Đây là loại pin vải có khả năng co giãn, sử dụng vi khuẩn trong mồ hôi để sản xuất ra điện năng.
Các nhà khoa học đã tạo thành công một loại pin mới làm bằng vải có khả năng co giãn, sử dụng các loại vi khuẩn ăn mồ hôi hay bất kỳ loại chất lỏng nào có khả năng nuôi dưỡng vi khuẩn để sản xuất ra điện năng. Loại pin mới này, dù nghe có vẻ...hơi bẩn, nhưng lại có tiềm năng lâu dài trong một ngày không xa có thể cho phép bạn sử dụng chính quần áo mình đang mặc trên người để sạc smartphone.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì các nhà khoa học sáng chế ra loại pin này đang tập trung vào việc ứng dụng pin trên các thiết bị Internet vạn vật (IoT) sử dụng ít năng lượng. Theo Giáo sư trợ tá Seokheun Choi tại Đại học Điện tử và Khoa học máy tính Binghamton thì "thông lượng của loại pin này vẫn chưa đủ để cung cấp điện cho các loại smartphone".
Được biết, loại pin mới này được phát triển từ một sản phẩm trước đó, sử dụng vi khuẩn và giấy, cũng do nhóm của Giáo sư Choi nghiên cứu. Những viên pin giấy kia có thể cung cấp năng lượng cho một bóng đèn LED trong khoảng 20 phút chỉ bằng cách nhỏ lên đó vài giọt nước bẩn, và được thiết kế để chỉ sử dụng được một lần duy nhất.
Nguồn năng lượng sinh học mới lần này được thiết kế bền hơn. Thay vì sử dụng giấy làm chất nền, pin sẽ được "nhúng" vào trong một tấm vải đàn hồi có thể kéo dãn hoặc vặn xoắn (như hình trên). Theo Giáo sư Choi, công nghệ này "có khả năng phát điện ổn định khi được thử nghiệm kéo dãn và vặn xoắn lặp đi lặp lại nhiều lần", cực kỳ lý tưởng để "nhúng" vào bất kỳ loại quần áo nào, bao gồm cả các trang phục thể thao.
Giáo sư Choi hi vọng rằng những viên pin sinh học của họ có thể mang lại những thay đổi đáng kể nhằm giải quyết tình trạng "đói năng lượng" trong xã hội ngày nay, bởi vi khuẩn thì tồn tại ở khắp mọi nơi với số lượng không thể đo đếm được.
"Trên cơ thể con người có nhiều tế bào vi khuẩn hơn cả các tế bào trong chính cơ thể mình" - Giáo sư Choi cho biết trong buổi thông báo về phát minh này. "Việc sử dụng trực tiếp các tế bào vi khuẩn để làm nguồn năng lượng phụ thuộc vào cơ thể con người là có thể thực hiện được đối với các thiết bị điện tử đeo tay".
Công nghệ này còn có thể có nhiều khả năng ứng dụng khác nữa. Ví dụ, nó có thể được dùng để "nhúng" các cảm biến tự cấp năng lượng lên bất kỳ loại bề mặt nào mà không cần biết bề mặt đó phức tạp ra sao, "ví dụ như các bộ phận hoặc cơ quan nội tạng chuyển động trong cơ thể. Chúng tôi xem pin sinh học linh hoạt, có khả năng kéo dãn, với kích thước siêu nhỏ là một công nghệ năng lượng cực kỳ hữu dụng bởi tính bền bỉ, có thể tái tạo và thân thiện với môi trường".
Chưa rõ loại pin sinh học sử dụng vi khuẩn này đến bao giờ mới được sản xuất đại trà. Trước đây, rất nhiều công nghệ pin đầy hứa hẹn đã trải qua nhiều khó khăn trong việc tung ra thị trường bởi những hạn chế lớn về mặt kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên, pin sinh học thực sự có tiềm năng rất lớn, và ý tưởng sạc smartphone bằng...những chiếc quần lót đầy mồ hôi như là một nguồn năng lượng vô tận có vẻ không thể hợp lý hơn được nữa!
Tham khảo: FastCoDesign
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng