Loa di động Bose SoundTouch Portable: Thiết kế kém, đồng bộ tiện lợi
(GenK.vn) - SoundTouch Portable thừa hưởng chất lượng âm thanh tuyệt vời nhưng thiết kế kém và yêu cầu mạng Wifi phải mạnh mới cho khả năng đồng bộ tốt.
Mình rất mong đợi có được trên tay và dùng thử hệ thống âm thanh mới của Bose, rất may mắn là hôm nay điều đó đã được thực hiện và xin gửi đến các bạn bài viết đánh giá nhanh về hệ thống SoundTouch mới của Bose thông qua việc sử dụng thực tế trên SoundTouch Portable.
Trước khi vào bài đánh giá mình xin giới thiệu đôi chút về sản phẩm, SoundTouch Portable cùng với SoundTouch 20, SoundTouch 30 là 3 thiết bị mới của Bose trong hệ thống âm thanh SoundTouch giúp đồng bộ dể dàng âm thanh trong toàn ngôi nhà của bạn với nhiều loa ở các phòng khác nhau cùng chơi một bản nhạc, một kênh Radio. Điều đặt biệt là bạn có thể dễ dàng quản lý, đồng bộ, điều khiển bằng ứng dụng SoundTouch hiện có trên nền tảng iOS và Android. Trong khi SoundTouch 20, SoundTouch 30 là loa cố định thì SoundTouch Portable tích hợp pin có thể di chuyển.
Thiết kế
Có thể khẳng định SoundTouch Portable là thiết bị có thiết kế khác biệt nhất so với tất cả các sản phẩm khác chuyên dụng cho các thiết bị di động từ Bose, nhưng khác biệt đó theo hướng “xấu lạ”. Người viết không nghĩ rằng SoundTouch Portable lại có thiết kế “sến” như thế. Mặt trước là hệ thống loa được bao bọc bởi một lớp lưới bằng vải ở mặt trên rất dễ bám bụi và khó tìm thấy với hầu hết các sản phẩm loa Bose khác. Mặt trên được làm bằng chất liệu decal (có thể là nhựa cao cấp?) bóng, màu trắng sữa, nếu các bạn để ý với các sản phẩm khác, Bose luôn dùng 3 màu chủ đạo là xám, đen, bạc, sang trọng hơn hẳn. Mặt sau là các cổng kết nối quen thuộc tuy nhiên nó thiếu đi cổng Ethernet. Điểm nhấn duy nhất trong thiết kế theo mình là màn hình thông báo kết nối ở mặt trước, nó ghi điểm “danh dự” cho Portable. Mặc dù tổng thể SoundTouch Portable cũng gọn gàng, nhẹ nhàng nhưng rõ ràng nó không thể kế thừa thiết kế sang trọng như trên các sản phẩm khác.
Khả năng kết nối và đồng bộ
Việc thiết lập và sử dụng SoundTouch Portable cũng khá đơn giản. Những gì bạn cần làm là truy cập trang hỗ trợ của Bose tải về app SoundTouch (Tại đây, có cả bản cho Mac và Windows), sau đó chạy ứng dụng để set up qua các bước được chỉ dẫn trên màn hình ứng dụng. Trong quá trình thiết lập Bose yêu cầu bạn tạo 1 tài khoản dùng điều khiển hệ thống SoundTouch. Bạn chỉ cần nhập địa chỉ mail và chọn mật khẩu. Như đã nói ở trên, SoundTouch cũng bao gồm ứng dụng dành cho iOS và Android, về bản chất và giao diện nó cũng tương tự như trên máy tính. Sau khi thiết lập xong lúc này bạn có thể điều khiển hệ thống bằng ứng dụng SoundTouch (trên máy tính và trên các thiết bị di động). Bạn có thể lấy nhạc từ thư viện nhạc trong iTunes hoặc Windows Media Player trên máy tính, nghe Internet Radio (có kênh Việt Nam nhưng không phát được chưa hiểu lý do tại sao?), chỉ định các playlist, songs, album,...hay các kênh Radio theo ý thích cá nhân trong 6 phím chỉ định. Ngay lập tức các thiết lập này của bạn sẽ được đồng bộ lên các thiết bị sử dụng ứng dụng SoundTouch sử dụng chung tài khoản và chung mạng Wifi (xem thêm bằng hình ảnh minh hoạ bên dưới), hệ thống naỳ cũng hỗ trợ phát AirPlay trên các thiết bị iOS.
Mình đánh giá cao khả năng đồng bộ nó rất tiện lợi, dễ dàng quản lý và sử dụng trong hệ thống âm thanh gia đình. Nhưng về bản chất hệ thống là phụ thuộc vào mạng Wifi gia đình nên về kết nối hơi bị hạn chế, đòi hỏi một mạng Wifi thật tốt mới có thể sử dụng trong hệ thống từ phòng này sang phòng khác. Theo sử dụng thực tế của mình mặc dù gia đình đang sử dụng cáp quang nhưng đôi lúc hệ thống bị gián đoạn, ngắt kết nối. Một điều nữa là hiện ở Việt Nam việc sử dụng Wifi chưa thể “phủ sóng” rộng rãi nên cho dù hệ thống rất tiện lợi nhưng sẽ không hấp dẫn với một bộ phận người dùng.
Tính di động
Không cần nói chắc các bạn cũng biết rõ SoundTouch là hệ thống âm thanh trong gia đình nên tính di động là không cao. Ở đầu bài mình có nói SoundTouch Portable thích hợp cho việc di chuyển, có nghĩa rằng nó chỉ di chuyển trong gia đình vì bản chất là kết nối qua dữ liệu mạng Wifi. Sản phẩm không thích hợp để mang theo ra bên ngoài, phục vụ cho các hoạt động như dã ngoại, hội họp...
Chất lượng âm thanh
Với Bose thì chất lượng âm thanh luôn đi đầu và được ưu tiên hàng đầu trong các sản phẩm của họ. Bose SoundTouch Portable cũng không ngoại lệ, nhưng ở đây mình xin phép so sánh với một số thiết bị khác. SoundTouch Portable nghe rất “chắc”, lớn hơn so với SoundLink Air- một thiết bị âm thanh cũng kết nối qua Wifi, âm thanh trung thực hơn cả SoundLink Mini, SoundLink Bluetooth. Ở loa của Bose, có vẻ như chúng ta sẽ nghe nhiều tiếng Bass hơn so với các thiết bị nói trên. Tuy nhiên nếu so sánh với các thế hệ SoundDock như SoundDock 10 thì SoundTouch Portable thua xa. Tóm lại chất lượng âm thanh là rất tốt, không kém cạnh bất kỳ sản phẩm âm thanh của các hãng khác trên thị trường.
Kết luận chung
- Ưu điểm: Hệ thống âm thanh trên SoundTouch Portable rất tiện lợi, dễ dàng sử dụng, quản lý, đồng bộ trên các thiết bị, rất tốt cho việc thiết lập hệ thống âm thanh cho gia đình, điều mà tưởng chừng như bạn phải bỏ ra một số tiền khá lớn mới có thể trang bị một hệ thống với tính năng như vậy. Thêm nữa là chất lượng âm thanh tuyệt vời mà Bose mang lại. Bose luôn cho thấy điểm nổi trội với công nghệ âm thanh của mình trên hầu hết các sản phẩm của họ và hệ thống SoundTouch cũng đã kế thừa được điều đó.
- Nhược điểm: Thiết kế không sang trọng nếu không muốn nói là xấu hơn các thế hệ khác, cộng thêm một nhược điểm khách quan là phụ thuộc chặt chẽ với mạng Wifi gia đình. Nếu mạng Wifi yếu có thể dẫn đến việc ngắt kết nối và vô hiệu hoá toàn hệ thống.
Một số hình ảnh đập hộp thực tế Bose SoundTouch Portable (cảm ơn Bose Việt Nam đã cho mình mượn sản phẩm):
Đây là thùng đựng sản phẩm SoundTouch Portable...
Toàn bộ phụ kiện bên trong bao gồm: sạc, cáp kết nối, sách hướng dẫn, remote...
Mặt trước với hệ thống loa được bao bọc bởi lưới bằng vải, rất dể bám bụi.
Các phím vật lý ở mặt trên: nguồn, AUX, tăng/giảm âm lượng, 6 phím chỉ định.
Mặt sau với cổng kết nối, cổng cáp dùng để set up, cổng phụ.
Mặt dưới với các thông tin sản phẩm, thông tin pháp lý.
Màn hình thông báo kết nối rất đẹp, điểm nhấn trong thiết kế sản phẩm.
Một số hình ảnh set up hệ thống SoundTouch:
Sau khi download ứng dụng SoundTouch về máy tính các bạn tiến hành chọn Set up, sau đó chọn kết nối qua Wifi.
Cắm cáp vào loa.
Chọn mạng Wifi trong nhà bạn, đánh vào ô mật khẩu nhé...
Các bước tiếp theo diễn ra tự động cho tới khi báo đã kết nối như hình trên, bạn có thể rút cáp và làm các bước tiếp theo...
Đây chính là bước yêu cầu tạo acc để sử dụng điều khiển hệ thống SoundTouch, bạn ghi các thông số như trên màn hình.
Giao diện chính bên trong ứng dụng SoundTouch.
Các bạn thấy là mình đã chỉ định các phím với Playlist nhạc và kênh Radio khác nhau, ngay lập tức nó sẽ được đồng bộ và có thể quản lý trong ứng dụng SoundTouch trên iPhone dưới đây.
Đây là ứng dụng SoundTouch trên iPhone, bạn nhập tài khoản mà bạn mới đăng ký ở trên...
Giao diện cũng tương tự như trên máy tính.
Các bạn thấy rằng các chỉ định kênh, playlist nhạc trên máy tính nó đồng bộ lập tức trên ứng dụng iPhone, bạn có thể dễ dàng điều khiển, sử dụng ở mọi lúc mọi nơi rất tiện lợi...
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng