MacBook hoàn toàn có đủ khả năng mở đường đưa ARM đánh bại Intel trên PC
Cả Microsoft và Google đều đã và đang mang tham vọng xây dựng ARM thành kiến trúc vi xử lý dành cho những chiếc laptop và desktop. Nhưng chỉ có Apple là đang ở vị trí thuận lợi nhất, hợp lý nhất để giúp Intel "về vườn".
Trong gần một năm, nhiều tờ báo công nghệ trên thế giới đã nhắc đến khả năng những chiếc MacBook của tương lai có thể loại bỏ chip Intel để chuyển sang sử dụng những con chip do chính Apple thiết kế.
Cho đến tận tháng trước, đây vẫn là một kịch bản có vẻ quá xa vời. Cuối cùng thì Apple mới chỉ thiết kế được chip di động chứ không phải là chip PC ở đẳng cấp Intel. Nhưng trong tháng 9, Apple làm mới chiếc điện thoại biểu trưng của hãng và mang đến một bất ngờ không hề nhỏ: hiệu năng nhân đơn của chip A10 trên iPhone 7 đã ngang ngửa với nhiều mẫu chip Core của Intel.
Giờ là lúc để chúng ta nghiêm túc nhìn lại những ảnh hưởng mà Apple có thể đem lại tới thị trường PC sau "cú sốc" A10 Fusion.
Lời hứa iPad Pro
Trong một thời gian dài, Tim Cook đã luôn khẳng định rằng iPad Pro có thể thay thế cho laptop để đảm nhiệm vai trò chiếc PC "hiệu năng cao" cho người dùng. Xét riêng về tính năng tính năng, điều này có thể là hoàn toàn đúng: rất nhiều ứng dụng quan trọng và tương đối nặng ký của macOS như Photoshop và Lightroom của Adobe giờ đây đã đặt chân lên iOS với tính năng khá đầy đủ so với bản gốc.
Nhưng cũng giống như bất kỳ một chiếc iPad nào trước đây, iPad Pro cũng mắc phải một điểm yếu về ấn tượng người dùng: người ta sẽ nhanh chóng suy nghĩ đến sức mạnh xử lý tổng thể của iPad và đi đến kết luận rằng máy tính bảng không đủ sức mạnh để làm những công việc "nghiêm túc". Sự kiện A10 Fusion chính là phép màu có thể giúp thay đổi nhận định này: thế hệ chip A10X hoặc A11X cho chiếc iPad Pro tiếp theo chắc chắn sẽ tận dụng được những đột phá có trên A10 để cạnh tranh sòng phẳng hơn với chip laptop Intel hoặc AMD về phương diện hiệu năng thuần túy. Hiển nhiên, iPad Pro 2 sẽ chẳng thể cạnh tranh với Core i7 của laptop game, nhưng đó cũng chẳng phải là thị trường mà Apple muốn chinh phục.
Những bước tiến như A10 hay Photoshop cho iOS 9 sẽ càng đe dọa nặng nề hơn nữa tới vai trò của PC. Doanh số trái ngược của hai thị trường di động và PC đã tạo ra hai xu hướng song hành: chip di động càng ngày càng mạnh nhưng nhu cầu sức mạnh điện toán trung bình của người dùng lại suy giảm. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên thế giới vẫn tiếp tục sử dụng những chiếc PC truyền thống song càng ngày cũng càng có nhiều người sử dụng tablet và thậm chí là smartphone cho công việc. Phần lớn những việc họ làm trên PC như lướt web, gửi mail hay Word, Excel nay đều đã có trên iOS và Android.
Một chiếc MacBook Pro dùng chip gắn mác Apple
Kể cả trong trường hợp Apple vẫn muốn duy trì những chiếc laptop mạnh mẽ hơn hẳn iPad, tương lai của Intel trên MacBook vẫn không được đảm bảo. Apple vừa mới chứng minh với thế giới rằng hãng này có thể tạo ra những nhân xử lý không thua kém Intel, và một khi giới hạn vật lý của smartphone đã bị loại bỏ, không có lý do gì để khẳng định Apple không thể tạo ra những con chip PC không thua kém gì Intel.
Vấn đề lớn nhất Apple sẽ gặp phải khi nỗ lực loại bỏ Intel khỏi MacBook là sự khác biệt về kiến trúc do macOS hiện đang sử dụng x86. Thế nhưng, macOS cũng đã một lần đổi kiến trúc xử lý. Với bản chất là một hệ điều hành UNIX, macOS sẽ không gặp nhiều khó khăn như Windows khi chuyển từ x86 sang ARM hay ngược lại.
Một vấn đề nhỏ khác là ấn tượng của thị trường: Apple vẫn sẽ phải thuyết phục người dùng rằng chip A có thể thay thế cho Core trên Mac. A10 Fusion đã thực hiện được điều này từ bây giờ, và tất cả những gì Apple cần chỉ là vận dụng bộ máy marketing khổng lồ của mình. MacBook sẽ mất đi đối tượng người dùng là các game thủ, song một lần nữa đây cũng chẳng phải là đối tượng người dùng được Apple coi trọng từ trước đến nay. Trong danh mục sản phẩm của Táo, chỉ có Mac Pro là thực sự cần đến sức mạnh Intel thì tới nay vẫn đang bị... ghẻ lạnh.
Đổi lại, thay đổi chip MacBook từ Intel thành ARM cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Với miếng ăn chính là iPhone, Apple trong những năm vừa qua đã luôn ưu ái đầu tư công sức phát triển cho iOS và để cho macOS chạy theo sau, ví dụ như Siri và Notification Center xuất hiện trên iOS đầu tiên rồi mới lên macOS. Không khó để nhận ra rằng nếu có thể hợp nhất 2 nền tảng lên cùng một kiến trúc xử lý, Apple sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức phát triển cho các thiết bị phần cứng mác Táo của tương lai và cũng tạo ra thêm một thế mạnh để cạnh tranh với Windows 10.
Chưa kể, Intel đã khiến Apple bực mình ít nhất là một lần sau khi chip Core M trên MacBook bị đánh giá là quá yếu đuối. Trong năm nay, Apple cũng chưa làm mới MacBook Pro, MacBook Air hay Mac Pro vốn đã 3 năm tuổi – có vẻ như Tim Cook đang muốn bày tỏ rõ thái độ không hài lòng với Intel. Một công ty muốn kiểm soát tất cả các khía cạnh của chu trình phát triển sản phẩm như Apple cũng có đầy đủ lý do để loại bỏ Intel và thay thế bằng một con chip có gắn logo Táo Cắn Dở.
Trong kịch bản này, vai trò của Intel có thể bị hạ xuống thành một hãng gia công (như vai trò của Samsung, TSMC) hoặc thậm chí là không gì cả. Apple vừa gia tăng được mức độ sở hữu MacBook, vừa chứng minh với thế giới rằng năng lực công nghệ của mình không hề thua kém những gã khổng lồ như Intel.
Hiệu ứng domino cho cả thị trường PC người tiêu dùng
Hiển nhiên Apple chỉ là một trong rất nhiều khách hàng của Intel, nhưng nếu Apple dám loại bỏ Intel để dùng ARM cho các hệ điều hành desktop thì các hãng sản xuất PC khác cũng sẽ nhận ra một sự thật quan trọng: ARM sẽ không bị giới hạn cho smartphone và tablet. Trong quá khứ, Apple đã không dưới một lần khai phá các ý tưởng bị chỉ trích (bao gồm cả iPhone và iPad) để rồi bất ngờ thành công và được các hãng khác... sao chép ồ ạt.
Điều đó không có nghĩa rằng các ông lớn khác chưa nhận ra tiềm năng của PC chạy ARM. Google hiện tại cũng đã có một hệ điều hành ARM dành cho laptop, nhưng những chiếc ChromeBook rõ ràng là thua kém các mẫu chip của Apple về hiệu năng đơn nhân và Chrome OS cũng thua kém macOS quá nhiều về tính năng. Microsoft hiện đang giương cao lá cờ "đồng nhất" (Universal) nhưng cũng đã vấp ngã một lần quá đau với Windows RT, vốn là phiên bản Windows được tập trung cho tablet ARM. Tất cả những gì các gã khổng lồ này cần bây giờ chỉ là một cú huých từ Apple để đầu tư mạnh tay hơn nữa vào tầm nhìn "ARM PC".
Không thể phủ nhận được rằng trên thị trường người tiêu dùng, Intel vẫn sẽ luôn có những thế mạnh riêng mà không một đối thủ nào có thể xóa bỏ, ví dụ như game thủ hoặc đối tượng người dùng chuyên nghiệp cần đa nhiệm. Thế nhưng, đó đều là những cộng đồng khá nhỏ bé so với thị trường ARM đang ngày một bành trướng rõ rệt hơn. Đi cùng với xu hướng đám mây và xu hướng đơn-giản-hóa của thị trường người tiêu dùng, nhu cầu dành cho PC phần cứng cao cấp cũng đang ngày một thu nhỏ. Nếu một ngày tất cả mọi tác vụ điện toán thực sự lên mây, có lẽ những chiếc PC cũng sẽ biến mất.
Đó sẽ là một kịch bản rất khó tưởng tượng với thế hệ 8X và 9X lớn lên cùng với những chiếc máy tính để bàn, nhưng rõ ràng là với phần đông đối tượng người dùng hiện nay PC cũng đã là không thực sự cần thiết. Cả "x86" và "ARM" thực chất đều là những khái niệm vô nghĩa với người dùng cuối, và giờ nếu tiếp tục được những thành tựu như A10 Fusion, Apple hoàn toàn có thể tạo ra một tương lai nơi Intel là kẻ yếu thế trên lãnh địa PC.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng