Lo ngại Huawei thừa sức đứng vững bằng hệ điều hành riêng, Google mong muốn nối lại hợp tác
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google khẳng định, lệnh cấm của chính quyền ông Trump với Huawei có thể thúc đẩy hãng công nghệ Trung Quốc xây dựng giải pháp thay thế Android dễ bị hack hơn và đe dọa đến những lợi ích của Mỹ.
Theo tờ Financial Times, Google vừa phát đi cảnh báo tới chính quyền Trump về những nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ nếu nước này vẫn tiếp tục cấm cửa Huawei. Đồng thời hãng phần mềm nước Mỹ còn muốn chính phủ sớm gỡ bỏ lệnh cấm với Huawei.
Các giám đốc cao cấp của Google cảnh báo, việc không còn hợp tác với Google sẽ thúc đẩy Huawei tự phát triển hệ điều hành riêng. Thực tế hãng đã phát triển nền tảng hệ điều hành của riêng mình với tên gọi Hongmeng OS hoặc Ark OS từ lâu và đang dần hoàn thiện. Đó sẽ là một "phiên bản Android" được tùy biến lại và là cơ hội cho các hacker đánh cắp thông tin.
Đặc biệt Huawei lại là một hãng smartphone lớn nên nguy cơ để lộ thông tin của người dùng tại các quốc gia đồng minh với Mỹ hay cả người dân Mỹ cũng rất cao.
Trong ngắn hạn, Huawei rõ ràng đang chịu thiệt hại từ lệnh cấm vì mất đi một đối tác cung cấp hệ điều hành quan trọng như Google. Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, điều này thực tế lại đem tới lợi ích không nhỏ khi thúc đẩy Huawei trở nên độc lập hơn.
Huawei sẽ tự cường hơn và phát triển các công nghệ giúp họ đứng vững trước sóng gió. Đó là chưa kể, chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ hết mình, tăng thêm tài trợ cho R&D cho các công ty công nghệ và ngành công nghiệp nước này trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt thương mại. Điều này vô tình càng đe dọa sự thống trị của các công ty Mỹ về lâu dài.
Có lẽ nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn và tác động không nhỏ của lệnh cấm đối với doanh thu từ việc cấp bản quyền và quảng cáo, Google đã gợi mở về khả năng yêu cầu chính phủ loại trừ công ty khỏi danh sách cấp hợp tác với Huawei.
Đại diện Google chia sẻ: "Giống như các công ty Mỹ khác, chúng tôi đã tham gia cùng Bộ thương mại Mỹ nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về giấy phép tạm thời. Trọng tâm của chúng tôi là bảo vệ sự an toàn cho người dùng Google trên hàng triệu thiết bị của Huawei tại Mỹ và trên toàn thế giới".
Động thái này hứa hẹn sẽ giúp Google có thể quản lý được hệ điều hành Android, liên tục phát hành các bản cập nhật bảo mật quan trọng tới tất cả smartphone Huawei trên thế giới.
Đã hơn nửa tháng kể từ khi chính phủ Mỹ chính thức ban hành sắc lệnh cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei, mọi thứ cho đến nay vẫn chưa có gì khởi sắc hơn. Chính phủ Mỹ vẫn coi Huawei, hãng cung cấp thiết bị mạng viễn thông 5G hàng đầu thế giới là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia và cho rằng, hãng là gián điệp của Bắc Kinh.
Thậm chí ông Trump từng phát biểu Huawei là một công ty nguy hiểm nhưng để ngỏ khả năng giải quyết vấn đề của hãng này trên bàn đàm phán với Bắc Kinh.
Mặt khác, Bộ thương mại Mỹ cũng đã hoãn thi hành lệnh cấm thêm 3 tháng để chờ đợi những tín hiệu mới từ hai phía. Trong thời gian này, rất nhiều các công ty Mỹ bao gồm Google, Microsoft, Intel, Qualcomm,…và mới nhất là Facebook đều đã dừng hợp tác với Huawei.
Hồi tuần này, chủ tịch Huawei Liang Hua chia sẻ với nhóm phóng viên rằng, Google đang làm việc với Bộ thương mại Mỹ để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khúc mắc, đồng thời nối lại hợp tác với Huawei.
Ông này cũng khẳng định, Huawei sẽ không đàm phán trực tiếp với chính phủ Mỹ và sẽ chờ các cuộc đàm phán của Google tiến triển đến đâu. Người đại diện Huawei thậm chí nhấn mạnh, nếu công ty buộc phải phát triển một hệ điều hành riêng, họ có thể làm điều đó rất nhanh.
Tham khảo SMCP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng