Lý giải khoa học đằng sau việc tại sao bạn không thể tìm ra những lỗi chính tả trong chính bài viết của mình

    Dink,  

    Chính não bộ ta viết nên những câu từ ấy và rồi chính chúng lại không biết rằng mình đã mắc lỗi ở đâu. Quả là ăn hại!

    Bài viết dựa theo một bài viết trên Wired và những trải nghiệm cá nhân về việc viết lách. Mục đích không phải là để lấp liếm những lỗi chính tả xuất hiện tràn lan (mặc dù đôi phần như vậy), mà để cho bạn hiểu rõ hơn về yếu tố khoa học đằng sau những lỗi lầm tai hại đó.

    Cuối cùng, bạn đã xong được bài báo dài mà sếp giao. Bạn toát mồ hôi hột vì bỏ kha khá công sức vào việc lựa chọn từ ngữ, tìm cách sắp xếp nó một cách hợp lý để người duyệt (sếp) và người đọc (độc giả) có thể hiểu được ý nghĩa xuyên suốt cả bài. Bạn rà sáot lỗi (tôi cố tình viết nhầm đấy), và rồi chắc mẩm rằng chẳng có lỗi nào lọt qua được đôi mắt tinh anh và nhanh nhạy của mình. Thế rồi, khi bài lên trang, độc giả phát hiện ngay ra lỗi chính tả trong bài, chẳng nằm đâu xa mà ngay ở khổ đầu bài viết.

     Rẽ pảhi.

    Rẽ pảhi.

    Lỗi chính tả, kẻ thủ muôn đời của việc viết lách hay bất kì thứ gì liên quan đến chữ nghĩa. Từ những bài báo được đăng tải đó đây, cho tới những CV xin việc được xếp vào xó phòng làm việc. Đáng buồn thay những chữ đó đều là những từ đơn giản, bạn có thể đánh vần nó ra và hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng rồi thế nào mà chúng lại “lọt được khe hở kiểm duyệt” chính bạn đặt ra. Tại sao chính ta viết nó ra mà rồi bỏ sót nó như vậy?

    Lý do đằng sau những lỗi chính tả ấy không phải là do chúng ta có năng lực yếu kém hay không thận trọng trong công việc. Đó là vì chúng ta đang thực hiện một hoạt động yêu cầu sức mạnh não bộ cao và cần nhiều trí thông minh, và ấy là những gì nhà tâm lý học Tom Stafford, người nghiên cứu về lỗi chính tả tại Đại học Sheffield, Anh Quốc nói. “Khi bạn viết, bạn đang cố truyền đạt ý nghĩa. Đó là một hoạt động cao cấp của não bộ”, anh nói.

    Cũng như các hoạt động đòi hỏi trình độ cao khác, não của bạn tổng quát hóa những khái niệm đơn giản, những mảnh ghép nhỏ của một bức tranh lớn hơn – chẳng hạn như biến chữ cái thành từ rồi ghép từ thành câu, để sử dụng sức mạnh não bộ vào những việc khó khăn và rắc rối hơn như ghép những câu chữ lại thành một ý tưởng.

    Chúng ta không thể tìm ra được toàn bộ các tiểu tiết, chúng ta chẳng phải những chiếc siêu máy tính thuộc cơ sở dữ liệu của NSA”, anh Stafford nói. “Thay vào đó, ta thu về những thông tin mà các giác quan ta nhận được và kết hợp nó với những gì ta mong mỏi, ta rút ra ý nghĩa từ những thông tin ta nhận về”.

    “Khi ta đọc một văn bản, một bài viết của người khác, ta có thể hiểu được ý nghĩa tác phẩm ấy dễ hơn mà không cần quá nhiều sức mạnh não bộ. Khi ta tự đọc soát lại tác phẩm của mình, ta đã biết được ý đồ của mình là gì. Và vì ta đã biết trước ý nghĩa của mọi thứ ta viết, ta sẽ dễ bỏ sót những phần thiếu. Lý do để ta không thể nhìn ra lỗi chính tả của mình là bởi những gì ta đang đọc bằng mắt trên màn hình máy tính đang đối đầu với một phiên bản khác của chính bài viết ấy nằm trong não chúng ta”.

    Có thể những lỗi ấy chỉ là lỗi chính đơn thuần, cũng có thể lỗi ấy trầm trọng hơn nhiều, ví dụ như thiếu mất một ý chính của đoạn vì quên mất không thêm vào hay thậm chí ... xóa nhầm trong quá trình chỉnh sửa bài. Bản thân tôi đã gặp và cũng đã bị nhắc nhở khoản này vài lần.

     Dừgn lại - SOTP.

    Dừgn lại - SOTP.

    Khả năng tổng quát hóa chính là dấu hiệu nhận biết những hoạt động cao cấp của não bộ (ví dụ như suy nghĩ, tính toán, phán xét, tưởng tượng, ...). Nó cũng giống như cách mà não bộ chúng ta “vẽ” ra một bản đồ của những khu vực ta quen thuộc, thường xuyên đi lại hay tạo ra trí nhớ về quang cảnh, về mùi vị hay cảm nhận cá nhân về tường con đường đã đặt chân tới. Chính cái bản đồ não bộ ấy – sản phẩm của khả năng tổng quát hóa - giải phóng bộ não ta, để ta có thể nghĩ ra được những thứ khác.

    Nhưng đôi khi, chính điều này lại phản bội ta. Chẳng hạn như việc bạn dự định sang nhà bạn chơi mà lại chạy thẳng tới cơ quan, lý do là vì đường tới nhà bạn cũng có đoạn giống đường đi làm. Ta có thể có những giây phút mù mờ, không nắm rõ được những tiểu tiết nhỏ nhặt bởi não ta đã hoạt động dựa trên bản năng và trên chính tấm bản đồ nó vẽ ra. Điều đó cũng đúng khi ta ngồi đọc lại một bài viết chính tay mình gõ ra: khi mà bạn đọc từng câu từng chữ ấy, não ta đã có một điểm đến xác định, biết mọi ngõ ngách của bài viết kia, ý đồ từng đoạn ra sao và cái kết như thế nào.

    Và đó cũng là lý do tại sao người đọc lại có thể nhặt ra được những lỗi cả nhỏ và lớn ấy. Ngay cả khi bạn dùng những từ ngữ mà có thể họ hàng ngày tiếp xúc, những từ ngữ ấy với họ đang thực hiện một chuyến hành trình hoàn toàn khác. Người đọc bài, độc giả không biết trước được đích đến của bài viết là gì và do đó, họ chú ý hơn tới những tiểu tiết dọc đường đi, những chi tiết nhỏ làm nên bài viết.

    Và mặc dù việc làm cho bản thân quen thuộc với những thứ đơn giản lại giới hạn khả năng nhặt nhạnh lỗi của chúng ta, thế mà vẫn có khi ta “bắt tại trận” bộ não của mình đang phạm lỗi – ví dụ như đang gõ mà phát hiện ra được là mình gõ sai vậy. Ta cũng thường xuyên làm được điều đó đấy chứ? Số liệu thì không nói dối: Microsoft nói rằng nút xóa - backspace là nút được dùng nhiều thứ ba trên bàn phím của ta, nằm sau vị trí số một là nút cách – space và số hai là nút chữ “e” – chữ cái được dùng nhiều nhất trong tiếng Anh.

    Thậm chí, những người có khả năng gõ mà không cần nhìn vào bàn phím biết được rằng mình sẽ phạm lỗi trước cả khi từ ấy xuất hiện trên màn hình. Não bộ của họ đã quá quen với việc biến đổi suy nghĩ thành chữ nghĩa cho nên nó đã cảnh báo được họ khi họ chuẩn bị mắc lỗi. Trong một nghiên cứu được đăng tải năm 2015, Stafford và đồng nghiệp tiến hành theo dõi tốc độ gõ chữ của một số người, khi mà cả bàn phím và màn hình của họ bị che mất. Họ nhận thấy rằng những người có khả năng gõ không cần nhìn phím gõ chậm lại mỗi khi họ chuẩn bị mắc lỗi.

    Làm sao mà những người ấy có thể làm được vậy? Não bộ của họ vẽ ra một bản đồ riêng cho chính cái bàn phím trên tay họ. Khi họ gõ, những bộ não ấy, theo bản năng, sẽ chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo - họ sẽ gõ tiếp phím gì. “Nhưng có một độ trễ (lag) nhất định giữa tín hiệu gõ chữ đưa xuống từ não và hành động gõ chữ thực tế bằng ngón tay”, anh Stafford nói. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, não bộ của bạn có đủ thời gian để gửi đi một tín hiệu nữa xuống cho tay, báo cho nó biết cảm giác “có vẻ sai sai”, và cho biết đúng ra là phải như thế nào. Mỗi khi nó phát hiện ra lỗi, nó sẽ báo cho tay gõ chậm lại để có thời gian chỉnh lại cho đúng, trước cả khi hành động gõ được thực hiện.

    Nhưng kinh nghiệm gõ lâu năm chỉ cho thấy rằng việc gõ xảy ra rất nhanh, quá nhanh để mà ngón tay có thể điều chỉnh khi tín hiệu được gửi xuống – vì thế mà vẫn có lỗi diễn ra mà đó là lý do tại sao ta vẫn phải dùng tới nút xóa – backspace nhiều thế, dù rằng não bộ xử lý kịp nhưng tay thì lại quá “nhanh nhảu đoảng”.

    Nhưng đó chính là bản năng của con người từ thời xa xưa. Anh Stafford nói rằng hành động này tiến hóa từ cơ chế tâm lý hình thành từ khi não bộ của con người cổ đại phát triển, đã cố gắng điều chỉnh những hoạt động nhỏ nhất của cơ thể, để mũi lao ném đi khi đi săn bắt được chính xác và mạnh mẽ hơn.

    Đáng buồn thay, khả năng kiểm tra lỗi ấy lại không hiện hữu trong quá trình chỉnh sửa và đọc lại bài viết. Khi bạn tiến hành đọc lại, bạn đang cố lừa não mình rằng đây là lần đầu tiên bạn đọc bài này và não bộ chúng ta đủ thông minh để nhận biết rằng chính nó là tác giả bài viết đó. Anh Stafford gợi ý rằng nếu như bạn muốn tự kiểm duyệt và phát hiện ra lỗi của mình, bạn phải cố gắng tạo ra một sản phẩm ít quen thuộc nhất có thể. Ta có thể làm thế với việc đổi font chữ, đổi màu nền làm việc, in hẳn ra rồi sửa bằng tay.

    “Một khi bạn đã học và làm quen được thứ gì đó theo một cách nào đó cụ thể, rất khó để nhận biết được các tiểu tiết xuất hiện mà không thay đổi cách ta nhìn vào nó”, anh nói.

    Bản thân tôi đã cố gắng rà soát lại bài này một cách vô cùng kỹ càng. Nó không có lỗi một cách ... vô cùng đáng ngờ. Có lẽ các bạn, những độc giả sẽ phát hiện ra được những gì mà bộ não "ăn hại" này bỏ sót.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày