực trong bản game trên SNES.
     

    Khi hồi tưởng lại quyết định kịch liệt này của Nintendo, ông Boon cho hay: “Khi nhận ra trong bản SNES, máu được chuyển thành mồ hôi, chúng tôi biết rằng thế là phiên bản này tiêu tùng rồi. May mà khi Mortal Kombat II được ra mắt, Nintendo đã thay đổi ý kiến, và cho phép hiển thị máu trong game, bản game đó trở nên tuyệt hảo. Nó sở hữu đồ họa và lối chơi tuyệt vời, và dĩ nhiên cũng cực kì máu me!”
     

    Thế nhưng vui mừng chưa lâu về việc Nintendo nới lỏng chính sách thì tinh thần ông Boon đã sớm bị chùn xuống bởi tình trạng rắc rối của hệ console gia đình và phiên bản PC. Mặc dù Midway nhận được quyền phê chuẩn trên nhiều hệ, nhưng bản thân sự phê chuẩn này lại khá mơ hồ.
     
    Dẫn đến một vài vấn đề mà đội ngũ mắc phải khi thực hiện game không được đề cập tới. Chẳng hạn như phiên bản SNES và Genesis của bản game gốc khác nhau rõ rệt về mặt trình bày, đồ họa và lối chơi thực thụ.
     

    Bận tâm của ông Boon về nhiều phiên bản trên các hệ máy gia đình khác nhau không hề làm cản bước giới game thủ. Và tựa game đã khiến bộ sậu của Street Fighter II bị chìm vào quên lãng trên hệ arcade nay lại đang tiếp tục gặt hái thành công trên các hệ máy chơi game gia đình.
     
    Không dừng lại ở đó, Midway dưới sự chỉ đạo của ông Boon và Tobias còn muốn đẩy giới hạn này đi xa hơn. Chính các đòn kết liễu “Fatality” đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu gắn kết game thủ và Mortal Kombat, vì vậy họ muốn phần tiếp theo của thương hiệu còn phải táo bạo hơn, oai hùng hơn và tất nhiên là sẽ thật đẫm máu.
     
    (Còn tiếp)
     
    Tham khảo tại Nowgamer.