Con người đã mang mèo lên những con tàu viễn dương để bắt chuột, và sau quá trình đó, chúng đã xâm chiếm thế giới.
Mối liên hệ giữa chúng ta với loài mèo đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước. Đó là khi những người tiền sử biết làm nông nghiệp, một vài con mèo hoang có lẽ đã tìm được đường vào kho ngũ cốc của họ: Vì ở đó có chuột.
Những con chuột phá hoại mùa màng của chúng ta, ăn mất lương thực của chúng ta và đôi khi đem đến cả bệnh tật. Những con mèo đến và bắt chúng, và thế là con người bắt đầu nghĩ rằng họ nên nuôi mèo.
Thế nhưng, lũ mèo cũng biết rằng chúng sẽ được hưởng lợi khi bám lấy chân con người.
Từ quê nhà Trung Đông của chúng, những con mèo đã theo chân con người lên thuyền, ra khơi và chiếm lấy cả thế giới. Cuối cùng chúng có mặt ở cả 6 lục địa, thậm chí ghé thăm cả Nam Cực.
Thuần hóa và phục tùng con người hẳn là một chiến lược tiến hóa thành công của loài mèo.
Loài mèo đã lợi dụng con người để xâm chiếm thế giới như thế nào?
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã khảo sát toàn diện DNA của những bộ xương và xác ướp mèo cổ đại sống cách đây 9.000 năm. Họ muốn truy lại quá trình xâm chiếm thế giới của loài mèo.
Toàn bộ nghiên cứu, từ thai nghén cho đến khi hoàn thành và xuất bản, mất khoảng 10 năm, không quá ngạc nhiên bởi công việc đòi hỏi phải tìm kiếm di cốt của những con mèo cổ đại.
"Di cốt mèo rất rất hiếm", Eva-Maria Geigl, nhà cổ sinh vật học đến từ Viện nghiên cứu Jacques Monod, một trong số các tác giả của nghiên cứu cho biết. Người cổ đại không nuôi mèo để thịt, vì vậy xương của chúng không phổ biến như xương lợn hoặc xương gà.
Geigl và các đồng nghiệp của cô đã phải cố gắng viết thư thuyết phục các viện bảo tàng và nhà sưu tập, cho họ lấy mẫu từ hài cốt những con mèo được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu cũng thu thập được xương, răng thậm chí cả lông từ 352 con mèo, bao gồm cả xác ướp mèo Ai Cập trưng bày bên trong Bảo tàng Anh.
Thế nhưng, không phải bất cứ thứ gì còn lại cũng chứa DNA. Trung Đông là một môi trường nóng khắc nghiệt. Trong các hầm mộ Ai Cập cổ đại, nơi chứa xác ướp các vị vua và cả những con mèo, nước và không khí ẩm ướt cũng có tác động phá hủy DNA.
Đó là một thảm họa với các nhà nghiên cứu, Geigl nói. Những chuỗi DNA còn tồn tại được đến bây giờ cũng rất mỏng manh. Bản thân quá trình trích xuất của kỹ thuật viên cũng có thể làm hỏng DNA.
Vì vậy, để bảo vệ được DNA quý giá của những con mèo khỏi nhiệt từ quá trình nghiền xương và răng, quá trình đó phải được thực hiện bên trong một bể nitơ lỏng. Mất mát không thể tránh khỏi, cuối cùng, nhóm nghiên cứu chỉ có được DNA của 209 con mèo.
Con người đã mang mèo lên tàu để bắt chuột, và trong quá trình đó, chúng đã xâm chiếm thế giới
Mặc dù vậy, 209 DNA vẫn là một số lượng mẫu lớn. Tất cả đã cho phép họ vẽ nên một bức tranh khá chi tiết về cách loài mèo theo chân con người qua các tuyến đường thương mại.
Những con mèo nhà hiện đại dường như đều có chung nguồn gốc. Hoặc là chúng đến từ Anatolia, địa điểm tương ứng với Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Những con mèo này lan sang Châu Âu sớm nhất từ khoảng 4.400 Trước Công Nguyên.
Hoặc là chúng đến từ Ai Cập và sau đó những con mèo này lan rộng qua Địa Trung Hải. Bất kể ở đâu những con mèo đến và sinh sống cùng con người, chúng đều lai hóa với những con mèo rừng bản địa và trao đổi DNA với chúng.
Những con mèo lai cuối cùng lại trở về trên cùng một con thuyền, cùng một tuyến đường, và cứ thế, dòng chảy DNA của chúng trở thành những con thoi bất tận. Điều này giải thích một kết quả ban đầu khiến các nhà nghiên cứu khó hiểu.
Ví dụ, một con mèo 2.000 tuổi ở Ai Cập lại có trình tự DNA điển hình của mèo rừng ở Ấn Độ. Claudio Ottoni, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Oslo, nhớ lại khoảnh khắc anh nhìn thấy trình tự DNA của nó trên máy tính xách tay.
Hóa ra, con mèo đó được tìm thấy ở một thành phố cảng La Mã cổ đại có tên là Berenike, một trong những cảng biển kết nối trực tiếp với các tuyến giao thương xuyên Ấn Độ Dương. Con người đã mang mèo lên tàu để bắt chuột, và trong quá trình đó, chúng đã xâm chiếm thế giới.
So với nhiều loài động vật khác, mèo thay đổi bản thân nó rất ít trong quá trình thuần hóa. Về mặt hành vi, chúng đã trở nên hiền lành hơn với con người. Về mặt thể chất, chúng vẫn giữ kích thước và hình dạng tương tự.
Những con mèo ngày nay và tổ tiên của chúng thời cổ đại vẫn thích vồ những con mồi nhỏ. "Những con mèo đã làm thế từ trước khi chúng được thuần hóa, trước khi con người nói rằng đó là việc chúng cần làm", Lylie Lyons, một nhà di truyền học tại Đại học Missouri cho biết.
Nói cách khác, không giống như những con chó săn hay chó chăn cừu, mèo không cần con người dạy bảo hay nhân giống chúng để trở thành thợ săn chuột giỏi.
Từ Ai Cập, những con mèo đã xâm chiếm cả 6 châu lục, đôi khi chúng đặt chân đến cả Nam Cực
Mặc dù vậy, những con mèo hoang và mèo nhà vẫn trông khác nhau một chút, đặc biệt là trong mắt con người: Mèo nhà có rất nhiều màu sắc và kiểu lông.
Từ những DNA cổ đại, Geigl và các đồng nghiệp của cô đã xác định được kiểu lông tabby (những vằn lông, sọc, chấm hoặc đường xoáy của mèo nhà, thường khiến đỉnh đầu chúng có một chữ M) đã xuất hiện từ thời Trung Cổ, từ một đột biến duy nhất trong gen được đặt tên là Taqpep.
Đây là gen duy nhất mà Geigl và các đồng nghiệp của cô nghiên cứu liên quan đến bộ lông những con mèo. Thế còn phần lớn phân tích của họ chỉ tập trung vào DNA ti thể, một phần tế bào tạo ra năng lượng chứa nhiều hơn DNA hơn cả nhiễm sắc thể nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của bộ gen.
Đây là một khởi đầu tốt, theo Greger Larson, một nhà cổ sinh vật học tại Oxford. Nghiên cứu của Geigl và các đồng nghiệp đã tạo tiền đề cho việc sử dụng DNA nhiễm sắc thể cổ đại để tiếp tục hoàn thiện câu chuyện của loài mèo.
Tham khảo Theatlantic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng