Liệu déjà vu có khiến ai đó đoán trước được tương lai?

    zknight,  

    Các nhà khoa học có thể kích hoạt những cơn déjà vu nhân tạo để kiểm tra điều này.

    Hầu hết tất cả chúng ta đều đã từng trải nghiệm déjà vu – một cảm giác kỳ quặc và bất ngờ khi nhận ra một bối cảnh mới lại hết sức quen thuộc.

    Bạn có thể bước vào một căn phòng, hay tới một địa điểm nào đó lần đầu tiên, mà ngỡ mình từng ở đây rồi. Hoặc bạn cảm thấy mình vừa lặp lại một đoạn hội thoại y hệt những gì đã nói trong quá khứ, cứ như bạn đã từng nói đúng câu chuyện này với đúng người này.

    Còn điều kì lạ nào khác nữa, nhiều người bị déjà vu tin rằng mình có khả năng dự doán được tương lai. Thường thì họ sẽ đoán sau cánh cửa tiếp theo của căn phòng đó là gì? Hoặc câu tiếp theo mà người đang nói chuyện với họ sẽ nói.

     Liệu người trải nghiệm déjà vu có đoán trước được tương lai?

    Liệu người trải nghiệm déjà vu có đoán trước được tương lai?

    Déjà vu - tiếng Pháp nghĩa là "đã nhìn thấy". Nó kì lạ đến nỗi tất cả những gì khoa học có thể làm để giải thích về nó là đưa ra 3 giả thuyết. Chưa có kiểm chứng xác đáng nào để chứng minh giả thuyết nào trong số này là đúng.

    Bởi vậy, vẫn có chỗ cho những lời giải thích kiểu như: Déjà vu là một năng lực siêu nhiên, là việc lạc vào một vũ trụ song song, là phản chiếu của hình ảnh từ kiếp trước. Và bởi nhiều người trải nghiệm déjà vu cảm thấy một cách rõ rệt rằng họ biết trước tương lai, những lời giải thích huyền học này càng phổ biến.

    Nhưng Anne Cleary, một nhà tâm lý học tại Đại học Bang Colorado, Mỹ đã thiết lập được một thí nghiệm để đập tan suy nghĩ đó. Nó đã chứng minh niềm tin dự đoán được tương lai trong déjà vu thực chất chỉ là một cảm giác.

    Khi một người déjà vu dự đoán tương lai, họ không làm tốt hơn so với việc đoán mò. Chỉ là họ tin tưởng vào dự đoán của mình hơn mà thôi.

    Nghiên cứu trên 298 tình nguyện viên của Cleary được đăng trên tạp chí Psychological Science. Trong đó, cô đã sử dụng trò chơi The Sims để tạo nên các nhóm hoạt cảnh có bố cục không gian giống nhau. Các đồ vật theo chủ đề khác nhau, được xếp ở các vị trí giống hệt. Ví dụ như bãi phế liệu và khu vườn dưới đây:

    Trong các nghiên cứu trước, những bố cục trùng lặp như vậy đã thể hiện sự hiệu quả trong việc kích hoạt cảm giác déjà vu. Vì vậy, Cleary muốn sử dụng nó để tạo ra những cơn déjà vu nhân tạo cho tình nguyện viên.

    “Chúng ta không thể nhớ một cách có ý thức bối cảnh trước đây mình từng trải qua, nhưng bộ não của chúng ta nhận ra sự giống nhau", Cleary nói.

    "Giả thuyết trước đây của tôi cho rằng déjà vu là một biểu hiện đặc biệt của sự quen thuộc. Bạn cảm thấy quen thuộc trong tình huống lẽ ra bạn phải lạ lẫm, và đó là lý do tại sao déjà vu làm mọi người hoảng hồn và ấn tượng”.

    Trong thí nghiệm của Cleary với game The Sims, các tình nguyện viên sẽ được xem những đoạn video ở góc nhìn thứ nhất, thể hiện 1 nhân vật đang đi qua các bố cục của 1 bối cảnh. Tiếp theo, tình nguyện viên được cho xem video khác với bối cảnh thứ 2.

    Ở một phân đoạn của video này, kịch bản di chuyển của nó lặp lại y hệt một đoạn trong video đầu tiên. Tại một nút thắt quan trọng, đoạn video được cho dừng lại. Các nhà khoa học sẽ hỏi tình nguyện viên có trải nghiệm déjà vu hay không. Và nếu có, họ được cho đoán xem ở lối rẽ tiếp theo, nhân vật sẽ đi theo hướng nào.

    Kết quả, những hoạt cảnh chiếu lại trong trò chơi The sims đã khiến một nửa số người tham gia gặp déjà vu. Phản ứng với câu hỏi về việc dự đoán hướng đi sắp tới, nhóm những người báo cáo cảm giác déjà vu này cũng thể hiện sự chắc chắn hơn nhóm không gặp hiện tượng này.

    Tuy nhiên, dự đoán của họ không hề chính xác để vượt qua được mức suy đoán ngẫu nhiên, hay nói cách khác là đoán mò. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cảm giác đoán được tương lai khi bị déjà vu chỉ là cảm giác ảo. Nó ko xuất phát từ kí ức thực của họ.

     Déjà vu có thể được kích hoạt bằng những kí ức tương tự như thế này

    Déjà vu có thể được kích hoạt bằng những kí ức tương tự như thế này

    Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Cleary đang thiết kế các thí nghiệm sâu hơn để tiếp tục nghiên cứu về déjà vu. Cô là một trong những nhà khoa học hiếm hoi trên thế giới nghiên cứu về hiện tượng bí ẩn này.

    “Tôi nghĩ mọi người đưa ra những giả thuyết tâm linh về déjà vu là vì nó vẫn còn là một trải nghiệm bí ẩn và mang tính chủ quan”, Cleary nói.

    “Ngay cả những nhà khoa học không tin về kiếp trước cũng hỏi nhỏ tôi, ‘Cô có thể giải thích tại sao tôi lại có trải nghiệm này hay không?’. Và mọi người thường tìm kiếm các lời giải thích ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu bạn là một nhà khoa học, bạn sẽ tìm kiếm một lời giải thích logic, về lí do tại sao bạn lại có trải nghiệm kì lạ này”.

    Tham khảo Sciencealert, Sciencedaily, Psychologytoday

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày