Lo sợ con cái mất việc vì AI, mẹ bỉm sữa Trung Quốc đang chi cả chục nghìn đô dạy con học code, làm robot
Ngành công nghiệp đào tạo STEM của Trung Quốc có thể đạt giá trị 15 tỷ USD vào năm 2020.
Bắt đầu bằng ý tưởng đào tạo sớm cho trẻ em để chúng chiếm ưu thế so với robot trên thị trường lao động, tại Trung Quốc đang bùng nổ một loại hình đào tạo mới với chi phí đắt đỏ: 3.000 USD học phí mỗi năm, bộ lắp ghép robot Lego giá 350 USD và một chuyến đi Mỹ trị giá 7.300 USD để thử nghiệm các kỹ năng mới được học.
Hệ thống giáo dục đào tạo mới này mang tên STEM, kết hợp kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. STEM được sinh ra ra tại Mỹ nhưng lại đang tạo ra một cơn sốt trên khắp Trung Quốc, hiện khoảng 10 triệu em đang được đào tạo theo phương thức STEM tại quốc gia tỷ dân.
Các em học sinh thực hành cùng robot trong một giờ học
Theo hãng tư vấn JMD Education, con số này sẽ tăng lên 50 triệu vào năm 2020 bởi các bậc phụ huynh ngày càng muốn hướng con cái của mình theo ngành lập trình máy tính và robot. Dự kiến, nhu cầu giáo dục sẽ biến STEM trở thành một ngành công nghiệp trị giá 15 tỷ USD. Hiện tại, các công ty như Pearson, Lego Group và Sony đã chú ý tới thị trường béo bở, đầy tiềm năng nay.
"Tôi không hề giới hạn số tiền đầu tư cho con mình", Zhuo nói. Hiện cô đang làm việc trong ngành công nghiệp internet. Cô Zhuo đã dành rất nhiều tiền cho cậu con trai 10 tuổi theo học STEM. "Hiện tại, tôi đầu tư rất nhiều vào việc đào tạo những kiến thức về robot cho con trai mình. Tôi có một tầm nhìn dài hạn và nhìn vào những cơ hội mà kiến thức về robot mang lại cho con trai mình khi cậu bé tròn 18 tuổi".
Wang Yizhuo, con trai của Zhuo, sẽ gia nhập một trong những thị trường lao động cạnh tranh nhất trên thế giới sau khi cậu bé tốt nghiệp đại học. Năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 200 triệu sinh viên tốt nghiệp, nhiều hơn toàn bộ lực lượng lao động tại Mỹ. Hiện tại, 40% học sinh cấp 3 tại Trung Quốc có chứng chỉ STEM trong khi con số này ở Mỹ và Pháp là dưới 20%.
Theo Wen Jing, một nhà nghiên cứu tại JMD Education, lo lắng về công việc trong tương lai của các bậc phụ huynh Trung Quốc tạo cơ hội cho ít nhất 500 tổ chức hoặc startup tại quốc gia này cung cấp những chương trình đào tạo code, robot và in 3D. Đây là một ngành công nghiệp chưa có nhiều quy định và ít bị giám sát.
Điều này đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh thường phải băn khoăn trước rất nhiều lựa chọn, từ các tổ chức hợp pháp tới những công ty lừa đảo tinh ranh.
"Ngay cả một lớp dạy hái hoa bắt bướm vẫn quảng cáo với bạn rằng đó là lớp học STEM", Xiao Dun, đồng sáng lập của nền tảng giáo dục trực tuyến 17zuoye.com chia sẻ. Nền tảng này cung cấp các khóa học từ Minecraft và Sony Global Education cho học viên Trung Quốc.
Các đơn vị giáo dục tư nhân đang lấp những lỗ hổng của hệ thống giáo dục do nhà nước Trung Quốc cung cấp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tụt hậu so với ít nhất 16 quốc gia tại châu Âu và Mỹ trong việc đưa code và robot vào chương trình giảng dạy quốc gia.
Nora Yeung, sáng lập của Creative Codeing tại Hồng Kông, chia sẻ rằng code có thể trở thành kỹ năng cơ bản mà trong tương lai mọi người đều phải có.
"Với những người muốn tìm việc trong tương lai, code giống như các kỹ năng đọc, viết hoặc kỹ năng ngôn ngữ và trở thành kỹ năng cơ bản mà mọi người cần phải học", Yeung nói. "Chúng ta cần phải chuẩn bị cho trẻ em cho những công việc thậm chí còn chưa tồn tại".
Chính quyền Bắc Kinh đang thử nghiệm một chương trình hỗ trợ hàng năm khoảng 60 USD trên mỗi trẻ em cho các bậc phụ huynh. Khoản hỗ trợ này dùng để giúp các bậc phụ huynh nuôi dưỡng sự sáng tạo cho con em họ. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này chẳng đáng là bao bởi học phí cho một giờ học tại thủ đô đất nước tỷ dân hiện đang ở mức 50 USD.
Chi phí có thể tiếp tục leo thang theo xu hướng ở Singapore nơi mà giá trị của nền giáo dục theo phương thức STEM đã được công nhận từ nhiều năm qua. Tháng vừa qua, Singapore được Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển vinh danh là quốc gia đứng đầu về giáo dục khoa học, đọc, toán và hợp tác giải quyết vấn đề.
Ana Ow cho biết cô đã trả khoảng 300 USD để cậu con trai 8 tuổi được học năm bài học về robot. Đây là mức giá rẻ nhất mà cô tìm thấy tại Singapore.
"Tôi thấy mình là một người mẹ nghiêm khắc và là bà mẹ tệ nhất trong số đồng nghiệp của tôi", Ow, người bắt đầu cho con theo học các lớp code và robot trong kỳ nghỉ từ ba năm trước chia sẻ. "Tôi nhận thức rõ ràng rằng sáng tạo kỹ thuật số là một ranh giới mới".
Dường như tất cả các bậc phụ huynh trên toàn cầu đều quan tâm tới vấn đề này. Hồi tháng 1/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng cam kết sẽ chi 4 tỷ USD cho việc đào tạo khoa học máy tính tại trường học. Trong năm 2012, tại Mỹ có khoảng 1,02 triệu việc làm phát triển phần mềm và con số này có thể tăng 22% trong năm 2022 do nhu cầu phần mềm máy tính tăng mạnh.
Mẹ Zhuo tại Hàng Châu chia sẻ rằng việc cho con trai mình tham gia vào các cuộc thi là một cách tốt nhất để đánh giá và khuyến khích tinh thần học tập của cậu bé.
"Cháu tỏ ra quan tâm thực sự tới robot nên chúng tôi đã khuyến khích cháu tham gia vào vài cuộc thi để cháu tự đánh giá khả năng", Zhuo nói. "Do các cuộc thi tạo ra nhiều áp lực nên nó sẽ khiến cháu phải suy nghĩ xem có thực sự muốn dành nhiều thời gian hơn cho robot hay không".
Khi bắt đầu, Zhuo chia sẻ rằng cô không hề đặt ra những kỳ vọng. Con trai của cô dành hàng giờ mày mò sau giờ học để hoàn thành những nhiệm vụ và ngày càng để ý tới việc áp dụng những gì đã được học cho các dự án robot của cậu.
Điều đó giúp cậu học tốt hơn những cậu bé khác và nhóm của cậu đã xếp thứ tư trong cuộc thi RoboRave do Intel tài trợ. Zhuo đã phải chi 7.300 USD cho con tới Mỹ tham gia cuộc thi này. Được thành lập từ năm 2001, RoboRave thu hút các học sinh sinh từ nhiều quốc gia tới tranh tài.
Học phí và những giờ học STEM ngoại khóa có thể khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng, Jasen Wang sáng lập Makeblok, chia sẻ. Makeblok là một startup lớn nhất chuyên cung cấp thiết bị cho ngành giáo dục về robot tại Thâm Quyến. Các sản phẩm công ty này cung cấp có thể có mức giá lên tới 800 USD.
"Rất khó để nhà trường tại các vùng mà cơ sở hạ tầng cơ bản còn chưa được đáp ứng cung cấp loại hình giáo dục này", Wang nói thêm. Anh còn chia sẻ rằng 60% doanh thu của công ty tới từ nước ngoài, trong đó có Mỹ. "Đó là một sự đầu tư đáng kể nhưng kết quả có thể không đáp ứng được kỳ vọng".
Zhuo sẽ không can thiệp nếu con trai cô muốn tham gia thêm nhiều cuộc thi nữa.
"Khi cháu lớn lên, thế hệ của cháu cần sáng tạo và suy nghĩ độc lập hơn", Zhuo nói. "Tôi không biết ở thời điểm đó cháu sẽ cần những kỹ năng gì, tất cả những gì tôi có thể làm bây giờ là cung cấp cho cháu các điều kiện căn bản để tăng cơ hội cho cháu".
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng