Logo mới của Google: Nhiều người khen, lắm kẻ chê!

    NhungNg,  

    Bên cạnh những lời tán dương, có không ít ý kiến trái chiều về sự thay đổi diện mạo của Google.

    Cách đây vài ngày, Google đã chính thức công bố logo mới được thiết kế lại của mình trên trang chủ. Khác biệt lớn nhất của logo mới lần này là sự thay đổi về phông chữ: Chuyển từ phông serif sang phông sans-serif. Đa số khá tán thành với lựa chọn này, cho rằng chính phông chữ mới là yếu tố mang lại cho Google một vẻ ngoài hiện đại và thân thiện hơn.

    Đơn cử trong số đó có Debbie Millman, chuyên gia thiết kế nổi tiếng người Mỹ từng làm việc với nhiều thương hiệu lớn như Pepsi, Gillette, Colgate, Nestlé… Bà cho rằng một trong những lý do khiến bà dành nhiều cảm tình cho logo mới này là cách Google giới thiệu logo, không kèn trống khuếch trương, chỉ lẳng lặng thay đổi hiển thị trên trang chủ: “Tôi rất thích cách họ “lén” thông báo logo cho cả thế giới. Khi đã đạt tới một tầm ảnh hưởng nhất định, thực sự là việc bạn không thông báo đã trở thành một cách hoàn toàn thú vị để thông báo rồi”.

    Diện mạo trước vào sau của logo Google.

    Nhưng đương nhiên, vấn đề thẩm mỹ trong thiết kế vẫn là điều quan trọng hơn cả. Debbie Millman nhận xét logo mới của Google có tính mô tả và truyền tải thông tin rất đậm nét. Bên cạnh đó, bà cũng coi sự đơn giản và sang trọng của logo này phản ánh chính xác bản chất và nhiệm vụ của Google. Bà cho rằng sự thay đổi phông chữ mang tính đột phá này đã khiến Google trông trẻ trung và hiện đại hơn so với phông chữ truyền thống trước đây.

    Theo Mark Wilson, cây bút chủ lực của trang Fast Company chuyên về mảng thiết kế sáng tạo, phông chữ sans-serif tròn trịa và đầy đặn này sẽ hiển thị rõ ràng hơn trên các màn hình cỡ nhỏ như điện thoại, máy tính bảng hay đồng hồ thông minh, những thiết bị công nghệ đang phổ biến nhất hiện nay. Hơn nữa, tỷ lệ người sử dụng internet qua các thiết bị di động này đang ngày một tăng mạnh, hứa hẹn sẽ bứt phá và vượt lên số người dùng máy tính để bàn hay laptop đang có xu hướng chững lại.

    Tỷ lệ sử dụng internet qua thiết bị di động đang không ngừng tăng trong khi đang chững lại ở máy tính để bàn.

    Hơn nữa, trong đoạn clip giới thiệu ngắn, logo mới của Google còn có một dạng “rút gọn” đặc biệt, chữ cái “G” viết hoa với 4 màu sắc nổi bật thay cho chữ “g” thường màu trắng đơn giản trước đây. “Đây chính là cách Google thể hiện tính đồng nhất trong hệ thống", bà Millman nhận định.

    Tuy nhiên, bên cạnh những lời tung hô "trên mây", cũng có rất nhiều phản ứng không mấy tích cực đối với logo mới. Có người tỏ ra bất ngờ và nuối tiếc khi phông chữ Catull mảnh mai quen thuộc phải nhường chỗ cho phông chữ “mập mạp” của logo mới. Có người lại thẳng thắn cho rằng sự thay đổi này thực chất không đem lại giá trị gì đáng kể. Cụ thể, James Victore - nhà thiết kế kiêm đạo diễn nghệ thuật từng đoạt giải Emmy - có khá nhiều hoài nghi về những lời ca tụng gần đây dành cho Google: “Tôi không có ý kiến gì về kiểu chữ bởi trước giờ tôi chưa từng thấy logo của Google đẹp. Và đến giờ họ vẫn chưa khá hơn”.

    Dù đã "mạnh dạn" xóa đi logo cũ nhưng có vẻ Google vẫn khá thận trọng trong việc cách tân?

    Ông còn cho rằng, sự đơn giản ở đây đồng nghĩa với mờ nhạt: “Nếu Google đủ dũng cảm, họ sẽ làm một logo hoàn toàn mới, thậm chí đi theo trường phái trừu tượng. Nhưng trước giờ họ vốn chẳng cần một logo đẹp và tinh tế, bởi họ đã có một logo mờ nhạt sẵn rồi”. Victore còn tiết lộ, ông rất “hâm mộ” logo của hãng bia Budweiser với phong cách thiết kế phóng khoáng nhưng vẫn sang trọng, và logo xanh đỏ truyền thống của tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron. Thêm vào đó, Victore cho rằng Google muốn thay đổi theo chiều hướng hiện đại nhưng lại... e sợ và không dám mạo hiểm. Theo ông, an toàn luôn là một phương án nhàm chán nhất.

    Có thể thấy, thông điệp mà Google muốn truyền tải qua logo mới này rất rõ ràng và không thể phủ nhận. Theo đó, hãng này muốn mở rộng và củng cố tầm ảnh hưởng tới mọi đối tượng người dùng internet, từ những màn hình cỡ nhỏ cho đến màn hình lớn, từ những nơi có đường truyền internet mạnh cho đến những địa phương chỉ có băng thông thấp. Tuy nhiên, đảm bảo khía cạnh thẩm mỹ lại là một bài toán khá nan giải khi “chín người mười ý”, khó có thể làm hài lòng mọi quan điểm. Có thể thấy, “nước cờ” mới này của Google dù mang tính đột phá nhưng vẫn đầy thận trọng.

    Còn bạn, bạn nghĩ sao về nỗ lực cách tân này của Google?

    Tổng hợp

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày