Đặng Gia Tiên, người phát triển quả bom nguyên tử (bom A) đầu tiên của Trung Quốc, là một người vô cùng giản dị, kín tiếng.
- Tuần tới miền Bắc lại có đợt mưa dông dài ngày, thời điểm nào hết nắng nóng?
- Quái vật kim loại dài 55 mét: Xe đạp dài nhất thế giới phá vỡ kỷ lục Guinness
- Con sư tử sắt nặng 32 tấn tại Trung Quốc đã tồn tại hàng nghìn năm trước mưa gió, nhưng lại bị đổ do sự bảo vệ 'tự cho mình là đúng' của các chuyên gia!
- Có hay không chuyện trung tâm dải Ngân Hà ẩn chứa nguồn năng lượng 'kì lạ' khiến các ngôi sao ở đây trở nên 'bất tử'?
- Dựa trên học thuyết của Stephen Hawking, giới khoa học tìm được lỗ đen mới, có thể giải thích được vật chất tối
Khi ánh sáng trắng chói lóa quét qua sa mạc tĩnh lặng và khói bụi cuộn thành đám mây hình nấm màu nâu đỏ, Đặng Gia Tiên úp mặt vào đôi tay, nước mắt chảy dài trên gương mặt, nín thinh.
Dự án do ông chỉ đạo đã thành công.
Vợ ông, Hứa Lộc Hy, sau này kể lại rằng, sáu năm trước khi lần đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này, ông không thể nói cho gia đình biết mình sẽ làm gì hoặc sẽ ở đâu trong những năm tới.
Ông thậm chí còn không được phép đến thăm người mẹ đang bị bệnh nặng của mình trong thời gian đang thực hiện dự án và chỉ được nhìn mặt mẹ lần cuối sau khi cuộc thử nghiệm hoàn toàn thành công vào tháng 10/1964.
Thứ Ba ngày 25/6/2024 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đặng Gia Tiên, nhà vật lý đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bom nguyên tử (bom A) và bom hydro (bom H) của Trung Quốc và hiện đã trở thành tượng đài lớn trong sự nghiệp phát triển công nghệ quân sự của nước này. Ông được người trong giới tôn tụng là "cha đẻ" của hai quả bom A và bom H.
Trong khi người đồng cấp Mỹ Robert Oppenheimer trở nên nổi tiếng khắp thế giới – và là chủ đề của một bộ phim tiểu sử lớn cùng tên năm 2023 và gặt hái được 7 giải Oscar – thì tên tuổi của Đặng Gia Tiên chỉ được tiết lộ cho công chúng một tháng trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1986.
Nhà vật lý người Mỹ gốc Trung Quốc Dương Chấn Ninh, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1957, vốn biết rõ về cả hai người, nói rằng Robert Oppenheimer và Đặng Gia Tiên có "những tính cách hoàn toàn trái ngược nhau".
Nếu như Robert Oppenheimer là một “thiên tài không ngừng nghỉ, không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để thể hiện sự vượt trội của mình” thì Đặng Gia Tiên “luôn chân thành và khiêm tốn, và không bao giờ cố gắng thể hiện bản thân”.
Ông Dương Chấn Ninh viết vào năm 1993 rằng: "Trong tất cả những trí thức mà tôi từng biết, Đặng Gia Tiên là người có sự giản dị chân thực nhất".
28 năm âm thầm cống hiến
Đặng Gia Tiên sinh năm 1924 tại An Huy trong một gia đình trí thức và lớn lên với nguyên tắc “có ích cho nước” đặt lên hàng đầu.
Thời thanh niên, Đặng Gia Tiên đến Mỹ học tại Đại học Purdue (bang Indiana), nơi ông hoàn thành bằng tiến sĩ trong vòng chưa đầy hai năm vào năm 1950, khi mới 26 tuổi.
Chín ngày sau khi tốt nghiệp, chàng trai 26 tuổi lên tàu trở về nước và trở thành nghiên cứu viên của Viện Vật lý Hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) dưới sự lãnh đạo của Tiền Tam Cường - "Cha đẻ" của chương trình hạt nhân Trung Quốc.
Năm 1958, Đặng Gia Tiên được chọn phụ trách chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, sau này được gọi là Dự án 596, đứng đầu một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp với độ tuổi trung bình là 23, sau đó được bổ sung thêm một số nhà khoa học và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hơn.
Đến tháng 9/1963, họ đã thiết kế được một quả bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu theo một lộ trình công nghệ hoàn toàn khác so với các cường quốc hạt nhân khi đó, rồi cho nổ thành công thiết bị nguyên tử này chỉ hơn một năm sau đó trong cuộc thử nghiệm Lop Nur tại sa mạc ở Tân Cương.
Sau thành công của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Đặng Gia Tiên chuyển sự chú ý sang phát triển bom hydro (bom H, bom nhiệt hạch). Ông hợp tác chặt chẽ cùng nhà thiết kế chính Vu Mẫn - chuyên gia vật lý hạt nhân nổi tiếng Trung Quốc - để chế tạo loại bom có sức công phá lớn hơn bom nguyên tử mà lại đảm bảo rút ngắn đáng kể thời gian và cắt giảm chi phí cho dự án.
Kế hoạch của họ đã được đền đáp khi vào tháng 6/1967 Trung Quốc thử nghiệm thành công thiết bị nhiệt hạch đầu tiên trong vòng chưa đầy ba năm sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm.
Để đạt được thành tựu to lớn này, người Mỹ phải mất hơn 7 năm, người Liên Xô mất 4 năm, người Anh mất gần 5 năm, còn người Pháp mất tới 8 năm 6 tháng. Điều này cho thấy nỗ lực của Đặng Gia Tiên và nhóm của ông lớn đến mức nào.
Vào thời điểm quả bom H thử nghiệm thành công, Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đang diễn ra, mang lại sự hỗn loạn và xung đột phe phái cho viện nghiên cứu hạt nhân.
Gia đình ông gặp rất nhiều sóng gió. Em gái ông bị suy sụp và qua đời ít lâu sau đó; vợ ông bị tấn công tại nơi làm việc còn con gái ông bị đưa về nước ở tuổi 14, trong khi bản thân Đặng Gia Tiên là mục tiêu bị dư luận chỉ trích dữ dội.
“Những đòn giáng vào Đặng Gia Tiên và gia đình không thể coi là nhỏ. Nhưng anh ấy là một người rất kiên cường. Ngay khi mọi chuyện được cải thiện một chút, anh ấy cố hết sức để hoàn thành kế hoạch và hướng tới những mục tiêu đã đặt ra" - Người vợ của Đặng Gia Tiên chia sẻ về sau.
Động lực này đã thúc đẩy Đặng Gia Tiên tiếp tục nghiên cứu vũ khí neutron (loại bom H nhỏ) cho đến những năm 1980 và ngay cả khi sắp qua đời vì bệnh ung thư, ông vẫn tiếp tục làm việc với Vu Mẫn về kế hoạch đẩy nhanh các vụ thử hạt nhân.
"Đừng để người ta đi trước mình quá xa"
Căn bệnh ung thư của Đặng Gia Tiên xuất hiện có lẽ là do ông tiếp xúc gần với plutonium sau một cuộc thử nghiệm thất bại vào năm 1979.
Để tìm hiểu nguyên nhân thất bại, ông kiên quyết tự tay tìm kiếm các mảnh vỡ phát nổ từ quả bom, khiến bản thân phải chịu bức xạ nặng trong quá trình này.
Khi đi khám, gan và tủy xương của ông đều bị tổn hại nghiêm trọng do nhiễm phóng xạ liều cao. Dù bệnh tật, Đặng Gia Tiên vẫn hết lòng vì công việc. Một năm sau ngày phát hiện bệnh ung thư, ông suy lão rất nhanh, sức khỏe yếu dần. Giữa năm 1986, cơ thể Đặng Gia Tiên bắt đầu xuất huyết nhiều chỗ, không cầm máu được.
Đến ngày 29/7/1986, Đặng Gia Tiên qua đời ở tuổi 62. Câu nói cuối cùng trước khi mất của ông vẫn mang một nỗi niềm đau đáu cho đất nước: "Đừng để người ta đi trước mình quá xa".
Vào ngày 29/7/1996 - kỷ niệm 10 năm ngày mất của Đặng Gia Tiên - Trung Quốc thực hiện vụ thử bom hạt nhân cuối cùng của nước họ rồi tuyên bố trước thế giới tạm chấm dứt các vụ thử nghiệm hạt nhân.
Nhiều năm sau ngày "cha đẻ" 2 quả bom của Trung Quốc qua đời, người ta mới biết nhiều câu chuyện xoay quanh ông qua lời kể của vợ ông, bà Hứa Lộc Hy. Một tháng trước khi ông qua đời, đông đảo công chúng mới biết đến tên tuổi và thành tựu của ông trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Suốt 28 năm (kể từ năm 1958 đến khi qua đời năm 1986), Đặng Gia Tiên đã âm thầm cống hiến công sức và trí tuệ cho đất nước mà không đòi hỏi được người đời ca tụng, biết ơn. Mục tiêu lớn nhất đời ông chính là "tập trung hoàn toàn vào việc theo kịp các siêu cường hạt nhân trên thế giới" theo như lời bà Hứa Lộc Hy kể lại.
Sau ngày Đặng Gia Tiên mất, ông Dương Chấn Ninh đã viết một bài báo để tang, có đoạn: "Đặng Gia Tiên là người thúc đẩy sự nghiệp vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông ấy xứng đáng được mệnh danh là "cha đẻ" của Bom nguyên tử và Bom H của Trung Quốc".
Tham khảo: SCMP, China, Nuclear Museum
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng