Loài côn trùng 'nhiều người ghê tởm' đang lên ngôi ở Trung Quốc: Hàng loạt trang trại nuôi gián mọc lên như nấm để chế biến thuốc, xử lý thực phẩm thừa và dùng làm nguồn thức ăn cho 1,4 tỷ dân
Tại Sơn Đông, số trang trại nuôi gián đã tăng gấp 3 lần lên khoảng 400 chỉ trong vòng 3 năm qua và số nghiên cứu về tác dụng của loài động vật này cũng tăng chóng mặt. Tại tỉnh Tứ Xuyên, các nhà đầu tư thậm chí đã xây dựng phòng nghiên cứu với 6 tỷ con gián để tìm thuốc chữa ung thư.
Tại một nhà máy nằm ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, khoảng 3 tỷ con gián đang tiêu thụ 15 tấn phân gà mỗi ngày nhằm gián tiếp phân hủy chất thải chăn nuôi, qua đó bảo vệ môi trường của các nông trại.
Tuy nhiên, những con gián này không phải được nuôi chỉ để dọn dẹp các trại chăn nuôi, chúng còn được dùng để làm thuốc và thậm chí là thức ăn. Sự cởi mở của người Trung Quốc với loại động vật này đã khiến nhu cầu sử dụng gián tăng cao. Số lượng các nhà hàng dùng gián làm nguyên liệu và số thuốc có thành phần bột gián cũng đi lên ở Trung Quốc, qua đó thúc đẩy các trang trại nuôi gián mọc lên như nấm.
Thần dược chữa được cả ung thư?
Để có thể nuôi được lượng lớn gián như vậy, các nhà máy phải bảo đảm độ sáng cần thiết cũng như môi trường lý tưởng cho các con gián. Ban đầu, hầu hết các du khách đều cảm thấy sợ hãi khi nhìn những đàn gián bò lổm ngổm trên quần áo của các nhân viên. Tuy nhiên khi đã quen với các con gián này, nỗi sợ hãi sẽ biến thành tò mò.
Nhiệt độ lý tưởng để nuôi những con gián cho hiệu quả cao nhất vào khoảng 28-33 độ C và các nhân viên phải lưu ý đến cả tốc độ gió, mức độ áp suất và thậm chí là cả độ ẩm không khí. Sau khi những con gián đã đủ lớn cho thu hoạch, chúng sẽ được đưa vào một buồng kín để ép bằng áp suất nhiệt, qua đó thu được bột gián dùng cho các sản phẩm y tế.
Tại nhà máy tỉnh Tứ Xuyên do công ty Gooddoctos Pharmaceutical Group đầu tư, mỗi máy nén của cơ sở nén được khoảng 6 tấn gián mỗi lần và hàng ngày sản xuất được hơn 600.000 chai thuốc có sử dụng bột gián.
Bản thân giám đốc nhà máy Wen Jianguo cũng cho biết mình nhận được sự ủng hộ của gia đình rất nhiều khi làm công việc này. Bản thân mẹ của ông Wen cũng đã khỏi bệnh đau dạ dày kinh niên sau khi dùng sản phẩm có chứa bột gián của Gooddoctors.
Trên thực tế, những loài bọ như gián, bọ cạp đã được dùng làm nguyên liệu cho thuốc đông y Trung Quốc hàng nghìn năm qua. Với trưởng hợp của Gooddoctors, sản phẩm Kangfuxin Ye của họ hoàn toàn làm từ bột gián có thể chữa đau dạ dày, cháy nắng, lành các vết thương và thậm chí được cho là chữa được cả ung thư dạ dày.
Nhờ loại thuốc trên mà doanh thu của dự án nuôi gián đã đạt 684 triệu USD. Với màu sắc giống trà, vị hơi ngọt và mùi hơi tanh, khoảng 40 triệu bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp hay dạ dày tại Trung Quốc đã được chữa khỏi sau khi dùng Kangfuxin Ye.
Tuy vậy, nhằm tránh gây sợ hãi cho người bệnh, thành phần của thuốc vẫn được đề là Periplaneta Americana, tiếng Latin của loài gián Mỹ.
Nhờ sự phát triển của dòng thuốc này mà dự án nuôi gián hiện đã mở rộng từ 20 m2 cách đây 20 năm lên 12.000 m2 hiện nay.
Ngành kinh doanh béo bở
Tại Sơn Đông, hàng trăm trang trại nuôi gián mọc lên để cung cấp trứng gián hoặc gián con cho các công ty dược phẩm hoặc những hãng kinh doanh trong mảng dọn dẹp chất thải nhà bếp.
Ví dụ như công ty Qiaobin Agricultural Technology tại thành phố Chương Khâu-Trung Quốc đã xây dựng một trang trại gián 3 tỷ con với trứng và các con non mua từ tỉnh Sơn Đông. Mỗi ngày, lượng gián này tiêu thụ khoảng 15 tấn chất thải nhà bếp, tương đương ¼ tổng số chất thải nhà bếp mỗi ngày của cả thành phố.
Những chú gián có thể tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn 5% tổng mức cân nặng của chúng mỗi ngày và đây được coi là những bậc thầy về xử lý chất thải nông nghiệp khi chúng không gây ô nhiễm môi trường như những phương pháp chôn hay đốt bỏ rác khác.
Theo Qiaobin, với tốc độ tiêu thụ đồ thừa như hiện nay thì công ty này chỉ mất 3-4 năm để có thể phát triển lên mức xử lý được toàn bộ rác thải nhà bếp của toàn quốc.
Không những vậy, khi những con gián chết đi, Qiaobin nghiền chúng với nhiệt độ cao thành bột protein để làm thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, bột gián được xét nghiệm cho thấy có hơn 60% protein, mức cao hơn so với 20-30% protein của thịt bò hay gà và là nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người.
Cứu nguy cho an ninh lương thực
Trước tiềm năng kinh doanh của loài gián, rất nhiều nhà hàng đã sử dụng chúng như một nguyên liệu mới lạ nhằm phục vụ thực khách. Tại các tỉnh Sơn Đông, Tứ Xuyên, Vân Nam, món gián là thực phẩm phổ biến tại các vùng nông thôn.
Mặc dù chưa có một tập đoàn nào kinh doanh thực phẩm gián trên lượng lớn nhưng việc nghiền gián thành bột đang trở thành xu hướng mới trong ngành dược phẩm lẫn thực phẩm. Báo cáo năm 2013 của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) khuyến cáo con người nên lựa chọn loài bọ như một giải pháp đối phó tình trạng thiếu lương thực hiện nay.
Năm 2016, một nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy sữa gián chứa nhiều năng lượng gấp 3 lần sữa bò mặc dù họ vẫn chưa thể xác định liệu loại thực phẩm này có an toàn cho con người hay không.
Thân gián có màu vàng nhạt và rất mềm, thường được đem chiên hoặc xào với gia vị, muối. Thậm chí chúng còn được sử dụng như một nguyên liệu cho món Sushi.
"Mọi người ban đầu hơi sợ nhưng giờ có quá nhiều người ăn gián. Vị của chúng rất ngon mà lại giàu protein", chủ trang trại nuôi gián Li Bingcai ở Tứ Xuyên cho biết. Hàng tháng trang trại của ông bán khoảng 10kg gián cho 2 nhà hàng trong thị trấn để làm món ăn.
Hiện khoảng 80% số loài trên thế giới hiện nay là thuộc giống sâu bọ và việc dùng gián làm thực phẩm là một ý tưởng không tồi cho an ninh lương thực.
Bạn đã bao giờ thử sushi gián chưa?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng