Lý do vì sao các nhà đầu tư nên ngừng kỳ vọng Ripple sẽ trở thành một Bitcoin thứ 2
Dù cùng là tiền mã hóa trên nền tảng blockchain, nhưng giữa Ripple và Bitcoin có những khác biệt rất cơ bản, cả về mục đích lẫn cách thức hoạt động.
Không phải mọi đồng tiền mã hóa đều như nhau. Cho dù vậy, đừng nói điều đó với các nhà đầu tư vào XRP. Đồng tiền này được sở hữu bởi Ripple, công ty quảng bá về việc sử dụng công nghệ blockchain để xây dựng nên hệ thống thanh toán của tương lai.
Giá của nó đã từng tăng vọt lên tới 700%. Tổng giá trị thị trường của XRP được đẩy lên gần 150 tỷ USD và biến Chris Larsen, nhà đồng sáng lập của Ripple, thành một trong những người giàu nhất hành tinh này
Đà tăng giá khủng khiếp này được tiếp sức ít nhất một phần từ niềm tin rằng, bất kỳ ai mua XRP đều đang đặt tiền vào một Bitcoin thứ hai. Nhưng đối với một số người khác, nó có thể lại là bài học rất đắt khi những gì họ mua vào lại là một điều hoàn toàn khác so với kỳ vọng của mình.
Những khác biệt cơ bản giữa Ripple và Bitcoin
Để bắt đầu, Bitcoin dựa vào một mạng lưới các “thợ mỏ” để chạy các đoạn mã xác nhận giao dịch và đảm bảo an toàn cho đồng tiền này. Sau đó, Bitcoin sẽ được phát hành như một phần thưởng cho việc đào tiền, và hoạt động như để khuyến khích mạng lưới tiếp tục duy trì hoạt động.
Trong khi đó với Ripple, lại không có thợ mỏ nào. Toàn bộ 100 tỷ đồng XRP đang tồn tại được tạo ra khi mạng lưới này ra mắt vào năm 2012. Những người tạo ra nó giữ lại 20 tỷ đồng tiền này và đưa phần còn lại vào công ty. Kể từ đó, Ripple đã phân phối “một cách có phương pháp” các token của mình cho khách hàng, nhưng công ty vẫn giữ lại gần 50 tỷ trong tài khoản ủy thác.
Chưa hết, Ripple còn sử dụng thuật toán đồng thuận mới để xác nhận giao dịch, và họ khuyến khích khách hàng sử dụng một danh sách các bên tham gia đã được xác minh, đáng tin cậy để xác nhận giao dịch của họ. Điều này trái ngược với Bitcoin, khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành thợ mỏ.
Điều này mang lại cho Ripple khả năng kiểm soát lớn đối với hoạt động bên trong XRP, dẫn đến việc nhiều người cho rằng nó không hoàn toàn phân quyền. Theo nhà phân tích tiền mã hóa và doanh nghiệp, Ryan Selkis, ít nhất theo ý nghĩa đó, XRP là một đồng tiền mã hóa “xấu”.
Ripple không thay thế Bitcoin
Nhưng XRP chưa bao giờ có ý định trở thành một Bitcoin khác. Canh bạc lớn nhất của Ripple là XRP sẽ trở thành một “đồng tiền cầu nối” được nhiều tổ chức tài chính sử dụng để tạo nên các thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và rẻ hơn so với các mạng lưới thanh toán toàn cầu mà họ đang sử dụng, vốn rất chậm chạp và liên quan đến nhiều bên trung gian.
Bitcoin cũng có thể sử dụng để làm việc này, nhưng Ripple có thể xử lý đến 1.000 giao dịch mỗi giây, lớn hơn nhiều so với con số 7 giao dịch mỗi giây của Bitcoin và phí giao dịch của nó cũng thấp hơn nhiều. Ý tưởng ở đây là điều này sẽ làm cho đồng tiền trở nên có giá trị hơn.
Công ty cho biết hiện đã có hơn 100 tổ chức tài chính đang sử dụng công nghệ của mình, và đà tăng đột biến vào đầu năm nay của XRP có liên quan đến các tin tức cho rằng 61 ngân hàng ở Nhật Bản và 2 ngân hàng ở Hàn Quốc đã hình thành một liên minh để thử nghiệm việc sử dụng Ripple.
Cho dù vậy, đây là điểm mấu chốt: mạng lưới thanh toán dựa trên blockchain của Ripple có thể hoạt động mà không cần đến XRP với vai trò đồng tiền cầu nối. Về cơ bản, mạng lưới thanh toán Ripple cho phép người dùng phát hành và giao dịch bằng bất kỳ loại tiền tệ nào, trong đó có cả XRP.
Trong khi XRP là đồng tiền mã hóa do Ripple phát hành, thì người dùng cũng có thể tự phát hành các loại tiền của mình, chúng được gọi chung là các IOU (viết tắt của I Owe You: một dạng như biên lai nhận nợ). Các IOU này có thể là các loại tiền mã hóa khác, hoặc cũng có thể là một vật có giá trị quy đổi, ví dụ như ngoại tệ hoặc dặm bay. Cho dù mạng Ripple xử lý đồng nhất cả XRP và IOU, nhưng các giao dịch với IOU lớn hơn và phức tạp hơn nhiều, đồng nghĩa với việc tốn chi phí hơn so với XRP để thực hiện.
Nhưng với việc gần như mọi người trên mạng lưới Ripple đều chọn giao dịch với các IOU và được quy đổi qua các loại tiền tệ phổ biến như USD hay EURO, nên việc sử dụng XRP không phải là một lựa chọn bắt buộc. Điều đó lý giải vì sao mạng lưới Ripple có thể hoạt động mà không cần đến XRP với vai trò đồng tiền cầu nối.
Trong tháng Một vừa qua, Brad Garlinghouse, CEO của công ty, đã đăng lên Twitter dòng tin rằng các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán “đang thực sự có kế hoạch sử dụng (XRP) theo một cách nghiêm túc.” Cũng trong tháng Một, MoneyGram, một công ty chuyển tiền hàng đầu thế giới, thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm XRP. Tuy nhiên, thông báo này không đảm bảo rằng nó sẽ được thông qua.
Tuy nhiên, những người đang quan tâm về token này có lẽ phải biết rằng những tin đồn phát tán rộng rãi như vậy có thể còn xa mới đúng trong thực tế, và có thể là không bao giờ. Và nếu bạn là người thường xuyên theo dõi đồng tiền này, hẳn bạn đã nhận thấy: kể từ ngày 4 tháng Một đầu năm nay, khi XRP đạt mức cao kỷ lục 3,65 USD với giá trị vốn hóa lên tới hơn 140 tỷ USD, đến nay, nó đã mất khoảng 75% giá trị vốn hóa của mình, chỉ còn 36 tỷ USD với mức giá xoay quanh 0,8 USD.
Tham khảo Technologyreview
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng