Trong những ngày đầu của tháng 5, những tin đồn về việc một "cuộc đổ bộ" của Android lên PC đang lan tràn khắp các trang tin công nghệ. Chỉ cách đây vài hôm, trang tin Cnet vừa dẫn lời một nhân viên cao cấp của Google về sự quan tâm của hãng trong việc đưa Android vào các thiết bị máy tính thông thường. Thế nhưng, liệu Android đã sẵn sàng để thay thế Windows?
PC sẽ không thể chết
Cho dù người ta có tiếp tục bàn luận về vấn đề trên thế nào đi nữa, thật khó để có thể bỏ qua tầm quan trọng của PC, công cụ đã gắn bó với con người trong vài thập kỷ qua. Trong khi doanh số của iPad và các tablet Android vẫn tăng “chóng mặt” thì lượng PC hay Laptop đang có giảm sút nghiêm trọng so với giai đoạn trước. Lý do thật ra khá đơn giản, thị trường máy tính dường như đã đi tới điểm bão hòa và ngày nay, chúng ta có thể thấy các thiết bị này ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, Android hay iOS đều được nghiên cứu và thiết kế dành riêng cho các thiết bị cảm ứng. Điều này đồng nghĩa với việc cả 2 HĐH này sẽ khó có thể phù hợp cho một người ưa dùng các thiết bị vật lý như các game thủ. Rõ ràng, một bộ bàn phím vật lý với đầy đủ các tổ hợp phím bấm cùng chuột vẫn thuận tiện hơn bàn phím cảm ứng, nhất là khi công việc của bạn yêu cầu sự chính xác, tỉ mỉ cao. Điều này giải thích tại sao ngay cả với laptop, người dùng vẫn ưa một con chuột bên ngoài hơn là sử dụng touchpad của máy. Vì thế, sự tồn tại của PC hay Laptop thông thường là điều dễ hiểu.
Có thể trong một vài trường hợp, sử dụng một chiếc tablet hay smartphone sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhưng chắc chắn, đối với đại đa số người dùng, máy tính vẫn là công cụ quen thuộc và thiết yếu hơn cả. Dù Android đang là nền tảng phổ biến, nhưng có lẽ cho tới hiện tại, HĐH này mới chỉ có thể phục vụ một số nhu cầu đơn giản của người dùng như nghe nhạc, xem film hay tìm kiếm thông tin.
Android là HĐH di động tốt nhất dành cho máy tính
Nếu xét một cách khách quan thì trong số tất cả những HĐH di động hiện có, Android là nền tảng duy nhất có thể phù hợp với một chiếc máy tính thông thường. Ngay cả iOS, HĐH nổi tiếng của Apple, cũng không thể đáp ứng được những yêu cầu này bởi iOS thiếu vắng các công cụ hỗ trợ đa người dùng và chức năng đa nhiệm.
BlackBerry 10 cũng sẽ phải cải thiện rất nhiều để có thể thích ứng trên màn hình máy tính nếu muốn tham gia cuộc chơi không cân sức này. Bản thân Apple và Microsoft vốn dĩ cũng chẳng cần phải nâng cấp iOS hay WindowsPhones bởi họ đã có sẵn những HĐH đình đám dành cho máy tính thông thường rồi. Bởi vậy, có lẽ Android là nền tảng duy nhất đủ sức tiến vào nền tảng này do có một mạng lưới người dùng rộng lớn, khả năng đa nhiệm tốt và quan trọng hơn cả là tính mở đối với người sử dụng.
Sở hữu trong tay một chiếc smartphone Android cùng với một chiếc máy tính chạy Android sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời cho các tín đồ công nghệ? Sở dĩ Apple chưa thực sự thành công có lẽ còn nằm ở vấn đề giá cả. Bản thân một chiếc iPhone đã có giá quá cao, các thiết bị vi tính của Apple thậm chí còn “cắt cổ” hơn thế nhiều lần. Trong khi đó, với truyền thống từ trước đến nay, người dùng sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi có thể sở hữu một chiếc laptop Android với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần nếu đem so với MacBook.
Google Docs
Việc tạo lập văn bản là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công một HĐH trên máy tính thông thường nếu không muốn nói đây là nhân tố chủ chốt mang lại thành công cho Microsoft ngày nay. Microsoft đã xây dựng và biến các máy tính các nhân chạy Windows trở thành thiết bị sử dụng Office vượt trội và tối ưu hơn bất cứ hệ thống nào khác. Kể từ lần giới thiệu đầu tiên vào năm 1989 đến nay, chưa hề có phần mềm hay ứng dụng nào có đủ sức cạnh tranh với Microsoft Office.
Nhằm phá vỡ sự thống trị của Microsoft, Google cũng cho ra mắt đứa con tinh thần của mình là Google Docs, một ứng dụng đơn giản hơn, mở hơn và thậm chí còn tốt hơn Office theo quan điểm của nhiều người. Tuy nhiên, những ai chuyên sử dụng Excel sẽ không thể chỉ dùng Docs mà không cần tới các công cụ hỗ trợ khác, còn đối với các tính năng còn lại, Google Docs đã là quá đủ cho bạn.
Google Docs cho phép người dùng tạo lập các văn bản, slide, bảng biểu và truy cập ứng dụng này ở bất cứ đâu thông qua Internet. Tuy nhiên, Google Drive (dịch vụ lưu trữ đám mây của Google) lại tỏ ra khá kém cỏi. Tốc độ xử lý còn chậm, ít chức năng và thậm chí không thể tạo được một văn bản mới nếu không có kết nối Internet. Bởi vậy, để Android có thể trở thành một lựa chọn hợp lí trên môi trường desktop, Drive cần có những thay đổi lớn hơn nữa. Dĩ nhiên, Microsoft Office cũng chính là một giải pháp hữu hiệu với Google. Sắp tới, Microsoft sẽ chính thức cho ra mắt bộ Office dành cho cả iOS và Android vào cuối năm nay.
Chrome và Web
Đã từ rất lâu rồi cái tên Google Chrome luôn nằm trong những trình duyệt phổ biến nhất trên thế giới. Giao diện thân thiện, tốc độ nhanh và dễ sử dụng là những gì chúng ta thấy được ở Chrome. Không dừng lại ở đó, trình duyệt này vẫn đang được Google liên tục nâng cấp và phát triền với tham vọng trở thành trình duyệt tốt nhất trên Android.
Tuy vậy, Chrome trên Laptop vẫn yêu cầu cài đặt Flash và điều này có thể khiến máy chạy chậm hơn hay thậm chí “treo” máy bất kể đây là trình duyệt được sử dụng phổ biến trên hàng triệu Website toàn cầu. Đây có thể được xem là một bất lợi nếu so sánh Google Chrome với một vài trình duyệt khác trên Android như Dolphin hay Opera. Bởi vậy, dù được đánh giá cao trên PC, nhưng với Android, Google Chrome rõ ràng vẫn cần phải được chuẩn bị nhiều hơn nữa.
Những ứng dụng khác
Bên cạnh những phần mềm thiết yếu như trình duyệt hay bộ công cụ office, những ứng dụng phổ biến như phần mềm chỉnh sửa ảnh Adobe Photoshop, phần mềm sửa nhạc Fruity Loops hay bộ công cụ chỉnh sửa video Sony Vegas cũng đều là những công cụ quan trọng trên máy tính. Thật may là Photoshop Touch đã có mặt trên Google Play và Fruity Loops cũng đã có phiên bản dành cho Android. Nhưng một sản phẩm như Sony Vegas thì vẫn chưa có. Đó là còn chưa kể tới bộ công cụ "đồ sộ" về biên tập video của Adobe với dung lượng lên đến vài GB. Hiện tại, trên Google Play mới chỉ có một vài ứng dụng edit video đơn giản chứ chưa thật sự chuyên nghiệp và đủ sức thuyết phục người dùng.
Với người dùng Android nói chung, games là một trải nghiệm tuyệt vời không thể thiếu được. Những ứng dụng này đang ngày càng có những bước tiến đáng kể trong một vài năm qua. Cứ nhìn vào dung lượng cũng như yêu cầu về cấu hình là đủ hiểu khoảng cách giữa game mobile và game trên nền PC đang ngày càng bị rút ngắn lại. Asphalt 7 hay Nova 3 là những cái tên đã và đang “hoành hành” trên khắp các hệ máy và góp phần đưa game mobile lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, một vài dòng game cổ điển và chỉ phổ biến trên desktop cũng đã xuất hiện trên Android như Minecraft, PlantsVsZombies. Bởi vậy, nếu xét từ đa số người dùng, game không còn là một trở lại quá lớn nếu Android đổ bộ lên các hệ máy desktop.
Giao diện người dùng (UI)
Android được thiết kế cho màn hình cảm ứng và không cần đến các thiết bị hỗ trợ bên ngoài như chuột hay trackpad. Với lượng người dùng hiện tại, Google hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đón nhận của người dùng nếu đưa Android vào các hệ máy tính thông thường, nhưng đó chỉ là những phản ứng ban đầu, còn xét về lâu về dài, liệu người dùng có thực sự thích thú HĐH này hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Hãy lấy Facebook Home làm ví dụ điển hình. Dù có tới hơn 1 tỷ người dùng nhưng số lượng người đang sử dụng ứng dụng này có vượt quá 1 triệu? Vì thế, để có thể thành công, Google sẽ thực sự cần tới những nâng cấp vượt bậc về mặt giao diện người dùng.
Lời kết
Cho tới lúc này, Google vẫn đang có những động thái khá chắc chắn về sự xuất hiện của một HĐH Chrome dành trên nền desktop. Với những gì đang nắm trong tay, việc Android xâm lăng lên desktop, mảnh đất xưa nay vốn chỉ dành cho 2 gã khổng lồ xâu xé là Microsoft và Apple, chỉ là chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, liệu người dùng có vui lòng đón chào nó hay không lại là một câu hỏi vẫn chưa có đáp án. Còn bạn, nếu bạn là fan của Android, liệu bạn có muốn thử trải nghiệm HĐH này ngay khi phiên bản dành cho máy tính cá nhân ra mắt hay không?
Liệu Android đã sẵn sàng ?