Luận bàn về cái chết của PC: Thật ra không cần tablet đẩy, PC vẫn tự ngã
Smartphone và tablet lên đỉnh, PC xuống dốc. Smartphone và tablet xuống dốc, doanh số PC thậm chí còn thê thảm hơn trước. Như vậy, có thể nói rằng sức cạnh tranh khủng khiếp của smartphone và tablet không phải là nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất PC ế ẩm.
Theo số lượng thống kê của 2 công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới là IDC và Gartner, thị trường PC trong quý đầu năm nay đều đã tiếp tục sụt giảm nặng nề. IDC khẳng định số PC xuất xưởng trong quý đầu năm chỉ đạt 60,6 triệu máy, tương đương với mức sụt giảm 11,5% so với cùng kỳ 2015. Số lượng của Gartner vẽ ra một kịch bản ít bi thảm hơn: 65 triệu máy, sụt giảm 9,5%.
Nếu bạn không thể hiểu được tình cảnh của thị trường PC đang thảm hại như thế nào, hãy nhớ rằng iPhone có thể đạt doanh số tầm cỡ 60 – 70 triệu máy trong một quý. Ngay đến cả một nhà sản xuất smartphone non trẻ như Xiaomi cũng đã đạt sản lượng smartphone cao vượt mức tổng doanh số của tất cả các nhà sản xuất PC trong năm vừa qua.
Một thị trường liên tục sụt giảm không có hồi kết là một thị trường đang "hấp hối". Và thực tế là người ta đã nói về cái chết của PC suốt 10 năm qua (hoặc thậm chí là lâu hơn thế nữa).
Đâu là lý do khiến cho PC phải chết? Rất nhiều người nói tới 2 loại thiết bị tương đối mới mẻ của ngành điện toán hàng chục năm tuổi: smartphone và tablet, trong đó tablet có lẽ là có nhiều ảnh hưởng hơn cả. Trong khi về bản chất smartphone, tablet và chiếc PC truyền thống (desktop, laptop, All-in-One) là những thiết bị khác biệt nhau về vai trò và cách hoạt động, trong thực tế là bạn không thể dùng tablet bằng tay trái và dùng laptop bằng tay phải. Kinh phí để mua thiết bị di động và PC cũng sẽ chỉ đến từ... ví tiền của bạn.
Nói cách khác, ảnh hưởng của cuộc cách mạng di động đến PC là có thật.
Song thị trường công nghệ những năm gần đây cũng chứng kiến một thay đổi lớn buộc bạn phải suy nghĩ lại về cái chết của PC. Chiếc smartphone đã bắt đầu chạm đỉnh: số liệu của IDC cho biết tốc độ tăng trưởng của năm 2015 giảm còn một nửa so với 2014, và đến năm 2016 tổng số điện thoại thông minh xuất xưởng sẽ đạt mức ngang bằng như năm trước. Thị trường Trung Quốc, nguồn sống của gần như tất cả các nhà sản xuất smartphone hiện nay, đã bắt đầu trở nên quá khắc nghiệt. Công thức "bán giá rẻ chịu lỗ" tưởng chừng lúc nào cũng chiến thắng của Xiaomi không thể khiến nhà sản xuất này hoàn thành mục tiêu năm 2015.
Apple, tên tuổi chiếm giữ phân khúc màu mỡ nhất, bền vững nhất mới đây cũng chứng kiến doanh số iPhone sụt giảm tới 10 triệu máy cho quý đầu năm. Những chiếc iPad thậm chí còn thê thảm hơn với doanh số suy giảm ở mức 2 chữ số trong suốt 2 năm vừa qua. Ngay cả những thế hệ iPad đem lại trải nghiệm tương đối mới mẻ như iPad Pro 12.9 và iPad Pro 9.7 cũng không thể giúp đảo chiều suy thoái.
iPad là chiếc tablet được ưa chuộng nhất và cũng là đại diện cho sức sống của thị trường máy tính bảng. Không mấy ngạc nhiên, thị trường tablet của quý 1/2016 suy giảm 15% so với cùng kỳ 2015.
Nhưng cùng lúc doanh số PC vẫn tiếp tục lao dốc. Nghịch lý ở đây là tương đối rõ ràng: smartphone và tablet lên đỉnh, PC xuống dốc. Smartphone và tablet xuống dốc, doanh số PC thậm chí còn thê thảm hơn trước. Như vậy, có thể nói rằng sức cạnh tranh khủng khiếp của smartphone và tablet không phải là nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất PC ế ẩm. Một thiết bị đi từ “gây sốt” đến “bão hòa” chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm như tablet rõ ràng là không thể giết chết PC.
Hãy đặt mình vào vị trí của người mua đồ công nghệ thời đại này và bạn sẽ thấy rõ bản chất của mối quan hệ cạnh tranh giữa smartphone, tablet và PC. 5 năm trước, nếu laptop vẫn hoạt động tốt bạn sẽ dành tiền nâng cấp từ điện thoại tính năng lên smartphone, tiếp đó bỏ tiền ra mua một chiếc tablet để đọc sách, lướt face mỗi tối. Chiếc laptop và máy để bàn có lẽ sẽ luôn nằm ở cuối danh sách nâng cấp. Song, vai trò của những chiếc PC vẫn là không thể bị thay thế bởi bất cứ một loại thiết bị di động nào cả: nếu laptop của bạn bị hỏng, bạn vẫn buộc lòng phải bỏ tiền ra mua laptop thay thế, thay vì chạy theo những chiếc iPhone hoặc Galaxy Note đời mới.
Bởi vậy nên có thể nói rằng đối thủ của smartphone, tablet và PC không phải là các loại thiết bị khác, mà là chính những người tiền nhiệm của chúng. Vấn đề lớn nhất mà thị trường tablet gặp phải là ở chỗ những chiếc iPad và Galaxy Tab đã đạt tới độ “chín” về chất lượng quá sớm: ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn sẽ bắt gặp nhiều người hoàn toàn thỏa mãn với những gì iPad 2 hoặc iPad Mini 1 mang lại. Cuối cùng thì không phải ai cũng sẽ cần tới chip 64-bit hoặc độ phân giải “khủng” cho những tác vụ mà họ thường dành cho tablet.
Bài học đó thực chất đã có từ thời kỳ PC: ngay từ trước khi smartphone gây sốt và tablet ra đời, máy để bàn và laptop đã có chất lượng đủ tốt khiến người dùng giảm chu kỳ nâng cấp. Nếu như những chiếc PC của thập niên 90, 2000 hết giá trị sử dụng chỉ trong vòng 2 năm đầu thì PC từ năm 2010 trở đi đã vươn đến độ bền đáng khâm phục. Máy tính Pentium 3 trở nên ì ạch khi Pentium 4 ra mắt, nhưng cho đến tận bây giờ nhiều mẫu PC chạy Core i3, i5 và i7 đời đầu vẫn hoạt động tốt và phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dùng phổ thông. Cuối cùng, không phải ai cũng cần tới 8GB RAM hay ổ SSD.
Nói tóm lại, thị trường PC đã tự mình đi vào ngõ cụt khi chất lượng PC được nâng lên tầm cao mới. Chiếc tablet cũng đã đi vào thảm cảnh đó và ngay cả smartphone cũng vậy. Không thể phủ nhận được rằng các thiết bị di động có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường PC, song đó chỉ là một thay đổi nhất thời, không có ý nghĩa lâu dài: nếu như thị trường điện toán là một cuộc giằng co giữa một bên là PC, một bên là smartphone/tablet, không có cớ gì để PC tiếp tục chết khi những thiết bị di động cũng đã mất dần sức sống.
Nhìn về tương lai, mọi thứ không có vẻ gì là sớm trở nên sáng sủa hơn cho chiếc PC truyền thống. Hai tên tuổi từng đại diện cho toàn bộ thị trường PC – Intel và Microsoft, nay đã chuyển sang đặt trọng tâm vào lĩnh vực đám mây. Với trào lưu này, càng ngày các trung tâm dữ liệu sẽ càng nắm giữ phần nhiều sức mạnh xử lý và tính toán, desktop và laptop sẽ bị hạ cấp xuống thành các thiết bị mang vai trò hiển thị tuần túy. Một khi nhu cầu dành cho sức mạnh tính toán giảm xuống, vòng đời của PC sẽ lại càng gia tăng. Thị trường sẽ thêm phần ảm đạm.
Cứu cánh duy nhất của PC lúc này là công nghệ VR (thực tại ảo) và AR (thực tại hỗ trợ) do Facebook và Microsoft đi tiên phong. Các công nghệ này đòi hỏi những chuẩn mực sức mạnh tính toán cao hơn hẳn thế hệ cũ, buộc cách nhà sản xuất chip đồ họa lẫn các nhà sản xuất chip tích hợp phải đầu tư mạnh tay vào sức mạnh tính toán. Song, nếu bạn áp dụng bài học từ PC hay smartphone, mỗi nền tảng mới đều phải mất một vài năm đầu chập chững mới có thể gây sốt. Đó là còn chưa kể không ai dám chắc chắn liệu VR có “xịt” như 3D hay không.
Điều đó cũng có nghĩa rằng chiếc PC đã chết và có lẽ sẽ tiếp tục “chết” thêm vài năm nữa. Trong thế giới hi-tech dịch chuyển vũ bão, hồi sinh một dòng sản phẩm phần cứng có tuổi đời hàng chục năm sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Đến bao giờ thì chiếc PC yêu quý mới thực sự hồi sinh? Hãy chờ xem VR liệu có làm nên phép màu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng