Loa thông minh ‘thất sủng': Khi người dùng quay lưng, doanh số tuột dốc không phanh
Từng là sản phẩm định hướng trào lưu smarthome, giờ đây những chiếc loa thông minh thường được thấy nằm phủ bụi ngay ngắn trong các góc nhà.
Từng là sản phẩm định hướng trào lưu smarthome, giờ đây những chiếc loa thông minh thường được thấy nằm phủ bụi ngay ngắn trong các góc nhà.
Loa thông minh từng là sản phẩm đại diện cho thời đại smarthome, thứ tạo vật kỳ diệu có thể biến mọi ngôi nhà truyền thống thành các căn hộ hiện đại thông minh, cho phép người dùng ngồi một chỗ và điều khiển mọi thứ chỉ bằng giọng nói.
Nhưng thực tế đã chứng minh, những chiếc loa kỳ diệu này hóa ra tầm thường hơn kỳ vọng. “Về cơ bản nó vô dụng và chỉ có thể dùng như một chiếc đồng hồ báo thức", nhiều người dùng đã nói về loa thông minh như vậy.
Rõ ràng, một trong những vấn đề chính của loa thông minh chính là trải nghiệm tương tác không hoàn toàn thông minh và không ít lần thể hiện các hành vi “chậm phát triển trí tuệ”. Đó là còn chưa kể sự thất vọng khi so sánh với những tầm nhìn đẹp đẽ từng được quảng cáo bởi các nhà sản xuất. Mặt khác, trên thị trường ngách vốn còn rất nhỏ bé này, các nhà sản xuất lớn lại đang tạo ra cuộc chiến khốc liệt về giá cả, khiến các công ty mới thành lập cũng chỉ biết ngao ngán rút lui.
Giấc mơ "Control Center" tan thành mây khói
Năm 2014, Amazon ra mắt loa thông minh Echo. Thiết bị này không chỉ tích hợp chức năng thoại mà còn có thể điều khiển các loại công tắc, đèn chiếu sáng và được kỳ vọng sẽ trở thành thiết bị trung tâm điều khiển (control center) của những ngôi nhà thông minh trong tương lai. Với sự phổ biến của Echo, nhiều công ty Internet sau đó đã tham gia cuộc chơi, từ Apple, Samsung, Google, Xiaomi, LG, Sony cho tới các hãng âm thanh như BJL, Sonos, Alibaba, Baidu, Huawei… Hãng công nghệ nào rồi cũng đều đã tung ra các sản phẩm loa thông minh của riêng mình.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn khó có thể nói rằng loa thông minh đã hiện thực hóa được tầm nhìn mà các nhà sản xuất từng vẽ ra.
Theo một số chuyên gia, lý do lớn nhất khiến loa thông minh bị “thất sủng” chính là việc nó đã không phát huy được vai trò và giá trị của mình trong lĩnh vực Internet of Thing. Và nguồn gốc sâu xa của vấn đề đến từ chính các nhà sản xuất thiết bị smarthome. Bởi hiếm khi, chúng ta có thể nhìn thấy các loại thiết bị gia dụng được tích hợp một cách hợp lý với loa thông minh, đặc biệt khi so sánh với điện thoại thông minh, dù lúc nào chúng cũng được quảng cáo là đóng vai trò "không thể thiếu".
Trong một ngôi nhà hiện đại, bạn có thể bắt gặp rất nhiều "trung tâm điều khiển", chẳng hạn như điện thoại di động, TV và các loại màn hình điều khiển trung tâm. Đây chính là vấn đề, khi không một nhà sản xuất nào muốn đặt mình vào thế phụ thuộc.
Các nhà sản xuất TV tuyên bố rằng thiết bị nghe nhìn của họ sẽ dần chuyển đổi từ một công cụ nhận tín hiệu chương trình đơn giản thành trung tâm điều khiển thông minh cũng như trung tâm giải trí của cả gia đình. Là nhân vật chính trong mọi phòng khách và cũng là thiết bị đầu cuối hiển thị thông tin, những lợi thế tự nhiên của TV khiến nó dễ dàng trở thành trung tâm tương tác, trung tâm điều khiển, trung tâm phát lại và thậm chí cả trung tâm lưu trữ trong các smarthome.
Sau đó, nhiều công ty bán thiết bị gia dụng truyền thống cũng chẳng muốn đứng ngoài cuộc chơi. Họ lần lượt bổ sung chức năng cảm ứng màn hình cho tủ lạnh, máy giặt và thậm chí tích hợp cả vào bếp nấu. Khi ai cũng muốn làm chủ căn nhà, thì sẽ không ai muốn sản phẩm của mình bị chỉ huy bởi một chiếc loa của hãng khác.
Bên cạnh đó, các giao thức và tiêu chuẩn trong việc điều khiển của các hệ thống nhà thông minh vẫn đang trong tình trạng chưa thống nhất. Chỉ riêng trợ lý ảo, cả Google lẫn Apple và Amazon đều muốn “mình là nhất”. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc như Xiaomi và Huawei cũng chẳng muốn phụ thuộc vào ai. Sự hỗn loạn khiến các thiết bị thông minh không thể tương thích với nhau, khi ai cũng muốn xây dựng hệ sinh thái của riêng mình. Thậm chí cả các công ty thiết bị gia dụng cũng ra mắt các giao thức và nền tảng của riêng họ. Nhưng chẳng có hệ sinh thái nào là hoàn hảo, điều đó khiến cho người dùng buộc phải sử dụng kết hợp sản phẩm của nhiều hãng khác nhau, từ đó dẫn tới sự rắc rối trong quá trình điều khiển chung, đặc biệt khi đó là từ một chiếc loa.
Một điều gây tranh cãi hơn nữa là trong khi loa thông minh chỉ có thể hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói, thì một số công ty smarthome đã đề xuất một phương thức tương tác chủ động, tức là xác định trạng thái của người dùng thông qua cảm biến và các công nghệ khác. Điều này một lần nữa đặt ra thách thức đối với những chiếc loa thông minh trên hành trình trở thành trung tâm điều khiển của cả ngôi nhà.
Mang tiếng thông minh nhưng lại chậm phát triển trí tuệ?
Dù ra đời từ khá sớm, tới tận ngày nay, loa thông minh vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề cốt lõi, chẳng hạn như bảo mật thông tin và dữ liệu, trải nghiệm tương tác, trở ngại trong tương tác bằng giọng nói và khả năng liên kết nội dung.
Đây cũng là vấn đề thường được người dùng loa thông minh phàn nàn nhiều nhất. Dưới sự tuyên truyền của các nhà sản xuất, người dùng luôn hy vọng họ có thể giao tiếp theo phương thức "đàm thoại" với loa thông minh tương tự như giao tiếp giữa người với người. Nhưng hầu hết loa thông minh không thể hiểu được các ngữ ngôn ngữ phức tạp và chỉ có thể phát nhạc, kể chuyện hay kiểm tra thông tin thời tiết. Đôi khi, những tính năng căn bản này cũng đi sai hướng. Không ít người dùng loa thông minh đã trải qua các cuộc đối thoại “thiểu năng trí tuệ" với những chiếc loa thông minh của mình.
Chia sẻ trên các mạng xã hội, bạn có thể bắt gặp rất nhiều tình cảnh dở khóc dở cười khi người dùng cố gắng điều khiển mọi thứ qua loa thông minh.
“Khi ra lệnh kéo mở rèm cửa, hệ thống xác nhận lệnh nhưng không có hành động gì. Khi muốn bật điều hòa, nó lại đi phát nhạc”
"Đêm nào, tôi cũng phải hô hai ba lần hệ thống đèn mới tắt. Có khi đang xem tivi đèn bỗng tự động bật lên”, một người dùng khác than thở.
Có một ví dụ điển hình là tại hội nghị AIoT của Xiaomi, Lôi Quân, chủ tịch của tập đoàn công nghệ Trung Quốc, cũng đã bị “hố” khi trình diễn loa thông minh Xiaoai. Vì muốn thể hiện sự thông minh từ sản phẩm của công ty, ông đã hỏi nhiều lần câu đố: "Ba cái cây (木)được gọi là gì?", câu trả lời đáng ra phải là rừng (森), nhưng chiếc loa lại toàn đưa ra những đáp án không liên quan như điện, ánh sáng...
Tiếp đó, khi được hỏi một câu toán học dễ hơn: "125 + 357 + 567 bằng mấy?", lần này chiếc loa thậm chí còn im lặng, không đáp lại câu nào. Sự cố đã tạo ra những tràng cười bên dưới sân khấu, và đến tận bây giờ những âm thanh cười cợt đó dường như vẫn còn tiếp tục khi nói về trí tuệ của những chiếc loa thông minh.
Không chỉ Xiaomi, loa của nhiều thương hiệu lớn khác của Trung Quốc cũng gặp các tình trạng tương tự. Một phụ huynh chia sẻ rằng loa thông minh thương hiệu Tmall Genie mà cô mua thường tự phát nhạc và lên tiếng bất thình lình, khiến lũ trẻ trong nhà sợ hãi.
"Hầu như ngày nào loa cũng hát vào lúc nửa đêm. Tôi đã chỉnh âm lượng rồi nhưng không thay đổi gì. Phản hồi với nhà sản xuất nhưng vấn đề không được giải quyết. Con tôi thường xuyên bị sợ hãi với các âm thanh đột ngột cất lên. Sau đó tôi đã tắt nó trong một thời gian dài, chỉ dám bật vào ban ngày để con nghe các bài hát thiếu nhi", phụ huynh này cho biết.
Trong khi đó, loa thông minh Xiaodu của thương hiệu Baidu đã bị tố mang tới các trải nghiệm xấu khi tự ý chèn quảng cáo. Một số người dùng phàn nàn rằng bắt đầu từ tháng 5 năm nay, mỗi khi loa thông minh Xiaodu được kích hoạt để phát một bài hát hoặc câu chuyện, nó sẽ luôn tự ý chèn một số quảng cáo trong khoảng 10 giây trước khi phát. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm người dùng. Đặc biệt là trước khi đi ngủ vào ban đêm, khi bạn đang muốn nghe những bài hát nhẹ nhàng thì quảng cáo bất ngờ được chèn vào, khiến cảm giác buồn ngủ bỗng như tan vỡ.
Với đủ các loại trải nghiệm kém, nhiều người dùng cho biết tần suất sử dụng loa thông minh tại nhà trở nên cực kỳ thấp. Hoặc chúng chỉ được dùng làm đồng hồ báo thức, thỉnh thoảng là máy nghe nhạc và hầu hết thời gian đều ở tình trạng đóng bụi.
Trung Quốc từng là thị trường loa thông minh phát triển nhất thế giới, nhưng theo số liệu mới nhất, doanh số bán loa đã giảm hơn 20% trong 3 quý liên tiếp trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với tình hình tăng trưởng nóng sốt những năm trước đó.
Trong một cuộc bình chọn những sản phẩm điện tử “bám bụi” nhất, hay các sản phẩm bị người dùng thờ ơ nhất, loa thông minh cũng có mặt trong danh sách.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà thị trường loa thông minh dậm chân tại chỗ. Các công ty lớn vẫn đang không ngừng chèn ép các nhà sản xuất nhỏ hơn bằng các khoản trợ giá. Đó cũng là lý do bạn có thể dễ dàng mua những chiếc loa thông minh với giá rất rẻ, vài trăm thậm chí chỉ vài chục ngàn đồng trên các sàn thương mại điện tử, từ các thương hiệu có tên tuổi như hiện nay.
Tại Trung Quốc, dữ liệu quý 3 năm nay cho thấy 4 ông lớn Baidu, Xiaomi, Tmall Genie và Huawei đã nắm tổng thị phần loa thông minh lên tới 97%. Tất nhiên, dù mang tiếng lỗ và khó kiếm lời, mỗi thương hiệu cũng không ngừng tìm lối thoát mới cho loa thông minh.
Ví dụ, Baidu, Xiaomi và Tmall Genie đã tung ra loa thông minh có tích hợp màn hình. So với các dòng loa thông minh đời đầu, ngoài khả năng tương tác bằng giọng nói giờ chúng đã được bổ sung thêm tính năng tương tác bằng màn hình cảm ứng, bên cạnh các chức năng phong phú khác như xem video. Huawei thì chuyển trọng tâm sang phát triển các dòng loa thông minh có chất lượng âm thanh cao cấp.
Ở thị trường quốc tế, Amazon mới đây cũng đang cho thấy họ vẫn cố gắng để tìm cách tích hợp loa thông minh vào các sản phẩm khác như TV, camera an ninh, hay đa dạng hóa thiết kế cho các sản phẩm loa dành cho trẻ em.
Theo các chuyên gia, trong tương lai, các nhà sản xuất loa thông minh không nên chỉ tập trung vào việc tranh giành thị phần mà nên tập trung nhiều hơn vào chức năng và trải nghiệm của chính sản phẩm. Bởi chỉ có sản phẩm tốt mới có thể chiếm lĩnh thị trường một cách ổn định, còn nếu tiếp tục cung cấp các sản phẩm có tính năng và trải nghiệm kém, chắc chắn sớm muốn chúng cũng sẽ bị thị trường đào thải.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng