Bạn nghĩ 2 tuần ngủ 6 tiếng/ngày sẽ tương đương bao nhiêu đêm thức trắng?
Ai cũng biết không ngủ đủ giấc gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ tác động là bao nhiêu, bạn khó có thể ước lượng chính xác. Một nghiên cứu mới đây sẽ cho phép chúng ta nhận ra điều đó. Các nhà khoa học đã chuyển đổi tương đương tác hại của 2 tuần ngủ 6 tiếng một ngày thành 2 đêm thức trắng. Giờ thì bạn đã có thể tưởng tượng được rồi chứ?
Không ngủ đủ giấc gây hại đến sức khỏe, nhưng mức độ tác động là bao nhiêu?
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí khoa học Sleep. Trong đó, các nhà khoa học chia 48 người ra thành 4 nhóm. Họ sẽ chia nhau ngủ 8 tiếng, 6 tiếng, 4 tiếng mỗi đêm. Một nhóm nhỏ không may sẽ phải thức trắng 3 đêm liền.
Trong thời gian thí nghiệm, mỗi người sẽ được làm bài kiểm tra nhận thức và phản ứng mỗi 2 tiếng, tất nhiên là trừ khoảng thời gian họ ngủ. Một loạt các phỏng vấn khác về tâm trạng của họ cũng được thực hiện. Ví dụ, một câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng: “Lúc này anh đã buồn ngủ chưa, và đến mức nào?”
Tại sao những giấc ngủ 6 tiếng đang gây hại cho sức khỏe
Rất dễ để tưởng tượng, những người có một giấc ngủ 8 tiếng mỗi ngày cho hiệu suất làm việc tốt hơn so với chỉ 4 tiếng. Điều này là kết quả hàng ngày. Tuy nhiên trong một con số trung bình, những giấc ngủ 6 tiếng cần diễn ra suốt 2 tuần để các nhà khoa học nhận rõ sự khác biệt.
Trong quá trình này, những người duy trì giấc ngủ 6 giờ của họ cho thấy hoạt động nhận thức tồi tệ như những người không ngủ trong hai ngày liên tiếp. Tuy nhiên, phải qua ngày thứ 10 điều đó mới bắt đầu xuất hiện.
Điều này không có nghĩa là dù bạn ngủ 6 tiếng một đêm cũng chẳng khác nào thức trắng. Nhưng sẽ là có những tác động tích lũy theo thời gian. Nếu bạn cứ cố xem nốt một bộ phim hay vượt qua một màn chơi game trước khi ngủ, về lâu dài, những tác động đến não bộ sẽ tương đương với những đêm thức trắng.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng sự cắt ngắn giấc ngủ, dù ở lượng tương đối vừa phải, cũng có thể làm suy giảm chức năng thần kinh thức tỉnh ở người trưởng thành”, nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Sleep. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề như sự tỉnh táo sinh lý, khả năng chú ý, nhận thức, tình trạng mệt mỏi, tâm trạng, nội tiết thần kinh và hệ thống miễn dịch.
Tự cho ngủ 6 giờ là đủ, những người này không biết khả năng nhận thức của mình đang xuống dốc.
Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng đáng báo động. Nhóm người ngủ 6 tiếng không nhận thức được tình trạng của họ. Tự cho 6 giờ là đủ, những người này không biết khả năng nhận thức của mình đang xuống dốc.
Điều này, ở góc độ nào đó, còn tai hại hơn những người thức trắng hai đêm liền. Họ tự biết mình cần một giấc ngủ, trong khi những người ngủ 6 tiếng trong thời gian dài phủ nhận về điều đó. Từ lúc bắt đầu đến cuối buổi nghiên cứu, sự buồn ngủ của người thức trắng tăng hai cấp độ, những người ngủ 6 tiếng chỉ tăng có một.
Nhiều người còn chẳng biết họ đã ngủ bao nhiêu lâu
Bạn thường bấm thời gian bắt đầu nằm xuống cho tới khi thức dậy để tính cho một giấc ngủ? Điều này không chính xác.
Một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy mọi người thằng đánh giá cao chất lượng giấc ngủ của họ hơn thực tế. Nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Epidemiology chỉ ra chúng ta phải trừ đi trung bình 0,8 tiếng nếu tự đánh giá mình ngủ trong bao lâu.
Theo một khảo sát của CDC, hơn 35% người Mỹ ngủ ít hơn 7 giờ một ngày. Vậy là cứ 3 người thì có một người như vậy. Những người khó ngủ không thể ước lượng chính xác thời gian ngủ của họ mỗi đêm. Vì vậy, khi họ ngủ không đủ, họ vẫn tin rằng mình đã làm tốt hơn nhiều.
Sửa đổi thói quen ngủ: nói thì dễ làm thì khó
Một động lực đủ mạnh mới có thể khiến bạn dứt khỏi thói quen ngủ xấu
Ai cũng mong muốn mình luôn có những giấc ngủ chất lượng, nhưng có vẻ điều đó khó khăn với rất nhiều người. Bạn có thể sẽ quen thuộc với những lời khuyên như: đi ngủ đúng giờ, không sử dụng đồ uống kích thích, tập thể dục, không nhìn vào màn hình điện thoại trong 30 phút…
Những lời khuyên hiếm hoi đề cập đến những vấn đề sâu hơn như thừa cân hay chứng ngưng thở khi ngủ. Vấn đề giấc ngủ cũng liên quan đến chế độ ăn uống, luyện tập, sức khỏe tâm lý, thần kinh và cũng xảy ra chiều tác động ngược lại.
Mặc dù vậy, một động lực đủ mạnh mới có thể khiến bạn dứt ra khỏi tình trạng kéo dài thói quen ngủ xấu của mình. Trước hết, phải nhận thức được tình trạng của mình. Nếu đang ngủ 6 tiếng mỗi ngày kéo dài quá 2 tuần, điều đó tương đương việc bạn không ngủ hai ngày rồi. Hy vọng sự chuyển đổi này của các nhà khoa học sẽ giúp bạn đủ quyết tâm cải thiện giấc ngủ, cũng như sức khỏe của chính mình.
Tham khảo Sciencealert, Fastcompany
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng