Liên Hợp Quốc cảnh báo: 1 triệu loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng do bàn tay con người
Trong một cảnh báo phát đi mới đây của Liên Hợp Quốc, (LHQ) ước tính có khoảng 1 triệu trong số 8 triệu loài sinh vật trên hành tinh có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do bàn tay của con người.
Báo cáo trên của LHQ đã vẽ ra một viễn cảnh ảm đạm về việc hành tinh có thể bị tàn phá do dân số loài người ngày càng tăng và mức độ tiêu thụ vô độ của con người đang gián tiếp phá hủy thế giới tự nhiên.
Theo Cơ quan chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES) thuộc LHQ, tỷ lệ tuyệt chủng loài toàn cầu đã tăng cao hơn gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong 10 triệu năm qua. Thông tin trên được đưa ra trong bản báo cáo do 145 chuyên gia đến từ 50 nước cùng nhau nghiên cứu và thảo luận.
Môi trường sống bị thu hẹp, việc con người khai thác tài nguyên quá mức, biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng loài. IPBES ước tính có khoảng 40% động vật lưỡng cư, 33% rạn san hô và 1/3 số loài động vật có vú có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Sir Robert Watson, chủ tịch IPBES khẳng định: "Sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái mà chúng ta và tất cả các loài khác đang phụ thuộc đang dần xấu đi nhanh hơn bao giờ hết". Ông khẳng định loài người cần có những thay đổi mang tính bước ngoặt để cứu lấy hành tinh.
Báo cáo trên được công bố chỉ 6 tháng sau khi Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ đưa ra cảnh báo về việc thế giới chỉ còn chưa đầy 12 năm tới để hành động nhằm tránh những tai họa thảm khốc do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Cũng giống như cách IPCC đưa các cảnh báo khí hậu trên vào các chương trình nghị sự, nhóm tác giả nghiên cứu của IPBES hy vọng, báo cáo trên sẽ thúc giục các nước có những góc nhìn sâu sát hơn về tình hình hệ sinh thái trên Trái Đất.
Ngoài biến đổi khí hậu, hiện tượng xảy ra hàng trăm triệu năm nay, con người cũng chính là thủ phạm làm giảm đa dạng sinh học, biến đổi 75% hệ sinh thái trên mặt đất và 66% dưới đại dương kể từ thời tiền công nghiệp.
Đặc biệt các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến tác động của tình trạng tăng dân số đối với nhu cầu tài nguyên. Dân số thế giới đã tăng gần gấp đôi từ 3,7 lên 7,6 tỷ người trong hơn 50 năm qua và tổng GDP bình quân đầu người đã tăng cao hơn gấp 4 lần.
Hơn 1/3 đất đai trên thế giới và 75% nguồn cung nước ngọt được sử dụng phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi.
Sandra Diaz, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư sinh thái học tại Đại học Córdoba chia sẻ với CNN: "Còn rất ít thứ trên hành tinh này không chịu tác động của con người. Do đó chúng ta cần đóng vai trò là người quản lý sự sống trên hành tinh này".
Hiện nay tình trạng đánh bắt thủy hải sản và khai thác gỗ quá mức đang trở nên vô cùng nghiêm trọng. Trong năm 2015, 1/3 trữ lượng thủy hải sản đã bị đánh bắt quá mức và lượng gỗ được phép khai thác đã tăng gần một nửa kể từ năm 1970 và 15% trong số đó là khai thác trái phép.
Dân số gia tăng cũng kéo theo lượng rác thải khổng lồ. Ô nhiễm nhựa trên biển đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980. Trong đó trung bình 300-400 triệu tấn chất thải bị đổ ra biển mỗi năm.
Vẫn chưa quá muộn
Mặc dù mọi thứ đang rất trầm trọng nhưng chưa phải quá muộn để thay đổi ngay từ bây giờ. Để làm được điều này, Watson khẳng định sẽ cần phải có một cuộc đại tu hệ thống kinh tế, thay đổi chính trị và tư duy xã hội ở mọi quốc gia.
Diaz khẳng định, các chính phủ nên nghiêm túc thực hiện các thay đổi mạnh mẽ từ bây giờ để tránh một tương lai tàn khốc trong vòng 10-20 năm tới. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học và mực nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm nhiều vùng đất trên thế giới trong vài thập kỷ tới.
Nhưng các nước có thể thay đổi ngay từ bây giờ từ phương thức canh tác nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời các nước cần áp dụng các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp và công nghiệp để tránh phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường.
Trên đại dương, các quốc gia cũng cần tuân thủ các công ước quốc tế về khai thác thủy hải sản, tránh khai thác theo kiểu tận diệt và quá mức. Việc bảo vệ đại dương khỏi các nguồn chất thải ô nhiễm của con người cũng là việc cần làm vì đại dương là một trong những nguồn hút giữ khí nhà kính vô cùng hiệu quả.
Hơn hết, mọi người cần chung tay phục hồi lại hệ sinh thái đã bị hủy hoại do con người gây ra. Chỉ khi hệ sinh thái được phục hồi về trạng thái nguyên vẹn, như thế chúng ta mới giữ được sự đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
Lấy ví dụ như việc bảo tồn đa dạng tốt thì hệ sinh thái ổn định, cây cối luôn được thụ phấn và sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, chúng có thể giúp chống lũ lụt, giữ đất, lọc nước, không khí và bảo vệ Trái Đất.
Tham khảo CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng